Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson thăm cấp Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Chiều 4/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng chuyến thăm thành công tốt đẹp của ngài Tổng thống sẽ là một dấu mốc mới, tạo ra động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của Iceland đối với Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng trong trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được trong hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson cũng như kết quả đạt được trong hội kiến giữa ngài Tổng thống và các nhà lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để cùng với Iceland tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Với tinh nhần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp, làm cơ sở tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư bởi đây là những lĩnh vực mà tiềm năng, lợi thế hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.
Hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Iceland có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khai và chế biến thủy sản gắn với thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường sinh thái, năng lượng sạch-một lĩnh vực mà Iceland có nhiều kinh nghiệm; hợp tác trong lĩnh vực môi trường, công nghệ thông tin…
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp xây dựng khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng khác như giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, du lịch…; mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp lập trường, ủng hộ lẫn nhau ở các diễn đàn quốc tế nhất là ở Liên hợp quốc; đề nghị Iceland ủng hộ, thúc đẩy đàm phán và sớm đi tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với khối Mậu dịch tự do châu Âu-EFTA…
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn Iceland tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Iceland có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt với xã hội sở tại, góp phần tích cực vào tăng cường tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Iceland.
Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson bày tỏ vui mừng được sang thăm và làm việc tại đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu lòng mến khách; nhận được sự đón tiếp trọng thị của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Tổng thống cũng khẳng định Iceland đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là ở những lĩnh vực được coi là thế mạnh của Iceland như phát triển nông nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao; công nghiệp nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản; bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; chế biến thực phẩm; năng lượng… Bên cạnh đó, Iceland cũng sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, liên kết trong đào tạo giữa các trường đại học…
Là hai quốc gia biển, cùng chịu tác động của biến đối khí hậu và nước biển dâng, Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong xây dựng các kịch bản, kế hoạch, giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Đề cập tới vấn đề Biển Đông, Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson khẳng định quan điểm nhất quán của Iceland là luôn ủng hộ lập trường chính đáng của Việt Nam cũng như của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Tổng thống nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề Biển Đông phải được thực hiện bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982./.
Theo TTXVN