Ảnh: Internet
Năm nói, để che ra cái mái, mắc thêm ít cái võng cho bà con có chỗ nghỉ ngơi. Lóng rày, mưa nắng thất thường không biết đâu mà lần. Ban đầu, nhà Năm bé tẹo mà lấn tới lấn lui nó cũng thênh thang góc này góc nọ. Năm cười trong lúc gói nắm xôi cho đứa học trò.
Trường tiểu học nằm ở xã ven biển. Buổi sáng, người dân đưa con đi học chật ních cả một góc sông. Mấy chiếc vỏ lãi đậu san sát dưới bến, cứ thế đứa lớn dắt đứa nhỏ bước lên bờ. Hôm trời nắng thì còn đỡ, gặp lúc trời mưa, ngồi trên bờ nhìn xuống, chỉ thấy thương đám học trò co ro trong lớp áo mưa tay vẫn ôm cặp sách vào lòng sợ bị ướt.
Người xóm Cựa Gà chia nhau đưa rước đám học trò, vừa đỡ tốn tiền xăng dầu, vừa tranh thủ được vuông bờ, vườn tược. Tờ mờ sáng, những chiếc vỏ lãi lại cập dưới bến gọi vọng lên nhà cho đám trẻ quá giang đi học. Có những gia đình khó khăn họ còn chuẩn bị cơm trong cái gào-mên cho con ăn lúc ra chơi. Bạn vẫn hay ngồi ở quán Năm, nhìn đám trẻ chân sáo bước vào lớp, một cảm giác thân thuộc đến nao lòng. Thỉnh thoảng trong đầu lại xuất hiện một ý nghĩ, giá như mình còn là đứa trẻ vô lo vô nghĩ. Không như người lớn, có quá nhiều mối để bận tâm.
Cái trường tiểu học bé tí vừa đúng với tiêu chuẩn điểm lẻ. Chắc vì trường nhỏ nên bạn thấy lòng người như gần lại với nhau hơn. Những thầy, cô giáo vùng quê cứ bình dị đến trường, trong câu chuyện của họ ngoài chuyện học hành, sách vở còn có những câu hỏi thăm nhau thấm đẫm tình nghĩa xóm giềng “hồi hôm nhà xổ tôm được nhiều không thầy?”, hay “hôm nay thằng nhóc vô học mà mặt cứ lừ đừ, anh coi chiều chở nó đi khám coi sao”. Gặp anh thầy giáo ngồi uống cà phê thở dài, tội nghiệp mấy đứa học trò, cha mẹ tụi nó đi thành phố mần ăn hết rồi, bỏ lại cho mấy ông bà già ở nhà. Mấy lần kêu tụi nó lên trả bài mà không thuộc, hỏi sao con không học bài, nó trả lời, ông bà nội con hổng có biết chữ. Rồi nó khóc mướt… Thương quá chừng!
Bạn nhìn anh thầy giáo mà cười. Mấy lần ngồi trước quán nhà Năm, có ông cụ ngồi dạy thằng cháu học bài, ông dạy nó đánh vần mà nó cứ nhìn xung quanh cầu cứu “bờ u bu, ô bô, anh nờ, uôn, bờ uôn buôn, huyền buồn”. Bạn ngồi dạy nó học bài, ông cụ nhìn bạn cười, học giờ khó vàng trời mây, hổng như ngày xưa. Hay có bà cụ vẫn dạy cháu dài dài theo đường đi, nhớ nghe con âm bờ, lên trả bài con nhớ cái bờ vuông, bờ ruộng mình đi hoài đó; chữ lờ đó con, lên trả bài cô giáo hỏi chữ gì, con nhớ cái lờ đặt cá nhà mình là được. Bữa bà cụ làm cả quán cười nghiêng ngả khi bà lật tập của đứa cháu, coi hôm nay cô dạy chữ gì. Bà cụ ngoắt xuồng lại mua một ký cá thu về ăn. Năm nói, mua cá chi, Năm mới cho ít cá rô rồi còn gì. Bà cụ khoát tay, mua về kho cho con Lũng nó ăn, ngày mơi trả bài chữ “cá thu”. Hình dung, ngày mai có bà cụ dẫn đứa cháu đi học, miệng thì cứ luôn nhắc, con nhớ hồi hôm qua mình ăn cá gì không, lên trả bài nói y chang vậy là được…
Năm dễ ẹc, mọi người cứ ra vào quán tự do. Năm nói, bà con chòm xóm không. Buôn bán cho vui chứ lời lóm gì, đủ tiền ăn cá là được rồi. Cho nên người xóm Cựa Gà coi quán Năm như nhà, mấy bữa che chái, lợp chòi, cánh đàn ông mỗi người một tay, một loáng thế là xong. Lâu lâu lại có người mang lại cho nhau trái bầu, mấy con tép, chục nem (đứa con ở Sài Gòn mới đem dìa) chia nhau mà ăn trong lúc chờ con tan học. Cánh đàn ông cũng tranh thủ làm vài ván cờ hay ngồi nói chuyện tôm tép, cua, sò, lời lãi. Có những câu chuyện nghe buồn đứt ruột của người ở lại với đất đai, mùa màng, có những căn nhà cửa nẻo kín bưng cho cuộc rời đi tan vào thành phố. Mấy người phụ nữ thì tranh thủ ngồi thêu tranh chữ thập, đan giỏ hay bữa nào quỡn tay, mấy thím mang ít rau củ vườn nhà, mấy chục hột vịt, cá đồng, cá biển (nhà có gì mang bán cái nấy). Mỗi người mang đến một ít, bày ra một góc. Quán của Năm thành góc chợ thu nhỏ, cũng tấp nập người mua, kẻ bán. Hỏi Năm không sợ người ta bán vậy rồi Năm bán không được rồi sao? Năm cười, tụi nó bán đồ ăn, tao bán cho học sinh, có hề hớn gì đâu. Kệ, tụi nó bán có đồng ra, đồng vô cho sắp nhỏ ăn vặt. Ngồi ở quán Năm mới thấy câu Năm nói đúng, thấy bán nhiều vậy chớ lời meo lắm. Tại Năm sợ bán ít, sắp nhỏ ăn không đủ no, đói bụng lủi thì tội nghiệp. Cho nên đám học trò ở xóm Cựa Gà cứ âm thầm lớn lên trong sự “khuyến mãi” của Năm. Quán nhà Năm chật chội mà gió thổi thênh thang mát lòng người.
Tan học, đám học trò chạy ùa ra sân. Mọi người đứng bật dậy sau mấy giờ chờ đợi. Tiếng nói cười rôm rả “hôm nay thuộc bài không con?”, “bữa nay có quên cái gì ở nhà nữa không?”. Người cập xuồng, người giật máy đông nghịt cả một khúc sông. Cũng ở bến sông này, khi chiều về lại có những con người khác với gương mặt quen quen mà bạn vẫn lướt qua họ hằng ngày, với đám học trò quê mang niềm khát khao con chữ. Lúc đó chiều cũng mênh mông lắm.
Bến sông vắng người, đứa học trò đứng trên doi đất chờ bà ngoại bơi xuồng ra rước. Biểu nó vô nhà ngồi đợi cho mát. Nó cầm cái cặp giơ lên đầu che nắng, phải con giàu, con xây cầu ra tới xóm Cựa Gà, làm đường nhựa cho ngoại khỏi cực. Ông giáo già ngồi trong nhà nói vọng ra, ờ, biết vậy ráng mà học cho giỏi. Bạn nhìn ra hiên nắng, chiếc xuồng vừa cập bến chở theo một giấc mơ hiền như sông.../.
Nguyễn Chí Ngoan