Tiếng Việt | English

20/11/2022 - 08:16

Kỷ nguyên mới trong quan hệ với Thái Lan và dấu ấn sâu đậm về Việt Nam

Thành công trong chuyến thăm Thái Lan và tham dự Hội nghị APEC của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là minh chứng rõ rệt về một Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.


Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, đúng như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc rất thành công.

Chuyến thăm tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác và khẳng định quyết tâm của lãnh đạo hai bên đưa quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn.

Trên góc độ đa phương, thành công của chuyến thăm là minh chứng rõ rệt về một Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế tại khu vực và quốc tế.

Đích đến 25 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên được Thái Lan đón song phương chính thức ngay trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC 2022.

Ấn tượng là việc Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và Phu nhân trực tiếp ra tận sân bay đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân.

21 phát đại bác vang lên chào mừng ngay khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân bước xuống cầu thang máy bay. Đây là nghi thức đặc biệt, thể hiện sự coi trọng của Thái Lan đối với chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chuyến thăm là dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai nước láng giềng hữu nghị chung dòng sông Mekong, cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha hội đàm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Với lịch trình làm việc dày đặc gồm gần 20 hoạt động trong chưa đầy 48 tiếng, Chủ tịch nước đã hội đàm với Thủ tướng Thái Lan; hội kiến Nhà Vua, Chủ tịch Quốc hội và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia có vai trò quan trọng về kinh tế, thương mại trong khu vực. Do đó, chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu với báo giới thông báo về kết quả hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, đạt được nhiều kết quả thực chất và toàn diện, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ quyết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 25 đến 30 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng và bền vững hơn. Đặc biệt là hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy phục hồi kinh tế của cả hai quốc gia và khu vực; trong đó có một số lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số và an ninh, quốc phòng.

Lan tỏa “đích đến 25 tỷ USD” đầy kỳ vọng này tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Không ai khác, doanh nghiệp hai nước chính là những “người hùng," góp phần làm nên con số kỳ vọng đó.

Hưởng ứng thông điệp này, đại diện các doanh nghiệp hai nước, nhất là phía Thái Lan khẳng định quyết tâm theo đuổi và mở rộng các dự án tỷ USD tại Việt Nam trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như năng lượng, công nghiệp, thực phẩm và nông sản hàng hóa, đồng thời bày tỏ rất trông đợi các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam sau chuyến thăm của Chủ tịch nước.

Đã thành thông lệ trong mỗi chuyến công du đối ngoại, dù lịch trình dày đặc nhưng Chủ tịch nước vẫn dành thời gian gặp gỡ kiều bào.

Khẳng định chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Chủ tịch nước đánh giá cao tấm lòng thủy chung và những hy sinh, đóng góp quý báu của kiều bào ta tại Thái Lan trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Người đứng đầu Nhà nước mong muốn hơn một vạn kiều bào ta tại Thái Lan hòa nhập tốt hơn nữa ở nước sở tại; tiếp tục hướng về quê hương đất nước, đóng góp vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong nước.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành, "thành công của chuyến thăm ấm áp, tình cảm, nghĩa tình, đạt được kết quả rất tích cực, để lại nhiều ấn tượng rất tốt đẹp, trên mức mong đợi."

Còn theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, không chỉ thống nhất cao những phương hướng cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, kết quả chuyến thăm một lần nữa khẳng định Việt Nam và Thái Lan là đối tác chiến lược, tin cậy trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Cân bằng, bền vững và bao trùm

 Sau 2 năm diễn ra theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC có cơ hội gặp gỡ trực tiếp tại thủ đô Bangkok của Thái Lan để cùng thảo luận và thống nhất các giải pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư, phục hồi tăng trưởng trong một thế giới đang chuyển động phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó đoán định.

Đây là năm đầu tiên APEC triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa nhằm thực hiện Tầm nhìn Putrajaya về một “Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040 vì sự thịnh vượng của tất cả mọi người và các thế hệ tương lai."

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự hội nghị APEC. (Ảnh: TTXVN phát)

Chính vì vậy, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đánh dấu sự bình thường trở lại sau những mất mát, gián đoạn vì đại dịch COVID-19 suốt gần 3 năm qua, mà còn là dịp để các thành viên tái kết nối với nhau, cùng hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tăng cường liên kết kinh tế và kết nối khu vực, cũng như thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm.

Đại sứ Phan Chí Thành cho biết để tạo dấu ấn riêng, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã đầu tư kinh phí 3,2 tỷ baht (hơn 89 triệu USD) cho công tác tổ chức năm APEC 2022. Năm 2022, Thái Lan đã tổ chức rất thành công hơn 120 cuộc họp trong khuôn khổ APEC.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh chủ đề APEC 2022 là “Rộng mở-Kết nối-Cân bằng” và cho rằng APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công.

Từ thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số yếu tố “cân bằng” trong hợp tác gồm: coi người dân là trung tâm; bảo đảm tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập và liên kết kinh tế; cân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định.

“Trong chiến lược phát triển 10 năm tới, Việt Nam tập trung nguồn lực để chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với người dân là trung tâm, chủ thể và mục tiêu cao nhất của phát triển," Chủ tịch nước nhấn mạnh và khẳng định sẽ phối hợp cùng các thành viên APEC đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế vì một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, cởi mở, năng động, tự cường.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế nhóm họp, ra Tuyên bố chung đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đối thoại và chủ nghĩa đa phương. Điểm nổi bật ở đây là sự đồng thuận về yêu cầu có cách tiếp cận mới, cân bằng và toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, sự tham gia đông đảo và tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy có những gắn kết, kết nối rất chặt chẽ trong chương trình nghị sự và nội dung thảo luận ở cả kênh Chính phủ và doanh nghiệp.

Không chỉ tích cực tham dự các phiên họp hẹp của Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ, ngành đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nền kinh tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Được mời làm diễn giả chính tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022, trên cơ sở những nhận định, phân tích xác đáng, Chủ tịch nước chia sẻ 4 yếu tố đặc trưng của thương mại và đầu tư trong giai đoạn mới. Đó là bảo đảm hệ thống thương mại quốc tế công bằng, minh bạch và hiệu quả là điều cốt yếu trong một “sân chơi” toàn cầu; chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng; thế giới và khu vực đang thiết lập những chuỗi cung ứng mới, tự cường và bền vững; các lĩnh vực như y tế, công nghệ sinh học, năng lượng sạch cắt giảm phát thải carbon sẽ thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp thứ 4 CEO Summit về Thương mại và Đầu tư. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Dành thời gian tọa đàm với Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ-APEC, với sự tham gia của một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, Chủ tịch nước nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt của Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đánh giá cao nội dung trao đổi của Chủ tịch nước, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của Hoa Kỳ… nhấn mạnh sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đưa vào thị trường Việt Nam những sản phẩm mới, công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, dân số, chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng; nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ thông tin; hoạt động nghiên cứu và phát triển...

Ông Quint Simon đại diện Amazon Web Services (AWS) - thương hiệu đã tham gia đầu tư tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ vài năm qua - cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số.

Bà Quỳnh Đỗ - đại diện hãng công nghệ khổng lồ Google - bày tỏ Google mong muốn tiếp tục tham gia sâu hơn vào tiến trình phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ các thành viên APEC và được thể hiện trong văn kiện bởi có có tính đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, các nền kinh tế, cũng như cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn.

Toàn cảnh Phiên họp thứ hai-Tuần lễ Cấp cao APEC 2022. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khác biệt quan điểm giữa các thành viên ngày càng sâu sắc, chúng ta đã cùng các thành viên chủ động tạo thêm kênh trao đổi để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm tiếng nói chung, duy trì đồng thuận. Đây là điểm có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho thành công của Hội nghị.

Những thành tựu từ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không những tạo tiền đề vững chắc cho hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược, tạo động lực mới tăng cường toàn diện quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trên mọi phương diện, mà còn xác định tầm nhìn cho “Năm kỷ niệm Vàng: 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026."

Dấu ấn của Việt Nam mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn để lại tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 tiếp tục thể hiện một Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là dịp để nâng tầm đối ngoại đa phương, quảng bá vị thế, hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nước./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết