(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946-6/1/2016), sáng 6/1, Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội các nhiệm kỳ dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự lễ viếng có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Cùng dự lễ viếng còn có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội các nhiệm kỳ.
Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đã bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc Việt Nam.
Tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính là Quốc dân Đại hội Tân Trào (Tuyên Quang). Trên cơ sở những quyết sách của Quốc dân Đại hội, nhân dân ta đã tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công và sau đó ngày 6/1/1946 đã tiến hành Tổng tuyển cử trong cả nước bầu Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa, ghi vào lịch sử nước ta một mốc son chói lọi.
Thắng lợi từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã mở ra triển vọng về một thời kỳ mới của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa pháp lý đại diện cho nhân dân trong đối nội, đối ngoại.
Qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Vừa đảm nhiệm chức năng đối nội, đối ngoại, Quốc hội nước ta vừa làm tốt chức năng xây dựng pháp luật với 5 lần thay đổi Hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp 2013. Những bản Hiến pháp mới ra đời mang giá trị nền tảng, mở ra một thời kỳ mới, định hướng lâu dài cho sự phát triển của đất nước./.
Nguyễn Cường/Vietnam+