Anh Nguyễn Duy Liêm đang in bức tranh theo yêu cầu của khách hàng
Bước ngoặt tạo đam mê
Nhìn vẻ bề ngoài, Nguyễn Duy Liêm không ra dáng là nghệ sĩ làm tranh nhưng khi trò chuyện, câu chuyện về tranh khiến người đối diện muốn nghe nhiều hơn. Liêm kể, nhà ở phường 5, TP.Tân An. Hết lớp 12, Liêm theo học đại học ngành quản trị kinh doanh, sau đó về phụ mẹ quản lý, phụ trách kỹ thuật tại cơ sở may gia công của gia đình. Nghề may gia công có thời điểm gặp nhiều khó khăn. Chính khó khăn này giúp Liêm học nghề làm tranh từ người thân tại TP.HCM. Từng đến cơ sở làm tranh của người thân phụ giúp những lúc rảnh rỗi, Liêm quyết chí xin phép gia đình đi học nghề làm tranh. Để có thể trở thành người thợ lành nghề, Liêm phải trải qua 2 năm vừa học, vừa làm.
Năm nay, Liêm chỉ hơn 30 tuổi nhưng đã là “ông chủ” tiệm tranh KiWi trên đường Hùng Vương, thuộc phường 2, TP.Tân An và xưởng tranh nho nhỏ cũng trên đường này được 1,5 năm. Tranh do Liêm làm có thể phục vụ trang trí nội thất, quán cà phê, shop thời trang, tiệc cưới,… Tiệm tranh KiWi có thể làm được nhiều tranh có chất liệu như tranh sơn dầu, tranh in canvas, tranh tráng gương, tranh đắp nổi sơn dầu, tranh gương đính đá, tranh cưới,… Theo Liêm, do công nghệ, trang thiết bị phục vụ nghề tranh ngày càng phát triển nên thể loại tranh, hình ảnh, sắc màu rất đa dạng. Thông thường, để có một bức tranh đẹp, Liêm mua tranh file gốc từ các nhà sản xuất về lưu giữ. Khi khách hàng cần, anh có thể thiết kế lại theo kích thước và làm chất liệu khách yêu cầu. Trong quá trình thiết kế, tranh cần được giữ bố cục, màu sắc, nếu không tuân thủ hay “có nghề”, tranh sẽ biến dạng, không đẹp như nguyên mẫu.
Thành công nhờ chịu khó
Nói về nghề làm tranh, Liêm cho rằng mình may mắn, gia đình là chỗ dựa vững chắc, nhất là thời điểm mới ra nghề, thiếu vốn. Điều đặc biệt hơn, Thái Gia Mỹ - vợ Liêm, là “trợ thủ” đắc lực, cùng chồng học nghề rồi bắt tay vào làm tất cả các khâu nếu đơn hàng gấp, thiếu thợ. Khách hàng của KiWi hiện đa phần là khách hàng đã sử dụng quay lại đặt thêm, làm mới hoặc giới thiệu người thân, bạn bè. Ngoài ra, sản phẩm tranh của KiWi đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng nên các đại lý tại TP.HCM cũng đặt hàng.
Thái Gia Mỹ chia sẻ, đã trót chọn nghề làm tranh thì phải chịu khó. Chính điều này giúp KiWi được khách tin tưởng. Bất kỳ khi nhận đơn hàng nào từ khách, KiWi đều tỉ mỉ đo kích thước nếu khách yêu cầu đến tận nhà, lên mẫu và hoàn thành sớm nhất theo yêu cầu. Hiện nay, thị trường tranh ngày càng đa dạng, nhất là chất liệu, cả Liêm và Mỹ đều chịu khó lên các cửa hàng tranh tại TP.HCM học hỏi kinh nghiệm, tìm chất liệu phù hợp về làm thử, nhiều lần thất bại rồi đến thành công. Ngoài ra, cả hai đều tìm hiểu, học hỏi làm tranh từ các clip được chia sẻ trên Internet. Cũng từ cách học hỏi này, KiWi có thể tạo được tranh tráng gương đính đá. Đây là loại sản phẩm mới trên thị trường. Trong bức tranh, những viên đá pha lê được trang trí tỉ mỉ trên đường nét, tạo hiệu ứng phản quang bắt mắt, làm bức tranh trở nên huyền diệu. Ở bức tranh, từ mọi góc nhìn, những viên đá pha lê hút mắt người xem, lấp lánh. Trước đây, loại tranh này được nhập khẩu, giá thành cao nhưng nay KiWi có thể làm với chất lượng không thua kém nhập khẩu nhưng giá thành rẻ hơn, thời gian nhanh hơn. Ưu điểm khác nữa, khi làm chủ công nghệ này, KiWi có thể làm tranh theo mẫu, kích thước theo khách hàng mong muốn.
Theo Liêm, tranh hiện nay có nhiều tiềm năng để phát triển, bởi giá thành không quá đắt, có thể trang trí ở nhiều nơi khác nhau trong mọi không gian. Vì vậy, Liêm luôn tìm kiếm cơ hội phát triển thông qua việc mua sắm máy in phun, máy cắt khung, máy dập khung,… Đồng thời, sản phẩm tranh KiWi làm ra cam kết về chất lượng, màu sắc đẹp, tạo cảm hứng cho người xem./.
Mai Hương