Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành tỉnh khảo sát dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh
- PV: Thưa ông, Long An có vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ của miền Tây với TP.HCM cũng như kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, tỉnh cũng như ngành GTVT có những giải pháp gì để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhằm tạo bước đột phá phát triển KT-XH?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Long An là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TP.HCM và Vùng Đông Nam Bộ. Với vị trí chiến lược đầy tiềm năng, việc phát triển đồng bộ hệ thống GTVT rất quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển của tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực.
Xác định được tầm quan trọng đó, trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông luôn được xác định là một trong những chương trình đột phá. Cùng với đầu tư các công trình trọng điểm đã từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao, qua đó tạo sự khác biệt, dấu ấn để giành thế chủ động trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Riêng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh xác định 3 công trình giao thông trọng điểm đó là hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; Đường tỉnh (ĐT) 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830) và ĐT827E.
- PV: Hiện nay, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào? Các công trình này có tác động ra sao đến việc phát triển KT-XH của tỉnh?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Có thể khẳng định, 3 công trình trọng điểm được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đều là các công trình có ý nghĩa chiến lược trong phát triển KT-XH. Trong đó, tuyến đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây đã chính thức thông xe vào cuối năm 2023. Tuyến đường này tạo trục giao thông liên hoàn, xuyên suốt, mở ra không gian phát triển đô thị mới của TP.Tân An theo hướng lan tỏa có kiểm soát và phân vùng, tạo cân bằng trong quá trình đô thị hóa giữa thành thị và nông thôn. Tuyến đường Vành đai TP.Tân An cũng kiến tạo những không gian phát triển mới đầy tiềm năng, huy động được các nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông. Tuyến đường này còn góp phần rất lớn giúp giải quyết "bài toán" về ùn tắc giao thông cho khu vực nội ô trong những đợt cao điểm lễ, tết, nhất là giảm áp lực giao thông trên tuyến Quốc lộ (QL) 1, QL62; đồng thời, tạo thành trục đô thị kết nối liền lạc giữa các phân vùng Châu Thành - Tân An - Thủ Thừa, Châu Thành - Tân An - Tân Trụ, thúc đẩy phát triển KT-XH trong vùng và khu vực.
Đối với công trình ĐT830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830), hiện được các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch. Dự án (DA) hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh nói chung và huyện Bến Lức, Cần Đước nói riêng theo quy hoạch giao thông tỉnh đến năm 2030 và quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh. Tuyến đường này cũng nhằm kết nối giao thông từ các tuyến ĐT của tỉnh với đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 TP.HCM, giảm áp lực giao thông cho QL1. Đồng thời, việc đầu tư tuyến đường còn nhằm bảo đảm an ninh - quốc phòng, tạo điều kiện kết nối giao thông liền mạch với TP.HCM.
Riêng đối với DA ĐT827E (nay là QL50B), đây là trục động lực kinh tế quan trọng kết nối TP.HCM với Long An và Tiền Giang có chiều dài 55km. Trong đó, đoạn qua tỉnh có chiều dài 5,6km, đi qua 4 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành. Trước mắt, tỉnh triển khai xây dựng đường dẫn và 3 cầu: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và cầu Cần Giuộc trên tuyến đường này. Bên cạnh các công trình trọng điểm, hiện ngành GTVT tích cực triển khai các công trình thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm.
- PV: Thưa ông, có thể thấy trong nhiệm kỳ này, tỉnh Long An được ví như một “đại công trường” với hàng loạt DA giao thông trọng điểm của tỉnh cũng như quốc gia. Thời gian qua, việc triển khai, thực hiện các DA có gặp khó khăn gì?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Đúng là hiện nay Long An như một “đại công trường” khi hàng loạt DA được đồng loạt triển khai thi công. Đặc biệt, tỉnh đang dồn sức triển khai DA đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh. Đến nay, DA này được các đơn vị thi công tập trung thực hiện bảo đảm các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.
Với việc triển khai đồng loạt các DA, chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ gặp khó khăn, nhất là liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và nguồn cung vật liệu san lấp bị thiếu hụt. Tuy nhiên, ngành luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Bộ GTVT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện công trình trọng điểm, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước đưa DA hoàn thành theo kế hoạch.
- PV: Với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, thời gian tới, ngành GTVT có những kế hoạch, giải pháp như thế nào để đưa các công trình, DA giao thông về đích, đáp ứng kỳ vọng của tỉnh trong phát triển KT-XH?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong những đột phá chiến lược của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước trong phát triển kinh tế. Để các công trình giao thông "về đích" đúng kế hoạch, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như quán triệt đến các đơn vị thi công thực hiện đúng phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tổ chức thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", “3 ca, 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để kịp thời giải quyết ngay những vướng mắc phát sinh nếu có theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống giao thông - vận tải của tỉnh từng bước được đầu tư, hoàn thiện đồng bộ, có tính kết nối cao tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
Đồng thời, Sở tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh ưu tiên bố trí, điều chuyển, cấp đủ vốn cho các DA, nhất là các DA trọng điểm của tỉnh; chỉ đạo các địa phương nơi có công trình huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị chung tay hỗ trợ triển khai DA, đặc biệt là việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có đất sạch triển khai thi công các DA được thuận lợi. Đối với nguồn vật liệu, nhất là về vật liệu cát đắp nền, Sở phối hợp các địa phương có mỏ vật liệu để có nguồn cung cấp ổn định, bảo đảm tiến độ thực hiện của DA.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất của ngành, chúng tôi sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các DA giao thông, góp phần tạo sức bật cho tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.
- PV: Với quyết tâm lớn của toàn ngành GTVT cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hy vọng rằng các công trình trọng điểm, công trình thuộc chương trình đột phá về giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ sớm hoàn thành, mở ra những không gian phát triển mới để tỉnh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư, tạo "đòn bẩy" trong phát triển KT-XH. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Kiên Định