Tiếng Việt | English

09/12/2016 - 13:56

Khai mạc Hội nghị không chính thức Quan chức cao cấp APEC

Sáng 9/12, Hội nghị không chính thức Quan chức cao cấp (ISOM) APEC đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch các quan chức cao cấp (SOM) 2017, nhấn mạnh, ISOM là cơ hội để các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) thảo luận về các ưu tiên của APEC và lộ trình hợp tác cho năm 2017 với tầm nhìn đến năm 2020.


Toàn cảnh Hội nghị không chính thức Quan chức cao cấp (ISOM) APEC.

Nội dung các cuộc thảo luận lần này sẽ được đệ trình lên các bộ trưởng và lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tham dự Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM) sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tuyên bố, tại Hội nghị ISOM lần này, các đại biểu sẽ tập trung vào những vấn đề chính như thực thi Chỉ đạo của Lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao Lima (Peru), các nội dung và lĩnh vực ưu tiên của cũng như những kế hoạch cho Năm APEC 2017 và những năm tiếp theo.

Dự kiến chiều cùng ngày, sẽ diễn ra cuộc Họp báo Quốc tế giới thiệu Năm APEC Việt Nam 2017.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo APEC về các ưu tiên của Năm APEC 2017 ngày 8/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định trong một thế giới ngày càng gắn kết, APEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogor, bảo đảm tăng trưởng chất lượng và liên kết khu vực.

APEC cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực; các hoạt động hợp tác và liên kết của APEC cần được mở rộng và thực chất hơn.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng chỉ ra bốn vấn đề lớn cần tập trung giải quyết trong Năm APEC 2017. Đó là phải phát huy những thành quả đạt được, nhất là thực hiện các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và dịch vụ.

Cụ thể, APEC cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đặc biệt là xây dựng các cộng đồng vững mạnh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế cùng đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết