Tiếng Việt | English

02/10/2018 - 15:46

Kỳ vọng của hội viên, nông dân gửi đến Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Long An lần thứ IX

Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Long An lần thứ IX (nhiệm kỳ 2018 - 2023) diễn ra trong 2 ngày (02 và 03/10/2018). Long An online ghi nhận một số ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh gửi đến đại hội.

Nông dân thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”

1. Ông Nguyễn Văn Thơi, nông dân xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng

Thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp của nông dân có nhiều thuận lợi, được các cấp, các ngành quan tâm chuyển giao những tiến bộ khoa học - kỹ thuật: Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,... Tuy nhiên, hiện nay, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Thời tiết, dịch bệnh gây hại trong quá trình sản xuất; tình trạng  “được mùa, mất giá” thường xuyên tái diễn; việc liên kết "4 nhà" chưa thực sự chặt chẽ.

Tôi kiến nghị, nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân tỉnh cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có nhiều chính sách hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường những ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình trên diện rộng, kêu gọi, liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra.

2. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Vân, huyện Cần Đước - Võ Văn Toàn

Sinh hoạt chi, tổ Hội là hình thức thu hút, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội. Do đó, để thu hút, tập hợp nông dân tham gia sinh hoạt, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần chú trọng đổi mới phương thức sinh hoạt, đa dạng hóa nội dung, tập trung hướng đến những vấn đề nông dân đang có nhu cầu tìm hiểu, trao đổi: Chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; những cơ chế, chính sách mới hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thông tin thị trường;… Đồng thời, duy trì các hoạt động thể thao, văn hóa - văn nghệ, giao lưu giữa các chi, tổ Hội với nhau, góp phần tạo sự gắn kết, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho hội viên, nông dân.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu giúp nông dân nâng cao thu nhập

3. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Hóa - Phạm Quốc Việt

Nông dân rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia thực hiện chương trình vùng lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất lúa chất lượng cao còn gặp nhiều khó khăn, đề nghị lãnh đạo cấp trên cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng trạm bơm điện, hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao lửng phục vụ sản xuất,…

Bên cạnh đó, tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 62 dẫn về các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng từ lâu, đang bộc lộ những hạn chế nhất định như xuống cấp, đường nhỏ không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông, vận chuyển hàng hóa. Chính vì vậy, tỉnh cần sớm có chủ trương đầu tư mở rộng Quốc lộ 62 nhằm sớm giải quyết yêu cầu bức thiết của nông dân trong tỉnh nói chung, nông dân khu vực Đồng Tháp Mười nói riêng.

4. Ông Nguyễn Hoàng Việt, nông dân xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc

Xây dựng thương hiệu là việc làm cần thiết giúp nâng cao giá trị của nông sản hàng hóa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thành rất nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với những sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu nông sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tôi mong rằng, nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo hướng tập trung; chú trọng nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, dần khẳng định thương hiệu trên thị trường./.

Văn Đát-Sông Măng (ghi)

Chia sẻ bài viết