Tiếng Việt | English

24/09/2022 - 09:39

Kết quả công tác của cán bộ điều động mới là “số phiếu” tin cậy

Cán bộ điều động luân chuyển có thể được bầu với số phiếu cao nhưng “số phiếu” ấy mới chỉ thể hiện “sự tin tưởng vào việc giới thiệu của Trung ương”.

Luân chuyển, điều động cán bộ là một chủ trương đúng nhằm tạo cơ hội cho cán bộ được rèn luyện, thử thách, đồng thời hạn chế tình trạng “cả họ làm quan” hay thân quen, cánh hẩu.

Thời gian qua, một số cán bộ được điều động, luân chuyển về địa phương giới thiệu để bầu các chức danh chủ chốt. Phần lớn những cán bộ này được đại biểu HĐND bầu với số phiếu khá cao, nhiều người đạt con số tuyệt đối. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, quan trọng là quá trình công tác của cán bộ đó tại địa phương, và sau một thời gian nhất định, số phiếu bầu cho họ mới thật sự chính xác. 

Thực tế tại Hà Nội, khi được giới thiệu bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh đều được bầu với tỷ lệ số phiếu rất cao, đặc biệt ông Chu Ngọc Anh được 100% đại biểu có mặt tán thành. Ông Trịnh Xuân Thanh khi về Hậu Giang được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh với đại đa số phiếu bầu; ông Triệu Thế Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội được Ban Bí thư điều động làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, sau đó được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh với số phiếu tín nhiệm 100%... Tuy nhiên, những cán bộ này đã bị kỷ luật, bị khởi tố và nhiều sai phạm của họ xảy ra trong quá khứ.

Ông Nguyễn Mai Bộ trong một phiên thảo luận trên diễn đàn Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, cán bộ điều động, luân chuyển được cơ sở bỏ phiếu tỷ lệ cao nói lên một điều duy nhất đó là thể hiện quan điểm thống nhất, đồng tình của cấp cơ sở với chủ trương của cấp có thẩm quyền trong việc điều động cán bộ. Cơ sở mới chỉ tin tưởng cán bộ đó trên hồ sơ giới thiệu, còn thực chất cán bộ ra sao, đạo đức, năng lực thế nào nhiều người không biết.

Cùng quan điểm, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cán bộ luân chuyển được bầu với số phiếu cao thể hiện sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên đối với sự giới thiệu của Trung ương, chứ chưa nói lên năng lực thực tế, phẩm chất của cán bộ đó. Địa phương tin tưởng vào giới thiệu của Trung ương, nên họ bỏ phiếu, thể hiện sự đồng thuận cao. Còn thực tế, cơ sở chưa tiếp xúc nhiều với cán bộ mới về; ngược lại cán bộ luân chuyển về cũng chưa có thời gian để cọ sát, thể hiện năng lực.

Vậy cán bộ điều động luân chuyển được bầu với số phiếu cao có phải là đáng mừng hay không? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi thực tế đã cho thấy, sau một thời gian, ở một số địa phương, cán bộ luân chuyển điều động đã không đạt được sự kỳ vọng của cán bộ, nhân dân địa phương. Có người sau khi được luân chuyển, thay vì phải “tiếp tục phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống; tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý” thì lại buông lỏng, đánh mất bản thân, sa ngã.

Vì thế, chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ chỉ có thể phát huy hiệu quả thực sự khi chúng ta không lựa chọn nhầm người.

Ông Lê Như Tiến (Ảnh: Infonet)

“Điều động, luân chuyển để phát triển cán bộ không phải là chủ trương sai nhưng lựa chọn cán bộ để luân chuyển, điều động phải chính xác, cán bộ lựa chọn phải là những nhân tố thực sự xứng đáng. Hơn nữa trong quá trình luân chuyển, cán bộ phải được trải qua những thử thách thực tiễn”, ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.

Để không bị “lọt lưới” những hạt nhân “lép”, ông Nguyễn Mai Bộ - nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội kiến nghị cần phát huy hiệu quả kênh giám sát từ công luận, báo chí. Bởi lâu nay công tác này theo ông chưa được phát huy, tận dụng hiệu quả.

Có thể ở môi trường cũ cán bộ điều động làm tốt, nhưng đến một địa phương khác, một lĩnh vực khác, một môi trường khác, người ta khó phát huy được tốt năng lực của mình. Vì thế, năng lực phẩm chất của cán bộ cần phải được khẳng định trong thực tiễn hoạt động, năng lực thực tế chứ không chỉ qua bảng hồ sơ lý lịch hay thành tích sáng ngời, mà phải bằng những hành động làm chuyển biến hoạt động kinh tế xã hội của địa phương. Như thế mới là cán bộ có năng lực, phẩm chất

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương tại cuộc gặp mặt hồi đầu tháng 8 vừa qua với các cán bộ trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, chất lượng cán bộ trung ương điều động, luân chuyển được nâng lên, đa số cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín; nhiều cán bộ sau thời gian điều động, luân chuyển đã có sự trưởng thành rõ rệt; chỉ một số ít cán bộ điều động luân chuyển còn thiếu kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…/.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết