Hiện nay cả nước có 70 bộ, ngành, địa phương đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lấy mức độ 4. Chính phủ đặt ra mục tiêu trong năm 2022, tất cả các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thành mục tiêu này. Tác động của dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp cũng như các giải pháp để nâng cao mức độ cũng như hiệu quả của các dịch vụ công này đang là vấn đề cần bàn luận.
Hà Nội đang đướng tới xây dựng, hoàn thiện cơ chế một cửa điện tử, số hóa thủ tục hành chính.
Người dân hài lòng quy trình hành chính
Để đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính được thông suốt ngay từ những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, cơ quan hành chính ở các địa phương đã nghiêm túc trở lại làm việc. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng được thực hiện nghiêm túc mang lại sự hài lòng cho người dân.
Tại Ủy ban nhân dân phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, từ 8h sáng đã có người dân đến làm thủ tục. Dù số lượng không nhiều nhưng bộ phận hành chính vẫn bố trí đầy đủ người như mọi ngày. Mỗi trường hợp chỉ mất 5 phút để làm xong thủ tục hành chính.
Những ngày này, mặc dù số người đến giải quyết công việc không nhiều song đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính của thành phố Hà Nội đều thực hiện nghiêm giờ trực, giờ làm việc. Đặc biệt tại bộ phận một cửa của các quận, huyện không khí làm việc tích cực cùng với tinh thần phục vụ chu đáo của đội ngũ cán bộ, công chức các thủ tục hành chính đã được giải quyết một cách nhanh gọn.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Nhung, cán bộ tiếp công dân quận Long Biên, đó là một quy trình làm việc vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa thuận lợi cho người dân: “Chúng tôi luôn giữ vững tinh thần phục vụ làm sao để người dân hài lòng. Khi người dân đến thì tận tình hướng dẫn để người dân thực hiện thủ tục hành chính một cách thuận tiện, đơn giản, hiệu quả nhất”.
Còn tại TP. HCM, khá đông người dân đến làm các loại thủ tục tại các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố.
Tại UBND quận Phú Nhuận, người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp được hướng dẫn xếp hàng và đảm bảo phòng, chống dịch trong phòng tiếp nhận hồ sơ.
Tương tự, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận Bình Thạnh, người dân được yêu cầu khai báo y tế, khử khuẩn đeo, khẩu trang và đảm bảo giãn cách trong quá trình vào giao dịch.
TP Thủ Đức cũng hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục, không xảy ra tình trạng dồn ứ hay phải xếp hàng chờ đợi.
Chị Bùi Phương Nhi (phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức) cho biết: “Tôi chỉ mất 5 -10 phút để hoàn thiện thủ tục. Tôi thấy cán bộ rất nhah, nhiệt tình và nghiêm túc. Tôi rất hài lòng”.
Sự hài lòng, tin tưởng của người dân là động lực để các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục phục vụ nhân dân chu đáo và an toàn.
Cùng với sự phục vụ tận tình tại bộ phận một cửa, ngay từ đầu năm 2022, việc áp dụng nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ trực tuyến và trả kết quả tại nhà cũng được các địa phương đẩy mạnh. Hồ sơ vừa được giải quyết nhanh chóng vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau cho biết: “Trung tâm hành chính cũng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã phát triển ứng dụng trên thiết bị điện thoại thông minh. Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh việc số hóa, tạo nền tảng kho dữ liệu số cho từng cá nhân”.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Chúng tôi đang số hóa tất cả các hồ sơ thủ tục hành chính đã nộp tại trung tâm, hướng tới xây dựng một chính quyền số. Sau này, người dân chỉ cần cung cấp mã số của mình thì sẽ tra cứu được tất cả các thủ tục hành chính mà họ đã xử lý nên không cần phải nộp hồ sơ giấy tờ nữa”.
Với tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, hơn 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Còn với tỉnh Cà Mau, trung tâm hành chính tỉnh đã tích hợp công khai 346 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 100 % tổng số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc về số lượng dịch vụ công đã tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia.
Người dân tới bộ phận một của để giải quyết các thủ tục hành chính sau khi gửi yêu cầu qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Cần nhiều nỗ lực để đạt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến
Đến nay cả nước đã có 70 bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức độ 4. Năm 2022, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Giáo sư, tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu của Chính phủ đặt ra. Cụ thể biện pháp tin học hóa, biện pháp hành chính số là biện pháp cơ bản để vượt lên khỏi những thủ tục phức tạp mà các doanh nghiệp, những người dân hiện nay đang phải chịu. Thậm chí, sau một quá trình cải cách thủ tục hành chính khá dài, gần 15 năm nhưng những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp của người dân của các hộ gia đình vẫn chưa được tháo gỡ một cách đầy đủ.
"Một trong những điểm quan trọng nhất của Chính phủ số là sự đối thoại giữa Chính phủ với người dân; sự đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp trên cơ sở online. Thực tế, tôi chưa cảm thấy thỏa đáng trong việc đối thoại này. Hơn nữa, với các thủ tục hành chính, các giao dịch cụ thể giữa Nhà nước với các doanh nghiệp ở các cấp mà mỗi một bộ có một cửa thì có bộ làm tốt, có nơi làm chưa tốt, chưa đẩy được việc này lên những bước phát triển quan trọng"- GS Đặng Hùng Võ nhận xét.
Với nguồn lực như hiện nay, mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2022, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là một mục tiêu rất đáng khuyến khích, phù hợp với xu hướng phát triển để đẩy xã hội lên cao hơn. Nhưng để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần nỗ lực rất lớn. Trong đó, nỗ lực của cán bộ quản lý là yếu tố quyết định.Chung quan điểm với GS-TS Đặng Hùng Võ, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công chương trình phát triển LHQ cho rằng: Cùng với việc số hóa, gia tăng các dịch vụ công thiết yếu, nâng cao mức độ tiếp cận của người dân cần sự phối hợp vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương
“Những giải pháp hiện nay để hỗ trợ cho người dân vào được dịch vụ công trực tuyến là: Thứ nhất, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hiện nay đang có. Thứ hai, phát tờ rơi giới thiệu về dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 cấp độ 4 cho người dân, để người dân biết được, thay vì đến tận nơi, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng. Phải tăng lượng người dùng thì mới biết quy trình, thủ tục nào còn gặp khó khăn khi thực hiện để kịp thời đổi mới"- Bà Đỗ Thanh Huyền nói:
Tiếp theo, việc giúp chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở đưa các dịch vụ liên quan tới công dân lên cổng công trực tuyến của tỉnh, cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia là bài toán của hệ thống. Hệ thống ở đây là quyết tâm chính trị cũng như tài chính và kỹ thuật của chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp trung ương cho đến cấp địa phương.
"Tôi xin được nhấn mạnh, trước hết phải hiểu cấp cơ sở phục vụ được ai, phục vụ cái gì tại thời điểm này, trong trung hạn 5 năm, trong hạn 10 năm để có một lộ trình hướng tới 100% dịch vụ công trực tuyến mà Chính phủ đề ra” - bà Huyền lưu ý.
Phần lớn các dịch vụ công trực tuyến hiện nay đều do Nhà nước cung cấp và quản lý.
Để khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công
Chuyển giao một phần dịch vụ công do Nhà nước quản lý sang khu vực tư nhân là một giải pháp khác để nâng cao mức độ cũng như hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến được ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập.
Đây cũng là một trong những giải pháp được đưa ra tại chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
“Hiện nay, đa số các cung cấp các dịch vụ công vẫn do cơ quan nhà nước triển khai. Tuy nhiên, trong định hướng cũng như trong thực tế, việc này đã có sự tham gia của các doanh nghiệp. Ví dụ như dịch vụ công trực tuyến; các dịch vụ bưu chính công ích: Giúp người dân nhận hồ sơ nhà, sau đó chuyển cơ quan nhà nước xử lý cũng như khi có kết quả thì chuyển đến nhà dân; một số dịch vụ thuế, hải quan,… Như vậy người dân, doanh nghiệp có thể là thông qua các doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hành chính” - ông Nguyễn Phú Tuyến nhấn mạnh.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ nêu 3 tiêu chí mang tính giải pháp đột phá trong việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4.
Trước hết, phải lấy nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, cải cách là dẫn dắt và công nghệ là công cụ hỗ trợ, tập trung phát triển những nền tảng dùng chung. Đó là cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, nền tảng thanh toán trực tuyến, hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. cung cấp dịch vụ công.
Thứ hai, cần khắc phục việc cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh do hai cơ quan phụ trách. Việc này sẽ phát sinh những chi phí đầu tư về nền tảng, sự đầu tư trùng lặp giữa hai hệ thống.
Thứ ba, phải thực hiện gắn số hóa với tái sử dụng kết quả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hình thành công chức điện tử; đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng cá nhân, tổ chức không phải cung cấp lại hồ sơ, giấy tờ điện tử đã được số hóa, có giá trị pháp lý./.
PV/VOV1