Tiếng Việt | English

25/09/2015 - 19:24

Mỗi đề án phòng chống tham nhũng được hỗ trợ 300 triệu đồng

Mỗi đề án phòng chống tham nhũng đoạt giải được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng để thực hiện trong 1 năm.

Sáng 25/9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam.

Qua 6 năm triển khai (từ năm 2009 đến nay), Ban Tổ chức đã trao giải cho 102 đề án, theo các nhóm chủ đề: Giáo dục phòng chống tham nhũng cho thanh thiếu niên, tăng cường giám sát cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Mỗi đề án đoạt giải được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng để thực hiện trong 1 năm.


Tổng kết chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam

Bà Lê Thị Thủy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: “Trong quá trình triển khai có gặp một số khó khăn nhưng hầu hết các đề án được triển khai nghiêm túc, trên phạm vi rộng, với số lượng người hưởng lợi và tham gia đông đảo; nhiều sản phẩm sáng tạo, có giá trị giáo dục về minh bạch, liêm chính. Đặc biệt, nhiều đề án đã có tác động rõ rệt, tạo nên những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng về công tác phòng, chống tham nhũng. Các ý tưởng đạt giải đã và đang là những đầu vào thiết thực trong thực hiện chính sách và hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng”.

Tại hội nghị, các chuyên gia đánh giá cao kết quả Chương trình "Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam" đã đạt được. Bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc chống tham nhũng của toàn dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình phòng, chống tham nhũng. Trong đó, Chính phủ là then chốt. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của thanh niên trong Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng thời gian qua đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân.

Bà Victoria Kwa Kwa nói: “Trong khuôn khổ của Chương trình phòng chống tham nhũng Việt Nam, chúng ta đã trao quyền cho người dân. Như trường hợp của Quảng Nam, người dân có vai trò giám sát xác định hành vi tiêu cực, những hành vi không tuân thủ và báo cáo những hành vi sai phạm trong các công trình đầu tư. Để những người thực hiện dự án đầu tư phải giải trình”.

Các chuyên gia cũng cho rằng: để các sáng kiến thực sự phát huy tác dụng sau tài trợ, Thanh tra chính phủ, các cơ quan chức năng cần có những hình thức kiểm tra, giám sát định kỳ cũng như có những giải pháp hỗ trợ phù hợp để giúp hiện thực hóa các sáng kiến phòng chống tham nhũng.

Một số chuyên gia cũng đề nghị, chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam có thể chuyển sang chương trình do Chính phủ chủ trì để đảm bảo các sáng kiến được nhân rộng và đi vào đời sống./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết