Tiếng Việt | English

14/01/2016 - 14:35

Khai mạc phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau phát biểu khai mạc phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án luật tiếp cận thông tin.

Sáng 14/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 44, với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2016-2021.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Thời gian từ nay đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp không còn nhiều. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo chỉ đạo thông suốt, hướng dẫn chính xác để cuộc bầu cử diễn ra thành công.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 4 dự án Luật để trình Quốc hội tại kì họp thứ 11 và một số nội dung quan trọng khác.

Sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và Luật tiếp cận thông tin. Thảo luận về dự án Luật tiếp cận thông tin, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý. Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp. Theo đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin không chỉ do mình tạo ra mà còn cung cấp thông tin do mình nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Như vậy sẽ không hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, điểm cốt lõi nhất của Luật này là cần quy định rõ thông tin gì được tự do tiếp cận, thông tin gì thì bị hạn chế. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa trả lời được câu hỏi này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Luật tiếp cận thông tin mà lại không nói rõ thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào không tiếp cận theo tôi Luật này không có giá trị. Pháp lệnh và các nghị định đều quy định rõ loại thông tin được tiếp cận và không được tiếp cận, thì tại sao lại không đưa vào luật này mà lại phải chờ Luật khác. Từ nay đến tháng 3, Ban soạn thảo cần rà soát để đưa vào luật này. Nếu không làm kịp thì kì họp thứ 11 tới chưa thông qua Luật này”.

Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin không chỉ là cơ quan nhà nước mà còn bao gồm cả các tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Vì có nhiều thông tin của tổ chức, đơn vị này liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân./. 

Minh Châm/VOV - Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết