Tiếng Việt | English

27/04/2021 - 09:04

Chuyện về nữ cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

Từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế mới giai đoạn sau năm 1975, khi trở về cuộc sống đời thường, cựu TNXP Phạm Thị Triển (SN 1958, ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) tích cực tham gia phát triển kinh tế, công tác xã hội, giúp đỡ mọi người, trở thành tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở địa phương.

Cựu thanh niên xung phong Phạm Thị Triển nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp vì những đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội

Cựu thanh niên xung phong Phạm Thị Triển nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp vì những đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội

Vươn lên từ gian khó 

Nhìn vào cơ ngơi của vợ chồng bà Phạm Thị Triển hiện nay, chắc nhiều người sẽ không biết rằng trước đây gia đình bà từng có cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà Triển cho biết, quê bà ở xã Tân Phú, huyện Đức Hòa. Năm 1975, bà tham gia TNXP khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế mới trên địa bàn huyện Đức Hòa với vai trò là Chi hội trưởng Phụ nữ khu B, sau đó làm văn thư cho Ban Xây dựng vùng kinh tế mới Đức Hòa. Năm 1991, vì lý do sức khỏe, bà xin về địa phương tham gia công tác Hội cho đến nay. “Thời điểm vừa hòa bình, đường sá, kênh, mương còn rất hạn chế, gây khó khăn cho việc đi lại, giao thương của người dân. Tôi tham gia TNXP khi vừa tròn 17 tuổi, lúc đấy cùng với đồng chí, đồng đội tham gia đào kênh, đắp đất, mở đường cho vùng kinh tế mới” - bà Triển chia sẻ.

Từ năm 1979, bà vừa đi làm, vừa đi học ngành chuyên Sinh-Hóa ở Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Thời điểm đó, việc đi lại rất khó khăn nhưng bà vẫn cố gắng, nỗ lực vượt qua. Đến năm 1984, bà tốt nghiệp. Cũng trong giai đoạn này, bà kết hôn với ông Nguyễn Minh Trí. Ông Trí cũng là cựu TNXP tham gia xây dựng kinh tế mới ở Đức Hòa như bà. 

Cũng theo bà Triển, trong giai đoạn ấy, không chỉ riêng gia đình bà mà đời sống của người dân đều rất khó khăn, vất vả. Khắp mọi nơi đều là “rừng thiêng nước độc”, mọi sinh hoạt còn phụ thuộc vào chính sách kinh tế mới của Nhà nước, rồi lần lượt 2 cô con gái ra đời, cuộc sống của gia đình lại càng khó khăn, vất vả hơn. Nhiều hôm từ tinh mơ, bà đã chở cô con gái lớn (khi ấy khoảng 5-6 tuổi) trên chiếc xe đạp cũ rong ruổi khắp các nẻo đường để bán bánh tráng, bánh phồng kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Thời gian vất vả của gia đình ông bà kéo dài khoảng 5 năm.

Đến khi Nhà nước phát động chủ trương lấp kín đồng bưng, vợ chồng bà tiên phong đi mở đất, khai hoang để trồng tràm, bạch đàn. Tuy nhiên, những năm đầu, nguồn thu nhập mang về từ tràm và bạch đàn chỉ vỏn vẹn là con số không khi mà những đám tràm, bạch đàn thường xuyên bị cháy. Dù vậy, vợ chồng bà vẫn không nản chí, cùng với đó, nguồn vốn vay hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã giúp gia đình bà có thêm điều kiện để đầu tư lên liếp trồng tràm, bạch đàn bài bản hơn. Cũng từ đây, mỗi năm, gia đình bà có được một nguồn thu ổn định. 

Chưa dừng lại ở đó, với kiến thức được học của mình, bà phát hiện ra xác thực vật mục lâu năm từ những đám tràm, bạch đàn có thể làm được than bùn, một nguyên liệu để chế tạo phân bón. Nghĩ là làm, năm 2000, bà Triển cùng chồng quyết định mở một cơ sở sản xuất nhỏ làm về than bùn. Lúc đầu chỉ làm thủ công nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất khá, đến năm 2004, cơ sở của gia đình bà phát triển thành doanh nghiệp tư nhân và hiện nay là Công ty TNHH Một thành viên Tân Minh Thành L.A - công ty chuyên về than bùn. Bà Triển chia sẻ: “Hiện ngoài công ty và hơn 25ha tràm, bạch đàn, gia đình tôi còn có khoảng 40ha cao su và trên 1ha cây ăn trái các loại ở tỉnh Tây Ninh, tất cả mang về nguồn thu nhập trung bình hàng tháng trên 1 tỉ đồng”.

Bà Triển bên vườn trái cây của gia đình

Bà Triển bên vườn trái cây của gia đình

Nhân ái với mọi người

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, từ năm 1991, khi về công tác tại địa phương, bà Triển còn tích cực tham gia công tác xã hội. Mỗi năm, bà ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động của Hội cựu TNXP địa phương cũng như Hội cựu TNXP của các tỉnh lân cận. Để giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bà Triển mạnh dạn phối hợp Quỹ trợ vốn CEP giải quyết cho trên 200 hội viên phụ nữ của địa phương được vay vốn tự tạo việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng, giảm nạn vay nặng lãi, có lúc tổng nguồn vốn vay hơn 3 tỉ đồng. Đồng thời, bà còn vận động mạnh thường quân tặng quà cho hộ nghèo, phụ nữ nghèo vào những dịp lễ, tết. Bà đóng góp hỗ trợ đồng chí, đồng đội gặp khó khăn; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho những cựu TNXP còn khó khăn về nhà ở; ủng hộ xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã, huyện, đường vào khu di tích lịch sử xã Đức Lập Hạ với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, bà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương và công tác Hội. Khi có bất kỳ chương trình nào được triển khai, bà luôn tiên phong đóng góp; đồng thời, tuyên truyền, vận động, khuyến khích các chị em hội viên cùng tham gia; kết nối các hội viên, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Bà Triển trải lòng: “Bản thân tôi và gia đình cũng từ cái nghèo, cái khó đi lên nên rất đồng cảm với những người còn khó khăn. Vì vây, tôi muốn góp sức để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp họ vươn lên, thoát khỏi cảnh nghèo và làm giàu chính đáng”.

Những tấm bằng khen và giấy khen của các cấp, các ngành được bà Triển treo khắp phòng khách đã minh chứng cho việc ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm qua, bà còn có nhiều đóng góp cho xã hội. Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Đức Lập Hạ - Nguyễn Thị Hiệu nhận xét: “Chị Phạm Thị Triển là hội viên Hội Cựu TNXP xã Đức Lập Hạ tiêu biểu nhiều năm qua. Từ khó khăn vươn lên, chị đã thể hiện khát vọng mạnh mẽ của cựu TNXP, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, làm giàu chính đáng từ đôi tay và khối óc của mình. Đồng thời, chị luôn thương yêu và sẵn sàng đùm bọc, giúp đỡ mọi người xung quanh”./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết