Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo chương trình làm việc, sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 4
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.
Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, thời gian tổ chức kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được rút ngắn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Các luật, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đều đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao. Chất lượng văn bản được nâng lên, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, tạo động lực cho phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định, chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đưa vào Chương trình để có thời gian hoàn thiện thêm; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.
"Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm," Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội và theo quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2022 các dự thảo nghị quyết của Quốc hội gồm Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để Chính phủ kịp chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với dự án Luật này đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6).
Thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung
Thảo luận vấn đề cần thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu ý kiến Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 Việt Nam là nước công nghiệp. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, yêu cầu tăng trưởng GDP bình quân đạt 7%/năm. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm tốc độ phát triển chậm lại thì trong thời gian còn lại, chúng ta phải có đột phá về tốc độ tăng trưởng để đảm bảo mục tiêu đề ra. Phải có đột phá về chính sách, công tác điều hành hoặc liên quan đến chính sách pháp luật đã có quy định nhưng trong một số trường hợp cần phải vượt qua, để đạt được kết quả cao hơn vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, Hiến pháp quy định các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Như vậy, muốn có đột phá mà vẫn tuân thủ Hiến pháp thì chúng ta cần có luật bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Luật này có thể xung đột với nhiều luật khác như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường... Nếu Quốc hội đồng ý thì Luật Bảo vệ người dám, nghĩ dám làm sẽ có giá trị pháp lý cao hơn. Như vậy, chủ trương bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, bảo vệ lợi ích chung sẽ sớm đi vào cuộc sống - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu ý kiến.
Cho rằng thành phần ban soạn thảo phải mở rộng hơn, chú trọng đến các nhà khoa học, đặc biệt là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng quy định của pháp luật tác động đến các trường hợp này thì phải để họ lên tiếng. Không thể để cho những người nắm giữ công cụ được quyền sửa đổi các công cụ, còn đối tượng tác động của những công cụ đó lại không được lên tiếng.
Đặc biệt, phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi. Luật Trưng cầu dân ý có rồi nhưng không sử dụng đến. Đối với những đạo luật tác động đến đời sống nhân dân thì cần phải trưng cầu dân ý chứ không phải hình thức, nhỏ hẹp như vừa qua. Cần tăng cường giám sát việc phát hành các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm tra lại các quy định mà Quốc hội thông qua và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các đạo luật.
Về Chương trình xây dựng pháp luật 2023, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị không đưa vào chương trình những đạo luật mà Quốc hội khóa XIV đã không tán thành.
"Không thể có chuyện một Quốc hội bác bỏ và một Quốc hội tiếp sau đó lại 'khởi động lại', như thế sẽ không bảo đảm tính lãnh đạo thống nhất của Đảng và ý nghĩa xã hội chung về những vấn đề Quốc hội đã nêu," đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: TTXVN)
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), các dự án luật thường có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết và nguyên tắc phải có văn bản dưới luật đi kèm để Quốc hội xem xét, song văn bản này lâu nay chưa được quan tâm. Đại biểu lưu ý, ý kiến của các bộ, ngành liên quan về dự án luật là rất quan trọng. Song, thực tế khi thẩm tra, có dự án luật lớn, cả trăm điều, nhưng có cơ quan tham gia chỉ mấy câu như "hoàn toàn nhất trí với dự thảo."
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này chú trọng công tác xây dựng thể chế, số lượng các cuộc họp về công tác này cũng rất nhiều, cách làm cũng có điểm khác, là sự cố gắng lớn của Chính phủ và nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đề cập đến các dự án Luật Giao thông đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông Lê Thành Long cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ trước giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và các bước đang được tiến hành để xin ý kiến cấp thẩm quyền trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình./.
Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)