Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, đây là dịp để chúng ta nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn về nội dung, giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã làm được, thành tựu nổi bật và những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An không ngừng nỗ lực, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, đóng góp sức người, sức của, lập nhiều chiến công vẻ vang, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, góp phần quan trọng cùng miền Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh-Trần Văn Cần (thứ 7, phải qua) và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Đinh Ngọc Lâm tặng bằng khen, hoa cho đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc qua 3 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Bước vào giai đoạn xây dựng, kiến thiết đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An hăng hái thi đua, quyết tâm thực hiện Di chúc và lời dạy của Bác. Đó là khôi phục nền kinh tế, ổn định sản xuất, phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để mỗi người dân đều có cuộc sống ấm no như Bác hằng mong ước.
Trong từng giai đoạn, Long An luôn xác định những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với sự phát triển của tỉnh. Từ năm 1975 đến 1985, tỉnh vừa tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, đi đầu trong phong trào xóa mù chữ ở miền Nam, giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội, làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Từ tháng 10-1980, tỉnh chủ trương thực hiện cơ chế “một giá”, thực hiện việc mua bán hàng hóa theo giá thỏa thuận trong phạm vi toàn tỉnh, góp phần tháo gỡ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, đánh dấu bước khởi đầu đổi mới của tỉnh. Qua đó, đã phục hồi nền kinh tế, sản xuất có sự tăng trưởng rõ rệt, đời sống nhân dân được ổn định và có chiều hướng dần cải thiện. Từ một tỉnh nông nghiệp nghèo, sản xuất lương thực không đủ đáp ứng nhu cầu, Long An vươn lên và đi đầu trong cải cách kinh tế.
Bên cạnh đó, Long An chủ trương khai phá tiềm năng Đồng Tháp Mười, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng căn cứ địa cách mạng, tăng diện tích và sản lượng lúa cho toàn tỉnh. Đồng thời, điều chỉnh mật độ dân cư của các huyện vùng hạ. Ngoài ra, khai thác và phân bố lại dân cư trên địa bàn Đồng Tháp Mười còn mang ý nghĩa quốc phòng to lớn, tạo được thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1985, Long An vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Qua các lần đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định và triển khai nhiều chương trình đột phá, công trình trọng điểm, mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo bứt phá, thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm mang ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp tỉnh nhà chuyển sang phương thức sản xuất mới, tăng cường liên kết, hợp tác trong tổ chức, tiêu thụ sản xuất, phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao; huy động nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, kết nối đồng bộ với TP.HCM, giữa các khu, cụm công nghiệp với Cảng Quốc tế Long An; tạo động lực tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển công nghiệp, dân cư, đô thị, thương mại - dịch vụ, nâng cao vị thế của tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Trong suốt 50 năm thực hiện Di chúc của Người, nhất là sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo nguồn lực cho phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn. Từ năm 1995 đến nay, mức tăng trưởng kinh tế liên tục tăng qua các năm, từ 7,5% tăng lên 10,36%; thu nhập bình quân đầu người đạt 68,62 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 18% giảm còn 2,21%. Đặc biệt, năm 2018 thu ngân sách nhà nước đạt hơn 14.800 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên tỉnh có tổng thu ngân sách trong năm vượt tổng chi cả năm và là năm thứ 2 liên tiếp có số thu ngân sách đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long;...
Công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có hơn 552 tổ chức cơ sở Đảng và hơn 47.200 đảng viên. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc lãnh đạo kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, hệ thống chính trị ở cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực hiện Di chúc của Bác, tỉnh có nhiều đột phá, đổi mới, đưa kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển (Trong ảnh: Hệ thống giao thông được đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế)
Đạt những kết quả trên là quá trình nỗ lực, phấn đấu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh. Đó là những việc làm cụ thể, thiết thực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thực hiện Di chúc của Bác. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đã đạt, chúng ta cũng nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Đó là kinh tế tuy có phát triển nhưng chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, vẫn còn nhiều lĩnh vực tăng trưởng chưa bền vững. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác quản lý đất đai, xây dựng, trật tự đô thị; kiểm soát môi trường, giải quyết vấn đề rác thải;... còn nhiều bất cập. Xã hội hóa trên các lĩnh vực còn chậm. An ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội có mặt chưa bảo đảm. Điều kiện sống của người dân một số nơi còn khó khăn. Năng lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của chính quyền một số nơi còn hạn chế. Vai trò nêu gương của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa được phát huy đúng mức, vẫn còn biểu hiện thiếu gương mẫu, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong công tác và sinh hoạt, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý kỷ luật,...
Con đường phía trước của Long An là quá trình tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống “trung dũng kiên cường”, những giá trị tinh thần cao quý, những thành tựu to lớn; là sự hội tụ của “ý Đảng, lòng dân”. Từ đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đoàn kết, thống nhất, cùng nhau kiến tạo, định hướng cho sự phát triển bền vững của Long An trong thời kỳ mới. Trước yêu cầu đó, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường, phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh, thu hút đầu tư, nỗ lực lao động sáng tạo, ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo nền tảng để phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về nội dung, giá trị tư tưởng, tinh thần trong Di chúc của Bác; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các quy định của Đảng về nêu gương. Quan tâm xây dựng, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng;…/.
Thanh Nga (lược ghi)