1. Chị Út ngồi một mình tỉ mẩn cắt gọt, tạo hình cho những miếng củ cải, su hào,... để làm món kim chi. Kim chi của chị vừa ngon, vừa đẹp, ai cũng thích. Sắp đến ngày 27/7, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này là chị Út chuẩn bị một mâm cơm chu đáo. Chị làm những món ăn mà lúc còn sống, ba má và các anh chị ưa thích. Chị tin ba má và các anh chị linh thiêng sẽ cùng về với chị - con gái út cưng của ba má, em gái bé bỏng của các anh chị.
Chợt nghe có tiếng gọi ngoài cổng, chị vội chạy ra. Đó là một người đàn ông lớn tuổi, tóc bạc hơn nửa mái đầu nhưng gương mặt còn rắn rỏi, trông quen quen.
- Xin hỏi có phải nhà cô Út đây không? - Người đàn ông nhìn chị như cố tìm một điều gì đó.
- Dạ đúng rồi! Xin lỗi, anh là... - Chị ngập ngừng vì chưa nhớ ra người đàn ông ấy là ai.
- Trời... đúng là cô Út! - Người đàn ông chợt thốt lên. - Bao nhiêu năm rồi... Anh... anh Bình bộ đội ngày xưa đây!
- A... a... Anh Bình!... Em nhớ rồi! Mấy chục năm nay không biết anh ở đâu. - Chị Út nghẹn giọng bởi cuộc gặp gỡ bất ngờ này.
Minh họa: Hữu Phương
Anh Bình là bộ đội được má chị nuôi giấu, che chở, xem như con trai trong nhà. Đó là khoảng năm 1963, chị mới chừng 5 tuổi, rất quý anh bộ đội hiền lành, vui tính. Sau này, chị nghe mọi người kể, anh Bình để ý, thương chị Năm, khi đó, chị chưa đầy 16 tuổi. Chị Năm nói mình còn nhỏ, lại đang chiến tranh loạn lạc nên không dám nhận lời anh. Má cũng bảo, sau này, con gái má lớn thêm, nếu có duyên sẽ gặp lại...
Sau đó, chị Năm theo ba đi làm cách mạng. Mấy năm sau, anh Bình đi công tác ở Ba Thu, ghé thăm gia đình. Má và mấy chị em biết ý nên tạo điều kiện để hai người nói chuyện riêng. Không ngờ, lần gặp đó là lần cuối, khoảng một năm sau, chị Năm hy sinh. Anh Bình hay tin như sét đánh ngang tai. Anh xung phong đánh những trận ác liệt, thề với lòng, sống và chiến đấu cho cả phần người con gái anh yêu. Anh luôn mang trong mình hình bóng chị - cô gái có đôi mắt to tròn, đen láy, luôn ánh lên những nét nhìn tinh nghịch, dí dỏm. Tình yêu đó tiếp thêm sức mạnh cho anh vững vàng tiến lên phía trước, vượt qua mọi gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong một trận đánh ác liệt, anh bị thương nặng, được đưa ra miền Bắc điều trị, an dưỡng mấy năm. Khỏe lại, anh lại trở về Nam chiến đấu cho đến ngày giải phóng và theo con đường binh nghiệp cho đến ngày nghỉ hưu.
Hỏi chuyện gia đình, anh trầm ngâm hồi lâu rồi chậm rãi chia sẻ nỗi lòng:
- Anh từng nghĩ mình sẽ không lấy vợ. Anh không quên được chị Năm em. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục. Anh trai anh hy sinh, anh còn trách nhiệm đối với gia đình...
- Đúng đó anh! - Chị Út đồng tình - Dù sao, chị Năm em cũng hy sinh rồi, anh ở lại phải sống sao cho phải với cuộc đời. Nếu không, chị Năm em không an lòng được.
- Ừ! Anh có vợ, cô ấy là cô giáo hiền lành, hiểu biết. Sống với nhau mấy chục năm, có 3 đứa con, tình nghĩa sâu nặng.
- Chị ấy có biết chuyện anh với chị Năm em không?
- Vợ anh biết anh có một mối tình sâu đậm. Cô ấy luôn tôn trọng “góc riêng tư” của chồng và sống hết lòng với chồng, con... Bởi vậy, trong lòng anh luôn cảm thấy có lỗi với cả hai người phụ nữ. Thấy có lỗi với chị em vì “có người phụ nữ khác”. Lại thấy có lỗi với vợ vì sống với nhau còn mang hình bóng người xưa. Anh chỉ biết cố gắng sống hết mình, hết trách nhiệm của một người chồng, người cha...
Chị Út lắng nghe nỗi lòng của anh. Có lẽ bao năm qua, anh đã cố cho kỷ niệm ngủ yên, để những con sóng nhỏ trong lòng không lao xao, lay động.
Người đàn ông trước mặt chị bây giờ như là anh bộ đội trẻ hiền lành ngày xưa. Anh cũng như chị Năm và các anh của chị cùng biết bao bạn bè, đồng đội hy sinh cả tuổi thanh xuân và cuộc đời, lao vào lửa đạn của cuộc chiến tranh, giành lại bình yên cho cả dân tộc. Chiến tranh đi qua, bên cạnh những nỗi mất mát lớn lao còn có cả nỗi lòng trăn trở khôn nguôi vì người đã khuất. Chị nghe lòng mình xót xa, đồng cảm mà không biết nói gì với anh lúc này. Người đàn ông từng vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ hẫng mà lòng đầy nỗi ưu tư, trăn trở rất “yếu đuối”.
2. Gặp lại anh Bình, bao kỷ niệm ngày thơ bé chợt ùa về. Chị Út nghe đâu đây như có tiếng má đầy yêu thương, khích lệ:
- Ráng lên các con... Ráng chút nữa, đến bụi tre kia là tới rồi!...
Má gồng gánh đưa 3 đứa con gái nhỏ nhất đi tìm ba đang hoạt động trên đất bạn Campuchia. Chị là út, năm đó mới 7 tuổi, chị Bảy 11 tuổi, chị Tám 9 tuổi. Lúc đó, anh Hai đã đi bộ đội, chị Ba có chồng, anh Tư, chị Năm, anh Sáu cũng theo ba đi làm cách mạng. Má nói, mình phận đàn bà nhưng cũng muốn giúp chồng bất cứ điều gì, để chồng an tâm công tác. Hồi còn ở quê, má nuôi bộ đội, các anh cần gì, má lo nhiệt tình, chu đáo. Má muốn đóng góp sức mình cho cách mạng...
Mấy má con đi bộ đến 12 giờ khuya, chân bước không nổi, nhưng rồi nghe má nói sắp tới, lại ráng. Ráng qua biết bao nhiêu bụi tre mà sao vẫn chưa tới chỗ ba. Đến lúc hết chịu nổi, 3 chị em nằm lăn ra ngủ dưới đám cỏ bên bờ con sông nhỏ.
Lúc chị tỉnh dậy đã thấy ba ngồi bên má canh cho các con ngủ. 3 chị em tròn mắt, không hiểu sao ba biết mấy má con đi tìm mà ra đón. Sáng sớm, ba đưa vợ con về chỗ đóng quân bên kia sông. Ba dựng căn chòi nhỏ cho mấy má con ở tạm. Chị được ba cho đi học, cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng có ba, có má thật ấm áp, an lành. Đó là khoảng thời gian quây quần, hạnh phúc nhất không bao giờ chị quên được. Nhưng thật ngắn ngủi, chỉ được 2 năm thì má bệnh đột ngột rồi qua đời. Đó là năm Mậu Thân 1968, mấy chị em phải chia lìa, mỗi đứa một nơi, đến ở với những người bà con để ba an tâm công tác.
1 năm sau, trên đường công tác, chị Năm bị chỉ điểm. Giặc đánh vào hầm bí mật nơi chị và các đồng đội đang ẩn náu. Chị hy sinh khi mới 21 tuổi. Năm 1973, anh Tư, anh Sáu của chị lại lần lượt hy sinh, cách nhau chỉ 4 tháng. Chị Út lúc đó còn nhỏ, cũng cảm nhận được nỗi đau đớn khôn cùng khi dồn dập mất đi những người thân yêu của mình. Ba hay tin các con mình lần lượt hy sinh, nỗi đau dồn lại, nhức nhối, đặc quánh trong lòng. Nước mắt chảy ngược vào trong, ba nguyện dâng trọn cả đời cho cách mạng. Sau này bị giặc bắt, tra tấn dã man, tàn ác nhưng ba quyết không khai. Mỗi khi trái gió, trở trời, những vết thương nằm sâu trong da thịt ba lại tấy lên đau đớn. Đất nước giải phóng, ba lặng lẽ hỏi thăm, đi tìm hài cốt từng đứa con mình. Tìm được đứa nào, ba nâng niu, bao bọc lại, đưa về bằng chiếc xe đạp thường chạy hàng ngày. Cứ thế, ba chở con mình sau lưng như chúng đang ngồi đó ngày còn thơ bé. Chị có cảm giác lưng ba còng xuống sau bao mất mát, đau khổ. Thương ba cả đời trung trực, cống hiến hết lòng cho cách mạng, luôn tròn đầy trách nhiệm với các con. Càng thương ba hơn, khi má mất, ba vẫn quyết ở vậy, toàn tâm, toàn ý với công việc và gia đình.
Sau này, chị cứ tự hỏi, má sớm ra đi để lại bao đau xót, thiệt thòi cho chồng con, nhưng nếu còn sống, phải nghe tin các con mình lần lượt ra đi khi còn quá trẻ, lòng đớn đau, làm sao má chịu cho thấu...
Cuối năm 1994, gia đình chị vinh dự thay mặt má đón nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng do Đảng, Nhà nước truy tặng. Chị bật khóc vì xúc động, có lẽ, má và các anh, chị nơi chín suối cũng rất vui.
3. Sáng sớm ngày 27/7 năm ngoái, vợ chồng chị Út dậy sớm. Hôm nay, anh Bình hẹn gặp vợ chồng chị ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Bao nhiêu năm xa cách, anh Bình muốn cùng vợ chồng chị viếng mộ những người mà anh xem như người thân, ruột thịt của mình. Có lẽ, anh cũng muốn “gặp lại” chị Năm, để nói với chị những điều trăn trở bao năm nay.
Anh chị Út chạy xe máy về đến nghĩa trang vẫn còn sớm, chỉ mất hơn một tiếng đồng hồ. Không để anh chị chờ lâu, chỉ lát sau, anh Bình cùng vợ, con, dâu, rể cũng đến. Anh muốn dịp này, đưa vợ và các con về thăm lại chốn xưa, nơi anh được gia đình nuôi giấu, bảo bọc những năm chiến tranh.
Chị Hoa - vợ anh Bình, là người hiền lành, chu đáo. Chị chuẩn bị đầy đủ xôi, gà, hoa tươi, trái cây, nhang, đèn,... để thắp hương cho các anh chị.
3 ngôi mộ của anh Tư, chị Năm và anh Sáu nằm cạnh bên nhau lặng lẽ trong nghĩa trang. Mọi người cùng nhau sắp xếp đồ cúng rồi thắp nhang khấn vái. Anh Bình nán lại bên mộ chị Năm, mọi người hiểu ý ra trước, để anh lại một mình.
Ở nhà, chị Ba, chị Tám và con, cháu có mặt đầy đủ, chuẩn bị chu đáo cho “sự kiện” đón khách quý của gia đình. Ai cũng mong được gặp lại anh bộ đội ngày xưa, xem anh ấy bây giờ ra sao...
Mọi người gặp nhau cười nói rộn rã, có cả những cái ôm ấm áp, xúc động. Sau giải phóng, anh Hai trở về tham gia công an xã, rồi bệnh, mất đã lâu. Chị Bảy cũng không còn. Người lớn tuổi nhất trong nhà giờ chỉ còn chị Ba, cũng sắp qua tuổi 80. Đôi mắt rơm rớm, chị xúc động nắm bàn tay anh Bình:
- Bao nhiêu năm nay, không biết em sống chết ra sao? Bây giờ, thấy em mạnh khỏe, phải cảm ơn trời phật phù hộ. Hồi em Năm hy sinh, đau xót lắm, lại nghe em xông pha đánh trận trả thù, cả nhà lo quá!
- Dạ! Năm đó, nghe tin dữ, trong em chỉ có một ý nghĩ thù nhà, nợ nước nên chẳng nghĩ gì đến thân mình nữa. Giải phóng rồi, em cũng tìm gia đình mình nhưng do thất lạc quá lâu nên chưa biết bắt đầu từ đâu!
Anh Bình quay ra giới thiệu vợ và các con. Chị Hoa trở thành tâm điểm thăm hỏi của mọi người. Chị cười hiền lành, gương mặt rạng rỡ. Chị nói, vẫn thường nghe chồng kể, nhắc ơn nghĩa sâu nặng của gia đình. Chị cũng biết cả mối tình đầu của anh với chị Năm. Mọi người nghe vậy liền hỏi chị có buồn không, chị lại cười, nét cười hồn hậu, không chút ưu tư:
- Dạ, em không buồn đâu! Em thấy ngưỡng mộ mối tình cao đẹp, trong sáng của anh chị. Chị Năm vì nghĩa lớn mà hy sinh, bản thân thiệt thòi, gia đình mất mát. Anh Bình là người sống tình nghĩa nên không quên được chị cũng là lẽ tự nhiên. Trong cuộc sống hàng ngày, anh Bình là người thương vợ, thương con, sống đàng hoàng, có trách nhiệm. Với em, bấy nhiêu là đủ...
Chị Hoa ngưng lại một chút rồi xúc động nói tiếp:
- Hôm nay, vợ chồng, con cái em tìm được gia đình mình, xin phép các chị, các em và cả nhà cho vợ chồng em coi như đây là gia đình lớn của mình để được đi về, thăm hỏi...
- Vậy thì mừng quá! Từ nay, vợ chồng em và các cháu cứ coi như đây là gia đình của mình.
Nghe chị Ba nói, chị Út cũng tiếp lời:
- Chị Năm em cũng hy sinh rồi, nay gặp chị như người nhà, chị cho phép tụi em được coi chị như chị Năm...
Cuộc trùng phùng đầy cảm động. Chiến tranh qua đi, đau thương, mất mát để lại là khôn cùng. Nhưng “vết thương chiến tranh” cũng được xoa dịu phần nào khi những người đang sống đối xử với nhau bằng nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn, xứng đáng với người đã khuất, để sự hy sinh của họ luôn ý nghĩa.../.
Hoài Thu