Tiếng Việt | English

02/02/2024 - 07:29

Long An - điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư

Nhờ khai thác đồng bộ, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương; đồng thời, nỗ lực thực hiện vai trò và trách nhiệm của địa phương được xem là một động lực tăng trưởng của vùng, những năm qua, Long An luôn giữ vị trí nằm trong nhóm đầu của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế - Lê Trường Chinh (thứ 3, phải qua, hàng đầu) khảo sát hoạt động của doanh nghiệp

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Long An tiếp giáp TP.HCM, là “cầu nối” giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các khu công nghiệp (KCN) tập trung. Long An còn có khu kinh tế cửa khẩu và cảng quốc tế. Những năm gần đây, các KCN của tỉnh thu hút khá nhiều nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài (FDI) dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế, chính trị thế giới không ổn định.

Long An còn sở hữu hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ với nhiều lợi thế quan trọng như cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế thông qua sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây; các trục giao thông theo quy hoạch kết nối. Cảng Quốc tế Long An đã lắp đặt hoàn thành các thiết bị cẩu hiện đại, tiên tiến nhập khẩu từ Nhật Bản, sau khi vận hành sẽ đón các “tàu buýt container”, đóng góp lớn cho công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Ngoài ra, các dự án hạ tầng giao thông như đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ, dự án Quốc lộ 50B (Đường tỉnh 827E), đường song hành Quốc lộ 62, nâng cấp Quốc lộ N2,... không chỉ tạo thuận lợi cho liên kết vùng đô thị TP.HCM mà còn giúp Long An thu hút đầu tư vào khu kinh tế, KCN, liên kết giao thương hàng hóa.

Từ những lợi thế này, năm 2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư hàng loạt dự án có vốn triệu USD của các nhà đầu tư danh tiến trên thế giới như Misubishi, Yokorei, Suntory Pepsico Việt Nam, Billion Ascent, Jungwon Vina, VNB Factory, King Mingo,... Nhiều nhà đầu tư có dự án với số vốn lớn đến từ nhiều quốc gia rất hài lòng khi chính quyền tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh chóng kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Điều này cho thấy, giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư có sự phối hợp chặt chẽ.

Nhờ khai thác đồng bộ, hiệu quả các lợi thế vượt trội, riêng có của địa phương; đồng thời, nỗ lực thực hiện vai trò, trách nhiệm của một địa phương được xem là động lực tăng trưởng của vùng, những năm qua, Long An luôn giữ vị trí nằm trong nhóm đầu của cả nước về thu hút FDI. Đặc biệt, Long An đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một lợi thế mới trong thu hút đầu tư. Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, toàn tỉnh có 51 KCN với tổng diện tích 12.433ha.

Thu hút đầu tư tăng

Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn thu hút được 158 dự án đầu tư mới. Trong đó có 108 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới hơn 582 triệu USD và 50 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư cấp mới hơn 23.764 tỉ đồng. Tỉnh cũng ghi nhận 89 dự án điều chỉnh vốn, gồm 73 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn hơn 140 triệu USD và 16 dự án trong nước điều chỉnh tăng hơn 1.189 tỉ đồng. Số dự án tăng 42%, số vốn thu hút đầu tư FDI tăng 27%, vốn đầu tư trong nước tăng 50% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến cuối năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 1.882 dự án đầu tư, trong đó có 932 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,365 triệu USD và 950 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 140.764 tỉ đồng.

Tỉnh hiện có 34 KCN được thành lập với diện tích hơn 9.251ha, có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư. Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê từ đầu năm 2023 đến nay là 139ha, nâng tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê lên 2.883ha, lấp đầy đạt 67,41%.

Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư vào KCN được chủ động lựa chọn theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững, hợp lý, hiện đại. Các dự án FDI đang đầu tư trên địa bàn tỉnh đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ,... Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn là ngành dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp chế tạo,... Các dự án FDI này tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.

Tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư

Hiện nay, tỉnh ưu tiên mục tiêu phát triển các ngành Công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường,...; ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, logistics và các dịch vụ hiện đại khác, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thông minh. Để thực hiện mục tiêu đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp như đầu tư hạ tầng 
giao thông kết nối giữa Long An - TP.HCM, hạ tầng giao thông kết nối giữa Long An và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ; tăng cường công tác cải cách hành chính, các chính sách về đất đai, thuế,... Đào tạo nguồn lao động, sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế - Lê Trường Chinh

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tiếp tục thực hiện và tham mưu lãnh đạo tỉnh một số giải pháp:

Một là, chủ động phối hợp các công ty hạ tầng, các sở, ngành, chính quyền địa phương trong hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng KCN, thúc đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng ngay trên phần đất đã được giao để tạo quỹ đất sạch, nhằm nâng cao diện tích đất cho thuê trong các KCN, góp phần cân bằng, ổn định giá thuê lại đất của các KCN, từ đó, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn, góp phần vào việc thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN.

Hai là, tăng cường rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Thuế; chính sách đất đai; quản lý tài nguyên - môi trường; đầu tư; hải quan; thủ tục xây dựng, quy hoạch;... báo cáo đề xuất lãnh đạo tỉnh giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các bộ, ngành giải quyết.

Ba là, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kịp thời công tác chuyển đổi số trong quản lý, nâng cao công nghệ, hướng tới xây dựng mô hình KCN thông minh.

Bốn là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thường xuyên rà soát các KCN chậm triển khai theo giấy chứng nhận đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực đất đai của tỉnh.

Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị cùng với các giải pháp nêu trên, tin rằng công tác thu hút đầu tư của tỉnh sẽ chuyển biến mạnh mẽ hơn trong 
năm 2024./.

Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tếLê Trường Chinh

Chia sẻ bài viết


đất đẹp Sinh lời từ tiềm năng Dự án senturia an phú quận 2