Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần nêu lên một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Long An
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần, mạng lưới đường bộ của tỉnh hiện nay bao gồm: Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng, 4 tuyến quốc lộ (QL): QL1, QL50, QL62, QLN2 và 50 tuyến đường tỉnh cùng với mạng lưới đường huyện, đô thị, giao thông nông thôn do cấp xã quản lý và một số đường chuyên dùng.
Mạng lưới giao thông thủy đang khai thác trên địa bàn tỉnh khoảng 2.835km với các tuyến đường thủy chính là sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Rạch Cát - Cần Giuộc, sông Bến Lức, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc. Ngoài ra, Cảng Quốc tế Long An đã xây dựng hoàn thành khai thác cầu cảng số 1, số 2 tiếp nhận tàu gần 30.000 DWT, đang xây dựng cầu cảng số 3 và dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2019.
“Hệ thống giao thông thủy, bộ hiện hữu góp phần quan trọng cho sự phát triển KT-XH của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng” - ông Trần Văn Cần nêu.
Ông Trần Văn Cần dẫn chứng những bất cập cụ thể. Chẳng hạn như các tuyến đường quốc gia đi qua tỉnh kết nối 12 tỉnh vùng ĐBSCL được đầu tư quá chậm (cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, QLN1). Ngoài ra, các tuyến đường như QLN2, QL50 và QL62, quy mô đường quá nhỏ, mặt đường xuống cấp trầm trọng không đáp ứng yêu cầu vận tải, phát triển, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là vào dịp lễ, tết. “Như QL62 hiện hữu đã được xây dựng gần 20 năm nên hiện nay xuống cấp trầm trọng. Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng là cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT” - ông Trần Văn Cần nêu ví dụ.
QL62 hiện hữu được xây dựng gần 20 năm nên đã bị xuống cấp trầm trọng, thường bị kẹt xe vào lễ, tết
Bên cạnh đó, điểm kết nối giữa TP.HCM với Long An tại các QL1, QL50 quá hẹp, trong khi lưu lượng lưu thông rất lớn nên dẫn đến tắc đường thường xuyên. Đường Vành đai 3, Vành đai 4 - TP.HCM, đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ mặc dù quy hoạch đã lâu nhưng chưa có kế hoạch và nguồn vốn đầu tư. Còn sông Soài Rạp, nơi có cụm cảng số V của quốc gia và Cảng Quốc tế Long An đã đi vào hoạt động thì tàu, thuyền đi lại hiện rất đông. Tuy nhiên, sông bị bồi lắng hàng năm nên độ sâu rất nông, làm hạn chế tàu thuyền đi lại, đặc biệt là các tàu vận tải công suất lớn. Ngoài ra, hiện nay kết nối TP.HCM với vùng ĐBSCL chủ yếu thông qua tuyến QL1. Tuy nhiên, đường chật hẹp, mặt đường xuống cấp, bị thắt cổ chai tại đoạn cầu Bình Điền (Bình Chánh, TP.HCM).
“Những bất cập nêu trên trong thời gian qua làm cản trở sự phát triển KT-XH của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng là rất lớn” - ông Trần Văn Cần nhấn mạnh.
Từ những bất cập, hạn chế trên, Long An đã đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT quan tâm, giúp đỡ xóa điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, đặc biệt là đối với địa bàn tỉnh, vì đây là cửa ngõ của vùng ĐBSCL. Theo đó, tỉnh Long An kiến nghị đầu tư, nâng cấp, cho chủ trương đối với 14 vấn đề, công trình, dự án cụ thể đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh và của vùng ĐBSCL.
Đó là đề nghị bổ sung dự án Trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang vào quy hoạch phát triển; đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa) đề nghị bố trí vốn giải phóng mặt bằng chi trả cho người dân; đồng thời bố trí vốn để triển khai đầu tư tuyến QLN1 kết nối Long An - Đồng Tháp - An Giang cho chủ trương chuẩn bị đầu tư; nâng cấp đầu tư QL62 (nối QL1 - cao tốc TP.HCM, Trung Lương - QLN2 - QLN1 và Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp); đường Vành đai 3 và 4 - TP.HCM, cho chủ trương để tỉnh làm chủ đầu tư đoạn qua tỉnh Long An theo hình thức PPP; nâng cấp, mở rộng QLN2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An - Cao Lãnh; đầu tư mở rộng QL1 đoạn nút giao đường Võ Văn Kiệt với QL1 đến nút giao đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương với QL1; nâng cấp, mở rộng QL50 đoạn từ nút giao QL50 với đường Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An; đầu tư xử lý điểm đen trên QL tại ngã tư Bình Nhựt, ngã tư Long Kim, huyện Bến Lức.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị nạo vét luồng sông Soài Rạp; nâng cấp cầu qua cống Bắc Đông và cầu qua cống Rạch Chanh (QL62); ủy quyền cho Sở GTVT Long An thực hiện quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; sớm phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng dự án WB5 giai đoạn 2, đoạn qua địa bàn Long An; bố trí vốn hoàn trả cho tỉnh vốn đã thực hiện đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp QL50 trên địa bàn tỉnh; sớm có Nghị định thư vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia thông qua Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp - Pray Vo.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh thông tin về một số vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh chia sẻ, Long An có vị trí giáp TP.HCM, cửa ngõ miền Tây Nam bộ. Và giao thông có vai trò cực kỳ quan trọng vào sự phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh nên tỉnh rất quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đưa ra chương trình đột phá là huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với 14 danh mục công trình cụ thể; ngoài ra, có 3 công trình giao thông trọng điểm và còn phát triển kết nối TP.HCM. Hiện nay, tỉnh đang ráo riết thực hiện đến năm 2020 bảo đảm được kết nối giao thông trong vùng khu, cụm công nghiệp của tỉnh, kết nối ra cảng và TP.HCM. Tỉnh đã và sẽ tiếp tục làm việc với TP.HCM để đầu tư các tuyến kết nối này.
Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể cho rằng, giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển KT-XH; giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển đến đó. Tuy nhiên, ngân sách của Trung ương cũng hạn chế và thực hiện cũng cần thời gian. Vì thế, hiện nay kết cấu hạ tầng ở một số nơi, vùng còn yếu; trong đó có vùng ĐBSCL, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển. Từ đó, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Long An để thực hiện cũng như có kế hoạch, giải pháp trong thời gian tới.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao và cảm ơn tỉnh thời gian qua đã phối hợp với bộ trong thực hiện các dự án, công trình giao thông trên địa bàn và mong muốn thời gian tới, công tác này cần tiếp tục được phát huy. Trong đó, Bộ trưởng đánh giá cao và ghi nhận vai trò của tỉnh trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và có những cách làm hay trong đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là dồn lực đầu tư giao thông đối với vùng công nghiệp để tạo động lực phát triển chung cho cả tỉnh.
Riêng đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ GTVT ghi nhận, xem xét để cùng phối hợp với tỉnh thực hiện, cũng như có phương án tốt nhất trong tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Long An
Qua cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT và các thành viên trong đoàn công tác thông tin thêm về một số cơ chế, công trình, dự án mà Long An đề xuất, qua đó cũng có thêm những gợi ý, đề xuất với tỉnh để cùng phối hợp thực hiện. Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, năm 2019, Chính phủ quyết tâm giải quyết hết tất cả điểm đen tai nạn giao thông, theo đó, đề nghị Long An rà soát các điểm đen tai nạn giao thông để có báo cáo, kiến nghị, giải pháp và phối hợp khắc phục.
Đối với những trục động lực liên kết vùng tạo sự phát triển KT-XH rất tốt. Hiện Bộ GTVT cho nghiên cứu đề án phát triển GTVT khu vực ĐBSCL. Sau khi nghiên cứu hết ở các địa phương, bộ sẽ tổ chức một cuộc họp để công bố việc này với địa phương. Sau khi địa phương đóng góp, bộ sẽ hoàn chỉnh đề án để báo cáo Chính phủ. Có đề án thì bộ sẽ bóc tách ra khu vực này cần làm những việc gì để định hướng cho thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, các địa phương nên tổ chức những cuộc họp liên vùng thường xuyên để có tiếng nói, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, qua đó cũng sẽ làm sáng tỏ nhu cầu của từng vùng để bàn bạc, thống nhất và có kiến nghị đầu tư cho phù hợp, hiệu quả, tập trung.
“Riêng những khoản nợ với tỉnh trong giải phóng mặt bằng thì phải được quan tâm giải quyết chứ không để kéo dài. Nếu cần thiết, bộ sẽ tổ chức hội nghị mời các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan để qua đó đề xuất ưu tiên việc giải quyết nợ” - ông Nguyễn Văn Thể nêu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo việc quản lý, cấp bằng lái xe, kiểm tra và xử lý xe quá khổ, quá tải, xe hết niên hạn sử dụng. Những vi phạm này phải được quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Bộ trưởng cho biết, hiện bộ đề xuất thay đổi nội dung, tăng cường nội dung đào tạo, tăng cường giám sát học lý thuyết, chạy thực hành, tăng độ khó đề thi, quy định một số vi phạm thì bị rớt khi thi bằng lái xe. Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc phát hiện nhiều tài xế sử dụng ma túy, theo đó, đề nghị ngành chức năng ở tỉnh kiểm tra một số doanh nghiệp trong việc quản lý lái xe./.
Lê Đức