Tiếng Việt | English

20/03/2016 - 20:57

Khảo sát để lên phương án dựng cầu Ghềnh tạm

Hàng chục người nhái đã lặn quanh khu vực sà lan tông sập cầu Ghềnh để cứu nạn, cứu hộ. Chiếc sà lan dù được buộc cáp nhưng đang di chuyển khỏi vị trí chìm ban đầu.

 

Bị sà lan chở cát tông, cầu Ghềnh sập 2 nhịp cầu vào ngày 20-3

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, Lữ đoàn công binh 25 thuộc Quân khu 7 đang khảo sát hiện trường để lên kế hoạch cho phương án dựng cầu tạm.

Ông Đặng Mạnh Trung, Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Đồng Nai xác nhận đội lặn hiện chưa phát hiện thiệt hại về người; về tài sản cũng chưa xác định cụ thể.

Về phương án khắc phục sự cố này, ông Trung cho biết: “Tổng Cục Đường sắt vừa thông báo nhanh rằng lịch tàu chạy rất dày và Tổng Cục Đường sắt đang lên kế hoạch khắc phục. Hiện lên kế hoạch trung chuyển khách từ Biên Hòa về ga Sài Gòn cũng như khách từ Sài Gòn đi các tỉnh khác”.

Ông Trung cũng bày tỏ lo ngại việc ga Biên Hòa nhỏ, có thể không đủ sức đáp ứng nhu cầu trung chuyển hành khách. Tuy nhiên, ông Trung nói Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ có kế hoạch tốt nhất để không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.



Hiện trường cầu Ghềnh bị sà lan tông sập

Theo báo cáo nhanh của Công an tỉnh Đồng Nai gởi Bộ Công an, chiếc sà lan tông sập cầu Ghềnh lúc 11 giờ 50 ngày 20-3. Sà lan này tải trọng 650 tấn; từ hạ nguồn sông Đồng Nai trên đường đi lấy hàng, gặp thủy triều lên đã đụng vào mô cầu số 3 làm sập 2 nhịp cầu giữa trong 4 nhịp cầu của cầu Ghềnh.

Lúc sà lan bị lật úp, 3 người đi trên 3 xe máy trên cầu nhưng không bị rớt xuống sông. Ngoài ra, các ghe xuồng của người dân trên sông vớt được 3 người dưới sông. Toàn bộ hệ thống điện, nước, cáp viễn thông trên cầu bị đứt hoàn toàn.


Dù trời đã chiều tối nhưng công tác cứu hộ vẫn được triển khai tích cực

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Thạch-Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 cho biết: “Sông Đồng Nai mỗi ngày thủy triều lên xuống 2 lần. Đến 18 giờ, công tác cứu nạn cứu hộ gặp một số khó khăn. Hiện tại Cảng Vụ đường thủy nội địa khu vực 3 đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để cứu hộ, cứu nạn những người có thể mất tích. Những phương tiện trọng tải lớn như thế này vẫn thường xuyên lưu thông trên sông Đồng Nai nhưng sự hiểu biết về địa lý, luồng lạch của các tài công rất hạn chế. Hiện chưa thể ước tính thiệt hại của vụ này”.


Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai họp báo vụ sập cầu Ghềnh vào chiều 20-3

Lúc 17 giờ, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, do ông Đặng Mạnh Trung, Trưởng Ban chủ trì đã tổ chức cuộc họp báo để thông tin về vụ tai nạn giao thông đường thủy tại cầu Ghềnh.

Theo đó, ngay sau khi nhận thông tin về vụ việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện khẩn chỉ đạo các cơ quan ban ngành xử lý vụ việc.

Báo cáo sơ bộ của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, vào lúc 11 giờ 50 phút ngày 20-3, đã xảy ra vụ sà lan lưu thông trên sông Đồng Nai đâm vào trụ cầu Ghềnh tại lý trình 1699+860 tuyến đường sắt Bắc – Nam khiến cầu bị sập 2 nhịp, cắt đứt tuyến đường sắt.

Bước đầu xác định, xà lan BKS SG 5984 được kéo bởi đầu kéo BKS SG 3745, chở khoảng 800 tấn cát đã đâm vào trụ cầu. Lúc này 2 tài công đã nhảy xuống sông, bơi qua bờ xã Bửu Hòa, được người dân cứu, sau đó 2 người này đã xin tiền về quê, hiện cơ quan chức năng chưa xác định.

Sự cố xảy ra khiến 2 nhịp cầu ngay ở giữa bị gãy. 3 nạn nhân (2 nam, 1 nữ) đang đi xe máy trên cầu được xác định rơi xuống nhưng vướng lại ở nhịp gần mé nước, được người dân cứu. Tai nạn còn khiến cả vùng mất điện, mất nước. Các cơ quan ban ngành giao thông, quân đội, môi trường… phải phối hợp khắc phục sự cố.

Hiện Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ Giao thông Vận tải đã vào Đồng Nai, chuẩn bị nắm tình hình vụ việc./.

Nguồn: Người lao động

Chia sẻ bài viết