Tiếng Việt | English

07/10/2019 - 17:37

Long An: Hội nghị trực tuyến về công tác xử lý vi phạm hành chính

Chiều 07/10, UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần chủ trì hội nghị. Hội nghị cũng được trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Theo UBND tỉnh, tình hình VPHC trong 6 tháng đầu năm diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó phổ biến nhất là những hành vi vi phạm trong các lĩnh vực như thương mại (vận chuyển, buôn bán hàng cấm, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ), môi trường (xả thải), xây dựng vi phạm quy hoạch, đất đai, an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, giao thông đường bộ, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa,...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hành vi vi phạm do tỉnh Long An có đường biên giới dài, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, TP. Hồ Chí Minh và là một trong số những tỉnh có thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ với số lượng người dân nhập cư đến sinh sống đông, tăng theo từng năm, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý dân cư, tình hình tệ nạn xã hội cũng gia tăng theo đó.

Đa số trường hợp vi phạm do thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật, ý thức pháp luật còn hạn chế, mức xử phạt VPHC hiện nay còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân bất chấp việc vi phạm pháp luật; việc áp dụng pháp luật về cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt gặp nhiều khó khăn do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành.

Vi phạm về xả thải ra môi trường còn diễn ra phổ biến

Thống kê về tình hình xử phạt VPHC cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các ngành chức năng phát hiện 3.752 vụ vi phạm/4.349 đối tượng, trong đó, xử phạt hành chính 3.744 vụ, chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 4 vụ, áp dụng biện pháp thay thế, nhắc nhở đối với người chưa thành niên 4 vụ. Tổng số tiền phạt thu được trên 36,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn thu gần 2,4 tỉ đồng từ tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung giải đáp một số khó khăn, vướng mắc của các ngành, địa phương liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, các hành vi vi phạm được các cơ quan chức năng tỉnh, huyện phát hiện và xử lý kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật. Việc lập hồ sơ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bảo đảm đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, không phát sinh trường hợp khiếu nại, khởi kiện.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xử lý VPHC hiện nay còn những khó khăn, vướng mắc nhất định liên quan đến các lĩnh vực như xây dựng, tài nguyên môi trường, việc đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và một số khó khăn trong việc lập dự toán, sử dụng, quyết toán kinh phí cho công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

Lĩnh vực xây dựng còn nhiều vi phạm trong thời gian qua

Đáng lưu ý, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại có chiều hướng tăng, nhất là các hành vi về vận chuyển, buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người làm thuê, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và có tính chất nghiêm trọng, số lượng lớn và thậm chí sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng.

Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có xu hướng giảm nhưng số lượng người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, có chiều hướng gia tăng, trẻ hóa chủ yếu ở độ tuổi dưới 30.

Tại hội nghị, Sở Tư pháp cũng báo cáo một số kết quả về việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Đoàn liên ngành về xử lý VPHC do Sở Tư pháp cùng các cơ quan như Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các địa phương như huyện Bến Lức, huyện Đức Hòa, huyện Tân Hưng, TP.Tân An và một số ngành liên quan về tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

Đồng thời, các ngành chức năng và một số địa phương tập trung làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trực tiếp liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC để cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần khẳng định, việc làm tốt công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC giúp tỉnh Long An đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nhiều quyết định xử lý VPHC của UBND tỉnh chưa được các tổ chức, cá nhân chấp hành, còn tồn đọng nhiều; việc thực hiện hình thức phạt bổ sung khôi phục lại hiện trạng ban đầu chưa được thực hiện;…

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần đề nghị các ngành, địa phương cần tăng cường công tác phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, người thi hành công vụ về tầm quan trọng trong công tác thi hành pháp luật về xử lý. Trong thực hiện cần tuân thủ theo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục trong xử lý vi phạm. Các ngành chức năng, địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kế hoạch trọng điểm tại những địa bàn phức tạp, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm,…

Đối với những khó khăn, vướng mắc, các ngành chức năng, địa phương cần kịp thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị cho UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Sau hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát lại các vấn đề liên quan đến công tác xử lý VPHC để có các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, ông đề nghị Sở Tư pháp rà soát lại các quyết định xử phạt VPHC của UBND tỉnh ban hành nhưng chưa thi hành xong mà đã hết thời hiệu thi hành để xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm của các cơ quan, địa phương có liên quan./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết