Tôn vinh truyền thống cách mạng
Chủ trương trùng tu, tôn tạo DT quan trọng này, từ năm 1998, tỉnh thành lập Ban Quản lý Dự án Xây dựng khu DT trực thuộc UBND tỉnh để tiến hành giai đoạn I với các hạng mục chính: Đền bù, san lấp, trồng cây xanh và một số hạng mục hạ tầng khác. Đến năm 2003, ban quản lý dự án được chuyển giao về Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Một góc Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh. Ảnh H.Lý
Ngày 17/4/2001, UBND tỉnh phê duyệt dự án (giai đoạn II) tại Quyết định số 1185/QĐ-UB với tổng diện tích sử dụng đất 98,25ha, trong đó, phần diện tích xây dựng 20,2ha, gồm 3 nhóm hạng mục chính với tổng cộng 14 hạng mục công trình. Sau khi cơ bản hoàn thành một số hạng mục: Khu bảo tồn nguyên trạng các DT gốc, khu các công trình tưởng niệm, công viên, cảnh quan và một số hạng mục hạ tầng khác, ngày 21/10/2013, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 3656/QĐ-UBND, gồm 45 hạng mục công trình từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa của Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện 5 năm (2013-2017).
Đó là một tổng thể gồm nhóm nội dung chính: Phục hồi, phục dựng, bảo tồn nguyên trạng các DT gốc của căn cứ như cơ quan làm việc,...; xây dựng các công trình tưởng niệm, công viên, cảnh quan và các hạng mục hạ tầng khác; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên ngày xưa để tái hiện, giúp khách tham quan có thể hình dung phần nào cảnh quan, hình ảnh của vùng căn cứ xưa.
Đến nay, dự án hoàn thành 33/45 hạng mục công trình, trong đó có các hạng mục chính: Đền tưởng niệm, nhà khách - nhà truyền thống, trang trí nội thất trưng bày, phục hồi các DT gốc như Văn phòng Tỉnh ủy, Phòng họp Tỉnh ủy, nhà làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, Bộ phận cơ yếu, Văn thư - in ấn và các hạng mục phụ trợ: Hầm trú ẩn, hố bom, đường mòn nội bộ, cầu qua kênh,... đồng thời, đầu tư nội thất trưng bày bên trong các hạng mục này để phục vụ tham quan khu DT. Đặc biệt, khu DT còn có hệ thống bia ghi danh của trên 25.000 anh hùng liệt sĩ của địa phương và mọi miền Tổ quốc hy sinh trên đất Long An qua các thời kỳ cách mạng.
Việc trùng tu, tôn tạo Khu DT lịch sử Cách mạng tỉnh là biểu hiện của tâm huyết, ý chí và nỗ lực của nhiều thế hệ cách mạng, lãnh đạo, các cấp, các ngành và người dân trong tỉnh trong việc tôn vinh truyền thống cách mạng và tri ân các thế hệ đi trước hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Khu DT từng bước trở thành điểm đến, nơi Về nguồn, tham quan, vui chơi, giải trí,... góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Điểm sáng vùng biên-đôi điều suy nghĩ
Mục tiêu của dự án trùng tu, tôn tạo Khu DT lịch sử Cách mạng tỉnh là xây dựng khu trung tâm DT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tổ chức nghi lễ, thăm viếng, Về nguồn, thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa, bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến; tái hiện cảnh quan vùng Đồng Tháp Mười, kết hợp tôn tạo DT thành quần thể công trình văn hóa - lịch sử - du lịch cảnh quan, nhằm phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí của mọi tầng lớp nhân dân và khách nước ngoài, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực Đồng Tháp Mười và cả tỉnh.
Những năm qua, cùng với quá trình trùng tu, tôn tạo, dần hoàn thiện để đưa vào sử dụng, khu DT được tăng cường các hoạt động sinh hoạt truyền thống, Về nguồn, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông,... Từ đó, tác động tích cực, hiệu quả và lan tỏa đến cộng đồng, khu DT được mọi người biết đến nhiều hơn để tìm về nơi đây như là một địa chỉ quan trọng của Long An.
Dù vậy, khu DT cần phải được kết nối với các DT “vệ tinh” có ý nghĩa lịch sử gắn bó mật thiết với căn cứ cách mạng này trong lịch sử, nhất là các DT trên địa bàn huyện Đức Huệ: Khu vực Quéo Ba, nơi ghi dấu chiến công giải phóng hoàn toàn huyện Đức Huệ, năm 1964 (xã Mỹ Quý Tây); khu vực Sân Vận động Quéo Ba, nơi ghi dấu tội ác thảm sát chiến tranh, năm 1948 (xã Mỹ Quý Tây); Giồng Dinh, nơi ghi dấu chiến thắng trận Giồng Dinh, năm 1947 (xã Mỹ Thạnh Tây); khu Hội đồng Sầm, nơi thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Long An, năm 1961 (xã Bình Hòa Bắc); địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9, năm 1945 (xã Bình Hòa Nam); miếu ông Lê Công Trình (xã Mỹ Thạnh Đông, xã Mỹ Thạnh Tây);...
Một vấn đề quan trọng là cách tiếp cận công chúng phải chủ động hơn và làm như thế nào để công chúng đến với di sản văn hóa của chúng ta nhiều hơn trong điều kiện cạnh tranh thông tin và các lĩnh vực khác ngày nay.
Hiện nay, chúng ta đang triển khai Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 16/5/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, khu DT cần được tiếp cận ở góc độ rộng hơn để xây dựng nơi đây thành điểm đến. Phải chăng, chúng ta vẫn chưa đặt nó trong không gian lịch sử - văn hóa vùng Đồng Tháp Mười (thậm chí trong sự liên kết với các địa phương ngoài tỉnh có không gian văn hóa, sinh thái tương đồng) để từ đó, các nhà chuyên môn về du lịch kết nối vào các tour, tuyến?
Phải chăng, chúng ta vẫn chưa kết hợp di sản văn hóa vật thể này với các di sản văn hóa phi vật thể khác có mối liên hệ cùng tồn tại và đặt nó trong không gian văn hóa đặc thù của vùng đất này mà quá trình ứng xử, thích nghi của con người với môi trường thiên nhiên nơi đây tạo ra yếu tố văn hóa đặc trưng, biểu hiện ở văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống,... để khai thác, hình thành sản phẩm, tạo điểm đến? Cửa khẩu Mỹ Quý Tây được công nhận là cửa khẩu quốc gia đánh thức sự phát triển kinh tế cửa khẩu, kéo theo du lịch cửa khẩu, phải chăng đây là cơ hội để kết nối Khu DT lịch sử Cách mạng tỉnh và các DT khác của huyện Đức Huệ vào tour, tuyến du lịch để nơi đây trở thành điểm đến?
Cuối cùng, trong công tác xã hội hóa, phải chăng, chúng ta chưa mời gọi có hiệu quả các nhà đầu tư, cho họ thấy được tiềm năng của di sản văn hóa nhằm khai thác du lịch; hỗ trợ họ tiếp cận những chính sách, quy định cụ thể về thực hiện chủ trương hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích,... đầu tư về du lịch ở địa phương?
Từ một vùng đất hiểm địa, khắc nghiệt và vắng bóng người nơi biên cương Tổ quốc, theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, các thế hệ yêu nước và đấu tranh cách mạng tìm đến, biến nơi đây thành “thánh địa” của cách mạng trong suốt 2 thời kỳ chống thực dân, đế quốc ở địa phương với biết bao sự kiện, dấu ấn, tên đất, tên người đi vào lịch sử, góp phần làm nên truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Thế hệ đi trước hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Tôn vinh, kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, giá trị di sản tinh thần của cha ông trong điều kiện hội nhập và phát triển, tạo nền tảng tinh thần vững chắc, làm động lực cho mục tiêu phát triển bền vững của vùng đất xung yếu về quốc phòng - an ninh này của Tổ quốc là trách nhiệm của các thế hệ hôm nay./.
Nguyễn Tấn Quốc