Đây là nội dung chính được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội thảo về các ưu tiên của năm APEC 2017 được tổ chức Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội ngày 8/12.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại tại phiên khai mạc Hội thảo về các ưu tiên của năm APEC 2017.
Kết nối và hợp tác để vượt khó
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, 10 năm sau khi lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), thế giới ngày nay đã có những thay đổi không ngừng. Những công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta sống, liên kết và tương tác với nhau.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 đã khiến thế giới ngày càng trở nên bất ổn và thách thức ngày càng gia tăng và trở nên đa dạng hơn. Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã lan xa và khiến không một khu vực hay một nền kinh tế nào có thể “miễn nhiễm”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn phát triển thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do tác động của các cuộc xung đột địa chính trị, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, bất bình đẳng, đói nghèo, bệnh dịch và biến đổi khí hậu.
Trước những thách thức nói trên, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các nền kinh tế APEC dù rất nỗ lực cải cách nhưng vẫn chưa đạt được những mục tiêu như kỳ vọng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi, APEC cần phải nhanh chóng thích nghi hơn nữa với những đổi thay lớn lao trên toàn cầu, giải quyết những thách thức nói trên thông qua sự hợp tác sâu rộng hơn nữa; hy vọng, APEC 2017 sẽ tập trung vào các lĩnh vực đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp của các nền kinh tế trong khu vực.
Các đại biểu theo dõi bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
4 mục tiêu cần đạt được
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nêu bật 4 mục tiêu quan trọng mà các nền kinh tế thành viên APEC cần đạt được:
Thứ nhất, cần thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững, sáng tạo và sâu rộng. Việc cải cách cấu trúc cần phải được coi là ưu tiên trong lộ trình làm việc của APEC. Ngoài ra, các nền kinh tế thành viên APEC cần thúc đẩy sản xuất và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Các nền kinh tế thành viên APEC cũng cần xây dựng một cộng đồng chung nơi con người và cách doanh nghiệp cần được đặt ở vị trí trung tâm. Các nền kinh tế thành viên APEC cần nỗ lực để cải thiện tính linh hoạt nhằm đối phó với những biến động về kinh tế, những cú sốc về tài chính cũng như các thiên tai và dịch bệnh.
Thứ 2, các nền kinh tế thành viên APEC cần hợp tác để thúc đẩy hội nhập và kết nối khu vực một cách sâu rộng hơn. Việc “hồi sinh” thương mại và đầu tư sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy kinh tế trong khu vực cũng như giúp hoàn thành Mục tiêu Bogor 2020.
Các nền kinh tế thành viên APEC cần thông qua các Hiệp định Thương mại thế hệ mới cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại để mọi người dân được hưởng lợi từ những tác động tích cực của các Hiệp định Thương mại này.
Quan trọng hơn, các nền kinh tế thành viên APEC cần nắm bắt cơ hội từ những cơ chế, thỏa thuận và hiệp định sẵn có và sắp được hoàn tất trong khu vực như Cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Thứ 3, trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên số hóa, các nền kinh tế thành viên APEC cần phải tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách giúp các doanh nghiệp này tăng cường sức cạnh tranh, sáng tạo và tham gia hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế chung của APEC và là động lực rất quan trọng cho phát triển và tạo ra công ăn việc làm cho người dân.
Các nền kinh tế thành viên APEC cần hành động quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy sáng kiến Tạo thuận lợi cho Kinh doanh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp có lãnh đạo nữ.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có số lượng người sử dụng Internet nhiều nhất và tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới, chính vì thế các nền kinh tế thành viên APEC có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng số và thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nhiều hơn vào tiến trình toàn cầu hóa.
Cuối cùng, trước tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, các nền kinh tế thành viên APEC cần tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
Các nền kinh tế thành viên APEC cần tìm ra cách thức để chuyển giao và ứng dụng công nghệ hiện đại nhanh hơn nhằm tăng cường năng lực sản xuất nông nghiệp một cách bền vững và có chất lượng cao.
Các nền kinh tế thành viên APEC cũng cần quản lý các tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, nâng cao tay nghề của nông dân và giúp họ tiếp cận được với thị trường và các nguồn tài chính.
Ngoài ra, các nền kinh tế thành viên APEC nên chú trọng tăng cường đầu tư và mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản và thúc đẩy các sáng kiến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kết luận, trước những đổi thay sâu sắc trên thế giới, các nền kinh tế thành viên APEC cần phải đảm nhiệm nhiều trọng trách hơn nữa và cần phải trở thành “vườn ươm” và động lực để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế.
Các nhà lãnh đạo APEC cần tăng cường năng lực lãnh đạo để điều phối có hiệu quả các Hiệp định Thương mại Tự do và các Hiệp định Thương mại Khu vực, tiến tới một hệ thống thương mại mở, minh bạch và phổ quát cũng như thực hiện tốt Chương trình Phát triển Bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu./.
Trần Khánh/VOV.VN