Mã độc tống tiền (ransomware) không phải là một nguy cơ bảo mật mới tại Việt Nam và liên tục phát triển về số lượng cũng như mức độ nguy hại theo các năm trở lại đây. Về cơ bản, ransomware thâm nhập vào máy tính cá nhân hay hệ thống của doanh nghiệp qua các phương thức giả mạo lừa đảo, chúng mã hóa các tập tin dữ liệu quan trọng trên thiết bị và đòi tiền chuộc bằng tiền kỹ thuật số (BTC). Nạn nhân không thể giải mã để khôi phục dữ liệu bị ransomware mã hóa.
Tấn công mạng tăng đột biến do ảnh hưởng dịch Covid-19
Báo cáo Hoạt động của Mã độc tống tiền đầu tiên của VirusTotal và Google phối hợp thực hiện đã cung cấp cái nhìn tổng thể hơn nhiều về các cuộc tấn công mã độc tống tiền bằng cách tổng hợp hơn 80 triệu mẫu nghi ngờ liên quan đến mã độc tống tiền được gửi trong một năm rưỡi qua.
Top 10 các quốc gia ảnh hưởng nhất bởi các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (Nguồn: Báo cáo Hoạt động của Mã độc từ VirusTotal và Google)
Theo báo cáo, mã độc tống tiền ransomware tăng gần 200% so với thời điểm ban đầu tại Việt Nam. Báo cáo ghi nhận dữ liệu từ 140 quốc gia cho thấy từ năm 2020 đến tháng 7/2021 đã có hơn 130 họ mã độc tống tiền được kích hoạt, trong đó GandCrab là loại ransomware tung hoành mạnh nhất.
Ngoài ra, theo số liệu từ Trung tâm Giám Sát An Toàn Không Gian Mạng Quốc Gia (NCSC), trong 8 tháng qua, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận 5.082 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (1.212 cuộc Phishing, 970 cuộc Deface, 2.900 cuộc Malware), tăng 25,82% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân số cuộc tấn công mạng tăng cao so với tháng trước là do trong tháng qua tình hình diễn biến dịch Covid-19 vẫn tăng cao và diễn ra phức tạp lây lan rất nhanh ở các tỉnh thành phía Nam, cũng như trên thế giới. Đồng thời, việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16, tình hình tiêm vaccine trên cả nước dẫn đến số lượng người dùng, thời gian sử dụng mạng xã hội trong nước tăng lên.
Vì vậy, lợi dụng sự quan tâm của toàn xã hội đối với tình hình dịch bệnh Covid-19, tiêm vaccine, các đối tượng tấn công mạng lại tiếp tục thực hiện nhiều cuộc tấn công lừa đảo, website lừa đảo xuất hiện nhiều hơn (giả mạo trang web Bộ Y tế, các trang quyên góp từ thiện,...) tăng cường tấn công mạng, phát tán, lây nhiễm mã độc, lừa đảo để chiếm đoạt, phá hoại thông tin của người dùng, cũng như của tổ chức.
Nhằm giúp người dùng bảo vệ tài khoản và nâng cao cảnh giác trước những hành vi lừa đảo trực tuyến, Google cũng phối hợp cùng Trung tâm Giám Sát An Toàn Không Gian Mạng Quốc Gia (NCSC), Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt công cụ Trắc nghiệm về Lừa đảo qua mạng bằng tiếng Việt (Phishing Quiz) - một quy trình rất hữu ích để kiểm tra mức độ nhận biết các hình thức lừa đảo trên Internet, cụ thể là hình thức lừa đảo qua email.
Công cụ Trắc nghiệm về Lừa đảo qua mạng do Google phối hợp cùng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam xây dựng
Bên cạnh đó, để bảo vệ các doanh nghiệp trước những cuộc tấn công an ninh mạng bao gồm cả mối đe dọa ngày càng tăng của mã độc tống tiền, các nền tảng và sản phẩm của Google đều được thiết kế bảo mật theo mặc định.
Email là trung tâm của nhiều cuộc tấn công mã độc, tính năng bảo vệ chống lừa đảo trực tuyến và phần mềm độc hại nâng cao của Gmail cung cấp các biện pháp kiểm soát để cách ly email, bảo vệ chống lại các loại tệp đính kèm bất thường và bảo vệ khỏi email giả mạo gửi đến.
Chương trình An Toàn hơn cùng Google (Safer with Google) ra mắt nhằm xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản và nâng cao nhận thức người dùng internet bằng cách cung cấp những báo cáo về an toàn thông tin, các kiến thức bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Nguồn nội dung thực tiễn, phong phú và hữu ích từ chương trình sẽ giúp ích cho người dùng Internet tại Việt Nam ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ em đến người trưởng thành./.
Vân Anh/VOV.VN