Tiếng Việt | English

19/01/2016 - 14:14

Miura không đợi đến tháng 4

Tháng 4-2016 là kết thúc hợp đồng giữa LĐBĐ VN (VFF) với HLV Miura. Nhưng xem ra với những gì tuyển U-23 đã thể hiện trong hai trận đấu ở VCK U-23 châu Á, “mối tình” của bóng đá Việt với ông Miura không cần đợi đến khi hết hợp đồng!

HLV Miura trong trận U-23 VN thua U-23 Úc 0-2 đêm 17-1 - Ảnh: Anh Đức

Xin nói thẳng là sự kết thúc ấy không vì kết quả thua hai trận trước U-23 Jordan và Úc. Dù trước khi bước vào giải, HLV Miura tuyên bố mục tiêu là đưa U-23 VN vào tứ kết nhưng những người hiểu biết đôi chút về bóng đá thừa hiểu: đó chỉ là lên dây cót tinh thần mà bất cứ HLV nào cũng áp dụng (trừ các HLV nội toàn bảo là đi học khi tham gia các giải quốc tế). Đơn giản bởi cứ mở trang xếp hạng của FIFA thì biết khoảng cách của Jordan và Úc so với VN xa như thế nào. Nói như Kiatisak, cũng có thể bóng đá Việt sẽ có một vài trận thắng trước đội mạnh nhưng đó là chiến thắng may mắn, bất ngờ chứ không phải là bền vững.

Nếu vậy thì cớ gì phải dự đoán Miura sẽ ra đi sớm sau hai trận thua trước hai đối thủ có đẳng cấp cao hơn mình?

Có người trả lời câu hỏi này bằng lý giải “ông Miura xếp đội hình lung tung, mỗi trận một phách, chả ra làm sao cả”. Lời giải thích này cũng chưa chí lý bởi chính kiểu mỗi trận một phách ấy đã có lúc giúp ông Miura được khen rất nhiều.

Điều mà chúng tôi cho rằng ông Miura phải sớm ra đi là vì sự bảo thủ của mình khi cứ một hai bám theo kiểu “lấy trứng chọi đá” khi ưu tiên chọn những cầu thủ lực lưỡng, không ngại va chạm. Hỡi ôi, chơi với Úc và Jordan mà đua sức mạnh thì đúng là đâm đầu vào cửa tử. Ông kéo vào tuyển một lực lượng đông đảo cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai nhưng lại không mặn mà với lối chơi kỹ thuật của họ.

Và chúng ta cứ thử nhớ lại xem, khi ông tăng yếu tố kỹ thuật lên ở hiệp hai trận gặp Úc bằng cách tung Hồng Duy với Tuấn Anh vào sân, tình hình cải thiện được khá nhiều, không còn để mất trắng khu vực giữa sân như ở hiệp một. Từ đây mới thấy chiến lược đưa bóng đá Việt thoát ao tù bằng quan điểm dựa vào sức mạnh là một sự sai lầm to lớn của ông Miura.

Ngay người Nhật muốn thực hiện tham vọng bắt kịp châu Âu cũng phải dựa vào quan điểm “lấy yếu thắng mạnh”, không dùng sức chọi với sức. Chẳng hiểu sao Miura lại đi ngược chiều khi dẫn dắt bóng đá VN? Nếu bây giờ mà có một cuộc thăm dò ý kiến người hâm mộ bóng đá VN, tôi tin rằng tỉ lệ ủng hộ việc chia tay Miura là rất cao.

Nhưng đáng quan tâm hơn cả là khi Miura đi, bóng đá Việt sẽ phải làm gì? Không lẽ lại cứ rao tìm thầy ngoại, rồi lại tiếp tục “tiền mất tật mang”?

Chưa bao giờ chúng ta thấy bộ máy quản lý bóng đá nước nhà bi đát như hiện nay. VFF các nhiệm kỳ đều có vấn đề, đó là điều ai cũng nhìn thấy. Nhưng bộ máy VFF nhiệm kỳ hiện tại còn “dễ sợ” hơn bởi sự “lì đòn” với dư luận. Ngày xưa, một khi có chuyện gì đấy ồn ào (chưa cần to như vụ ông Xuân Gụ “quăng bom” mới đây), lãnh đạo VFF đã phải đăng đàn để giải thích, trấn an. Thậm chí các nhiệm kỳ trước có chạy tội, quanh co thì cũng còn đỡ hơn nhiệm kỳ bây giờ, đó là tất cả đều chọn thái độ im lặng là vàng, bất chấp dư luận nói gì cũng mặc.

Với thái độ này, e rằng Miura này đi thì cũng lại rước Miura khác về mà thôi. Thậm chí, không khéo còn tệ hơn Miura nữa...

“Đã đến lúc cần làn gió mới”

Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải - nguyên ủy viên VFF, nguyên tổng biên tập báo Bóng Đá - đã nói như vậy với Tuổi Trẻ khi mở đầu cuộc trò chuyện sau hai trận thua của U-23 VN ở VCK Giải U-23 châu Á tại Qatar.

Theo ông Vũ Mạnh Hải, ông Miura đã không để lại dấu ấn trong công tác huấn luyện. Ông nói: “Trong công tác huấn luyện đội tuyển, khi gọi cầu thủ lên tập trung, HLV trưởng phải nắm bắt đầy đủ về tình trạng sức khỏe của mỗi người để từ đó xây dựng kế hoạch huấn luyện thể lực sao cho phù hợp nhất, bởi nền tảng thể lực của cầu thủ trong mỗi CLB đều được xây dựng khác nhau. Trong khi đó, dưới thời ông Miura, rất nhiều cầu thủ bị chấn thương khi lên tập trung do ông ấy nâng khối lượng vận động lên rất cao từ ngày đầu. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc chấn thương tràn lan.

Hai năm không phải là thời gian quá ngắn và ông Miura sẽ để lại dấu ấn nếu chịu tìm hiểu về văn hóa, về cách chơi của bóng đá VN khi theo dõi V-League hay Giải hạng nhất quốc gia. Thật sốc khi ông ấy tuyên bố không lắng nghe bất kỳ lời góp ý nào của giới chuyên môn và nói thẳng sẽ làm việc theo suy nghĩ riêng của mình. Nói như thế là không cầu thị bởi khi đến một nền văn hóa khác và một khi không nắm bắt được tâm tư, tình cảm lẫn thói quen của người bản địa thì làm sao xây dựng nên một đội tuyển hùng mạnh được”.

Còn theo đánh giá của HLV Lê Huỳnh Đức: “Đội tuyển có lối chơi “hùng hục” như hiện nay vì ông Miura rất thích mẫu cầu thủ có lối chơi băm bổ”. Huỳnh Đức kể: “Trong vai trò thành viên Hội đồng HLV quốc gia, tôi có gặp và trò chuyện cùng HLV Miura. Ông ấy nói rất cần sự trợ giúp của Hội đồng HLV trong việc giới thiệu những cầu thủ xuất sắc nhất từ các CLB. Tôi nói: “Đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Nhưng ông phải cho biết đâu là tiêu chí tuyển chọn cầu thủ và lối chơi của đội tuyển như thế nào để giới thiệu cầu thủ”. Ông Miura đáp: “Tôi là người chuộng những cầu thủ có sức mạnh và lối chơi băm bổ. Còn triết lý bóng đá của tôi do tôi tự đặt ra...”. Thật ngỡ ngàng khi nghe ông ấy phát biểu như vậy.

Ở góc nhìn chuyên môn, tôi cho rằng sự cứng nhắc, bảo thủ và sử dụng con người của ông Miura trong hai năm qua không phù hợp với con người cũng như lối chơi của bóng đá VN”.

Sĩ Huyên ghi

 Trường Huy/tuoitre online

Chia sẻ bài viết