Về lĩnh vực đầu tư công
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) và ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu,… phù hợp với những quy định mới của Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Lĩnh vực đất đai
Kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 58 Luật Đất đai theo hướng giao HĐND tỉnh ra Nghị quyết đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10ha trở lên đất trồng lúa thay vì phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương như hiện nay. Lý do: Khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, các bộ, ngành đã có ý kiến và biết được diện tích đất trồng lúa bị mất đi khi thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt.
Kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể việc xác định tiền sử dụng đất chuyển từ đất khu công nghiệp được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất sang đất ở. Hiện nay chưa có hướng dẫn cách xác định giá đất để tính chênh lệch trong trường hợp này (không thuộc trường hợp giao đất) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về cách tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng: Xác định giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo giá đất cụ thể (giá thị trường) mà không phân biệt theo giá trị khu đất hoặc thửa đất từ 20 tỉ đồng trở lên hoặc dưới 20 tỉ đồng (thực hiện tương tự như quy định của Luật Đất đai 2003) để bảo đảm phù hợp giữa giá đất bồi thường và giá đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Lý do hiện nay việc xác định giá đất để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính gặp bất cập khi việc xác định dựa trên giá trị khu đất tính theo bảng giá đất (dưới 20 tỉ đồng). Cụ thể: giá đất để bồi thường cho người dân bị thiệt hại do thu hồi đất trong các dự án là giá thị trường, trong khi đó, giá đất để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính (khu đất có giá trị dưới 20 tỉ đồng) lại tính theo giá đất tại bảng giá đất nhân hệ số điều chỉnh là bất cập gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách vì thực tế giá đất tại Bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành và hệ số điều chỉnh giá đất do UBND tỉnh ban hành hàng năm thường thấp hơn giá đất thực tế trên thị trường (do tình hình biến động tăng cao).
Kiến nghị Quốc hội bổ sung nội dung chuyển tiếp tại Điều 210 Luật Đất đai 2013: Lý do hiện nay, Điều 90 Luật Đất đai 2003 quy định “Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp được lựa chọn hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền hàng năm”.
Thực hiện Luật Đất đai 2003, trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN chọn hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng và đã hoàn tất thủ tục, được cấp GCNQSDĐ với tỷ lệ lớn (khoảng 80%), phần diện tích còn lại rất ít nằm xen kẻ (da beo) trong phần đất được giao có thu tiền do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng do một số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, chưa bàn giao đất nên không thể hoàn tất thủ tục để được cấp GCNQSDĐ cùng với hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng theo Luật Đất đai 2003. Nay, tổ chức kinh tế thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến hành thủ tục đất đai đối với phần diện tích còn lại phải thực hiện dưới hình thức thuê đất theo quy định tại Điều 56 và Điều 149 Luật Đất đai 2013 “Tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp được Nhà nước cho thuê đất”, dẫn đến phát sinh nhiều bất cập, không phù hợp, cụ thể: Trong cùng một dự án nhưng tồn tại 2 hình thức sử dụng đất (giao đất, thuê đất) nên gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai; việc tách thửa để chuyển nhượng hoặc cho thuê rất phức tạp do phải lập nhiều hồ sơ và phải cấp nhiều GCNQSDĐ; ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào KCN, CCN,… do phần đất còn lại nằm đan xen giữa phần diện tích đất được giao có thu tiền sử dụng trước đây.
Do đó, kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung nội dung chuyển tiếp tại Điều 210 Luật Đất đai 2013 , cụ thể như sau: Đối với những dự án nhà đầu tư được lựa chọn hình thức giao đất hoặc thuê đất theo Luật đất đai 2003, trường hợp nhà đầu tư lựa chọn hình thức giao đất và đã được UBND cấp có thẩm quyền giải quyết giao đất thì phần diện tích còn lại của dự án (nếu có) được tiếp tục lập thủ tục giao đất sau ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.
Lĩnh vực xây dựng
Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi thành Luật Quy hoạch để địa phương tổ chức thực hiện.
Việc bổ sung KCN vào quy hoạch tổng thể phát triển các KCN ở Việt Nam kéo dài do việc thẩm định dự án KCN không đúng thời hạn của các bộ, ngành Trung ương. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục tình trạng kéo dài thời gian hơn quy định của bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và các doanh nghiệp.
Lĩnh vực công thương
Đối với nhà máy năng lượng mặt trời:
Hiện nay thủ tục pháp lý và đất đai cho các dự án điện mặt trời cần nhiều thời gian để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tuy nhiên việc triển khai xây lắp nhà máy và đường dây truyền tải điện để kịp phát lên lưới trước ngày 30/6/2019 thời gian còn rất ngắn. Kiến nghị Chính phủ cho giữ mức giá mua điện là 9,35 cent/kWh theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các Dự án trên địa bàn tỉnh đã được duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia cũng như Quy hoạch điện lực tỉnh trước ngày 30/6/2019 và đang triển khai tích cực nhưng có khả năng trễ hạn.
Nhằm phát triển năng lượng tái tạo đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tấm pin và các nguyên vật liệu khác,… Kiến nghị Bộ Công thương ban hành chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời ở những khu vực có cường độ bức xạ cao và áp dụng chung giá mua điện mà không phân chia theo vùng, nếu phân chia khu vực thì không chênh lệch quá lớn.
Kiến nghị Bộ Công Thương có cơ chế khuyến khích đầu tư các dự án có công suất từ 10MWp trở xuống sẽ thuận lợi hơn cho việc đấu nối cũng như tiêu thụ lượng điện sản xuất ra.
Kiến nghị Bộ Công thương ban hành hướng dẫn quy định khoảng cách an toàn đối với các cơ sở hoạt động hóa chất để địa phương sớm triển khai, xem xét thiết lập khoảng cách an toàn khi tiếp nhận các dự án đầu tư về hoạt động hóa chất. Đồng thời, ban hành quy chuẩn về an toàn kho chứa hóa chất vì hiện nay loại hình kho chứa kinh doanh hóa chất đang tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp trong khi các quy định về an toàn kho chứa hóa chất còn chung chung, cơ quan gặp khó khăn trong quản lý.
Kiến nghị bãi bỏ Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg ngày 26/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không bảo đảm chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu bảo đảm chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Tiếp tục thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khí phải cùng lúc xây dựng 2 tài liệu có nội dung tương tự nhau được quy định tại 2 văn bản khác nhau là Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất (theo quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP và Thông tư số 32/2017/TT-BCT) và các tài liệu quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí (theo quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP và Thông tư số 40/2018/TT-BCT). Kiến nghị Bộ Công Thương ban hành quy định bãi bỏ bớt 1 quy định về nội dung nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khí.
Lĩnh vực Tài chính - Ngân sách
Kiến nghị Quốc hội xem xét lại việc phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo định mức về tiêu chí dân số vì: Căn cứ Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó quy định định mức phân bổ theo tiêu chí dân số đối với các loại sự nghiệp đào tạo, sự nghiệp y tế, VHTT-TDTT, phát thanh - truyền hình; bảo đảm xã hội, chi Quản lý hành chính và an ninh quốc phòng chưa phù hợp (mặc dù có bố trí tiêu chí phụ), không công bằng đối với các tỉnh có nhiều đơn vị hành chính, mật độ dân số thấp như đối với tỉnh Long An bao gồm 15 đơn vị hành chính cấp huyện (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố) và 192 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 166 xã, 12 phường và 14 thị trấn) nên việc phân bổ định mức cho ngân sách các cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã giai đoạn 2017-2020 là rất thấp so với những tỉnh có ít đơn vị hành chính, dẫn đến không công bằng giữa các vùng, miền.
Ngoài ra, phân bổ định mức vào năm đầu thời kỳ ổn định, các năm sau các khoản chi đều tăng cao so với năm đầu như chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị, chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn; chế độ chính sách bảo đảm hoạt động của HĐND 3 cấp, chế độ chi xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật của HĐND, UBND…; bên cạnh đó, giá cả dịch vụ phục vụ công tác văn phòng (điện, nước, xăng dầu, văn phòng phẩm,…) đều tăng, phải bổ sung ngân sách, chưa phù hợp nhất là đối với các tỉnh chưa cân đối ngân sách, phải nhận bổ sung từ ngân sách Trung ương.
Lĩnh vực nông nghiệp
Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản đạt chứng nhận GlobalGAP (Global Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), hữu cơ, nhằm đáp ứng các yêu cầu về điều kiện xuất khẩu của thị trường các nước như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc,... Vì hiện nay chỉ có hỗ trợ VietGAP là không phù hợp xuất khẩu nông sản.
Nông dân ở Long An trồng rau công nghệ cao, an toàn
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung nội dung, mức chi cho công tác thông tin tuyên truyền tại Khoản 3, Điều 8 của Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 để các địa phương chủ động bố trí kinh phí từ Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020".
Hiện nay, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Long An diễn ra ngày càng phức tạp và nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản của người dân. Đối với các khu vực bị sạt lở, khi các cấp chính quyền địa phương đã có quyết định thực hiện các dự án để xử lý chống sạt lở, tuy nhiên khi triển khai thì gặp nhiều vướng mắc do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân, hầu hết các hộ dân sống trong vùng sạt lở đều là hộ nghèo, kinh phí hỗ trợ di dời không đủ để xây dựng lại nhà ở. Đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ ưu đãi cho người dân sống trong vùng sạt lở, di dời đến chỗ ở mới được bảo đảm an toàn (như các cụm, tuyến dân cư,...).
Tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp và nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản của người dân
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin kịp thời quy định tiêu chuẩn hàng hoá nông sản nhập khẩu các nước để địa phương chỉ đạo sản xuất cho phù hợp, vì hiện nay rất chậm gây bị động và lúng túng cho địa phương.
Hiện nay, tình hình nuôi cá tra bột tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát triển rất mạnh, nhưng chưa có cơ chế quản lý gây khó khăn cho địa phương. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa cá tra bột vào đối tượng quản lý để kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới./.
(còn tiếp)
PBĐ