Tiếng Việt | English

06/06/2023 - 15:52

Lao động đi làm việc ở nước ngoài bị lừa chủ yếu do theo công ty 'ma'

Tình trạng lừa đảo đi xuất khẩu lao động, tỷ lệ lao động bỏ trốn còn cao hay việc nâng cao chất lượng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là những vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn.


Lao động Việt Nam lên đường đi làm việc ở Nhật Bản. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Sáng 6/6, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời câu hỏi về các vấn đề "nóng" trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Có 482 doanh nghiệp được cấp phép

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu rõ những năm qua số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh nhưng số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có giải pháp khắc phục tình trạng này?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết số đi xuất khẩu lao động năm 2022 là 142.000 người, chiếm khoảng 10% số lao động phải giải quyết việc làm trong 1 năm. Số lao động này đi theo Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, do các doanh nghiệp được cấp phép đưa đi. Hiện nay, có 482 doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Và, lao động đi theo các doanh nghiệp này thì ít khi bị lừa.

“Phần đông số lao động bị lừa đều là do các công ty ‘ma,’ công ty không đúng địa chỉ, công ty không được Nhà nước cấp phép, công ty lừa đảo, thậm chí là trá hình. Những trường hợp này Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương xử lý rất nhiều,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo ông Dung, có một số trường hợp công ty được cấp phép nhưng cũng lừa đảo, thậm chí lừa cả hai đầu người lao động và doanh nghiệp phía tiếp nhận. Trường hợp này có hai dạng: Một là lừa đi để thu tiền môi giới cao hơn; hai là không đúng ngành nghề đào tạo, không đúng việc làm để rồi lao động sang nước ngoài lại phải trả về hoặc có những công việc không tốt phải bỏ trốn, ở lại bất hợp pháp.

Về giải pháp, thời gian vừa qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xử phạt nhiều sai phạm của doanh nghiệp trong đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chỉ riêng năm 2022, thanh tra ngành đã xử phạt 62 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là phạt tiền và thu hồi giấy phép của 4 doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng để xử lý được các hành vi lừa đảo phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phối hợp với địa phương và các cơ quan, bộ ngành khác. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung tuyên truyền về các chính sách pháp luật, các thị trường xuất khẩu lao động để người lao động nắm bắt được đầy đủ thông tin đồng thời đẩy mạnh tiến hành thanh tra kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm…

Tỷ lệ lao động bỏ trốn giảm

Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều lao động đang có ý định tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Mặc dù đã có chế tài nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp gì để giảm thiểu tối đa tình trạng này?

Về một bộ phận lao động Việt Nam lao động nước ngoài trốn ở lại không về nước đúng thời gian, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định tình trạng này tại thời điểm hiện nay không bức xúc bằng năm 2017. Thời điểm đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc lên tới 52%, Hàn Quốc đã dừng toàn bộ Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS) với Việt Nam.

Từ đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong suốt 4 năm kiên trì thực hiện các giải pháp ký quỹ, tuyên truyền, phía Hàn Quốc cũng tiến hành trục xuất, thậm chí xử lý hình sự với lao động nước ngoài trốn ở lại Hàn Quốc... để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn. Cùng với tỷ lệ bỏ trốn giảm, Hàn Quốc cũng đã mở lại chương trình EPS với Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đến nay, phía Hàn Quốc vẫn áp dụng biện pháp dừng tiếp nhận lao động ở toàn bộ các tỉnh, thành có tỷ lệ lao động trốn ở lại cao. Việc tạm dừng đang áp dụng đối với 18 huyện ở 9 tỉnh.

"Các địa phương và bản thân Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội không muốn tạm dừng nhưng chủ trương này bắt đầu yêu cầu của phía Hàn Quốc," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Thời gian vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp, đến thời điểm này tỷ lệ chỉ còn 24,6% người lao động vi phạm hợp đồng. Việt Nam đang thuộc diện quốc gia có mức độ vi phạm thấp và đây sẽ là căn cứ để Hàn Quốc tiếp tục gỡ bỏ việc hạn chế tiếp nhận lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ trưởng đánh giá và nêu giải phải nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn và thu nhập tốt hơn.

Trả lời câu hỏi ông Dung nhấn mạnh đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng cường thu nhập  tạo điều kiện cho thanh niên có nhu cầu có thể tiếp cận những công việc mới, công nghệ mới, tác phong làm việc mới.

Chỉ mở rộng các thị trường tốt

Năm 2022 có 142.000 người đi lao động nước ngoài, tập trung chủ yếu vào địa bàn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và gần đây đang thí điểm đưa lao động đi 6 quốc gia khu vực châu Âu. Về thu nhập bình quân hiện nay, chỉ có 3 quốc gia có thu nhập cao hơn đó là Đức khoảng 2.500 Euro, Hàn Quốc thì khoảng 1.800 USD, Nhật Bản khoảng 1.500 USD (nhưng Nhật Bản gần đây do tỷ giá đồng yen thấp hơn, do đó khó khăn hơn), còn bình quân thì chỉ thu nhập khoảng 600-700 USD/tháng.

Lao động Việt Nam lên đường đi làm việc ở Nhật Bản. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhìn chung các nước tiếp nhận đánh giá chất lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước cơ bản tốt. Cụ thể, ý thức trách nhiệm tốt, kỹ năng nghề nghiệp tốt và quan trọng hơn là hiệu suất công việc cũng tốt.

Tuy nhiên, còn hai điều các nước tiếp nhận lưu ý: Một là ngoại ngữ của chúng ta kém hơn so với một số quốc gia, hai là ý thức tổ chức kỷ luật thì cũng có một bộ phận không tốt, ví dụ như: Trốn ở lại, gây gổ, đánh nhau, vi phạm pháp luật...

Về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đi làm việc ở nước ngoài, tư lệnh ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết sẽ thực hiện phương châm tập trung nâng cao năng lực của các đơn vị được thực thi nhiệm vụ theo luật. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đàm phán, lựa chọn những địa bàn, khu vực, vùng miền và những đối tác có hiệu quả mới hợp tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

"Đến lúc này trong nước cũng cần lao động nên nếu không có thu nhập cao, không có môi trường tốt thì chúng ta không đưa lao động đi, tinh thần như vậy," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng sẽ tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu liên thông để quản lý người đi, người về và vấn đề phát sinh sau khi về; xử lý nghiêm tất cả các trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách, lạm dụng cũng như lừa đảo người đi lao động nước ngoài./.

Nhóm PV/vietnamplus.vn

Chia sẻ bài viết