Tiếng Việt | English

07/12/2022 - 19:10

Mùa bông điên điển

Chiếc tàu đò Long An – Hậu Thạnh rẽ dòng nước đỏ, nép theo triền sông mọc đầy cây bần, cây quéo,... Tôi nhìn qua cửa sổ hông tàu nghĩ ngợi vẩn vơ. Mới đó mà đã hơn hai tháng rồi kể từ ngày tôi về trường mới…

Bông điên điển (Ảnh Internet)

…Ngôi trường nhỏ nằm giữa đồng nước mênh mông, từ lộ đá đỏ đi vào bằng xuồng hơn hai trăm mét mới tới nơi. Tôi rỉ tai nhỏ Lan: “Trường mình dạy là trường Hồ Gươm”. Nhỏ cười cãi lại: “Trường Tháp Rùa mới đúng”. Ừa, trường Tháp Rùa thì đúng hơn.

Đêm đầu tiên tôi đến trường, trời đổ mưa tầm tã. Tôi nằm nghe tiếng mưa rả rích trên mái lá, tiếng ếch nhái, ễnh ương rền vang từng hồi, tiếng gió đưa kẽo kẹt trên bụi tre gai sau trường nghe rầu thắt ruột. Nhớ má, nhớ nhà, nhớ hằng hà thứ,…tôi nằm khóc thút thít. Phía bên kia hình như nhỏ Lan đang hít mũi nghèn nghẹn giống như tôi.

Buổi sáng họp phân công giáo viên, thầy hiệu trưởng thông báo:

- Phòng giáo dục phân công cô Minh Nghĩa về điểm ấp 3, mà phân như vầy thì bất tiện quá vì nhà tập thể điểm đó có một mình thầy Sơn. Chắc phòng tưởng Minh Nghĩa là thầy giáo nên phân vào đấy cho có bạn. Tạm thời cô cứ vào trong ấy dạy, tôi sẽ đề xuất xin hoán đổi sau. Chút nữa họp xong, cô theo thầy Sơn về điểm.

- Hoán chuyển làm gì. Trai chưa vợ, gái chưa chồng. Nếu có hoán chuyển, thầy cho thầy Sơn ra đây, để em vào đó.

Có tiếng cười phía các thầy giáo trẻ. Tôi mím môi nghe tức muốn khóc. Cũng tại cái tên con trai của tôi nên mới ra nông nổi. Ba đặt tên cho anh hai là Minh Lễ, tới tôi ba đặt luôn là Minh Nghĩa nên mới có sự nhầm lẫn hôm nay.

***

Chiếc xuồng ba lá lướt nhẹ giữa dòng kênh rợp bóng tràm xanh. Nắng chênh chếch trên những ngọn cây cao, xuyên qua kẽ lá thành những đốm tròn lấp loáng trên mặt nước, đậu trên vai trên tóc. Giữa không gian yên ắng, tiếng mái dầm khua nước nghe êm đềm như vọng lại từ cõi mơ. Ánh mắt tôi đang phiêu du, lãng đãng chợt chạm phải khuôn mặt nghiêm như tượng khắc của Sơn, tức thì bao nhiêu ý tưởng “romantic” trong đầu tan biến. Người gì mà nhìn cái mặt đã thấy khó ưa. Thấy người ta là “ma mới” định hù dọa, ăn hiếp đây mà. Tôi quay mặt sang hướng khác, lặng thinh suốt quãng đường đi.

Rà mái dầm cho xuồng cập bến, Sơn nhanh nhẹn cắm dầm neo xuồng, xách hai túi đồ của tôi nhảy gọn lên bờ. Tôi nắm chặt be xuồng đang chòng chành, cắn môi để khỏi bật tiếng kêu. Sơn nắm tay, kéo tôi lên bờ, rồi buông ra thật nhanh như tay tôi có lửa.

- Hừ, chuyện nhỏ - Tôi cố tình không nói lời cảm ơn.

Nhà tập thể nhỏ xíu, lợp mái, vừng vách bằng lá dừa nước đã bạc phếch màu mưa nắng. Trong nhà có hai giường đơn, hai bàn, hai ghế. Tôi ngồi xuống chiếc giường chỉ lót vạt trống trơ, cạnh hai túi đồ mà khóc. Sơn biến đi đâu mất biệt, bỏ tôi một mình trong nhà tập thể. Tôi khóc chán rồi ngủ quên lúc nào không hay. Mở mắt ra ngơ ngác một hồi, tôi mới nhận ra tình cảnh hiện tại của mình. Và lạ chưa, trước mắt tôi là một tấm vách bằng lá chằm, ngăn gian nhà thành hai phòng. Trên vách có cửa ra vào phủ tấm màn xanh in bông trắng li ti. Tôi vén màn thò đầu vô dòm: Một cái giường sắp sẵn mùng, mền, chiếu, gối; một cái bàn; một ghế ngồi; một kệ sách; giá treo quần áo. Hổng lẽ anh ta định cố thủ trong đó?

- Ăn cơm đi.

Tôi quay lại đỏ mặt. Sơn cầm hai chén, hai đôi đũa gõ vào nhau ra hiệu. Tôi làm bộ tỉnh bơ ngồi vào bàn.

Sơn xới cơm vào chén, nói trỏng không:

- Cơm gạo huyết rồng, cá lóc nướng trui dầm nước mắm, dưa chua bông điên điển. Ăn một lần là nhớ suốt đời.

Nhớ món ăn hay nhớ người nấu? Tôi nghĩ thầm nhưng không dám hỏi. Cứ ăn cho no, gây chuyện làm gì. Ăn ba chén một lèo, no căng mà tôi vẫn còn thèm. Tới tết Chà Và tôi cũng không nấu ăn khéo bằng anh chàng này. Ăn cơm xong, Sơn chỉ tay ra phía cầu ao ra hiệu biểu tôi rửa chén. Rửa thì rửa. Kẻ nấu cơm, người rửa chén. Đúng là như vậy rồi, nhưng cứ thấy bừng bực làm sao. Đem chén vào nhà, tôi thấy hai túi xách trên giường biến mất, vừa lúc Sơn từ trong phía màn bước ra nói trỏng không:

- Ngủ trong đó cho ấm.

Tôi nhìn anh ta quày quả bỏ đi, nhủ thầm: Cũng không đến nỗi,...Cứ thế hơn một tháng ròng, ngày nào Sơn cũng làm cá nấu cơm, còn tôi chỉ có lặt rau, rửa chén. Sơn chỉ chống xuồng đi một lúc đã đem về bao nhiêu là cá, là rau, là ốc. Sơn làm những món rất ngon mà tôi chưa được thấy hoặc ăn bao giờ ở nhà tôi. Sơn hiền lành, giỏi giang, chu đáo với tôi cũng như hết lòng, hết sức với học trò. Buổi lên lớp của Sơn luôn kéo dài giờ hơn quy định. Học trò yếu kém bị bắt phải ở lại để luyện chữ, viết chính tả hoặc giải toán. Tôi thấy Sơn hay cho học sinh nghèo tập, viết nên cũng bắt chước làm theo. Duy có điều lạ là anh ta ít nói kinh khủng. Chẳng bao giờ anh gọi tên tôi, hay xưng ngôi thứ nhất khi chuyện trò mà cứ nói trỏng không như thế. Mặc kệ anh chàng lập dị. Cứ coi anh ta như là củ khoai lang, khoai mì là xong.

Sáng sớm, Sơn bơi xuồng về điểm trường chính, xin ý kiến hiệu trưởng cho học sinh nghỉ nước. Nước lũ dâng nhanh ghê quá. Mới một đêm ngủ dậy đã thấy nước lé đé dưới chân giường, đến trưa đã lội tới đầu gối. Xế chiều, trời đổ mưa như trút nước trắng rừng, trắng đồng. Mưa chạ nước leo, tôi trùm mền ngồi thu lu nhìn ngọn đèn dầu leo lét trong gian nhà lá ngập chìm bóng tối. Gió rít, sấm rền, mưa đổ, nước cuộn. Tôi sợ đến không dám khóc, lòng rủa thầm anh chàng đồng nghiệp ác độc, vô tâm. Có tiếng khỏa nước, tiếng mái dầm khua. Ma? Kẻ gian? Tôi bưng cây đèn, thò chân xuống nước. Cửa bật mở. Tôi buông đèn đứng sững.

- Anh đây mà, đừng sợ.

Đúng là Sơn rồi. Tôi níu lấy tay anh ta mà khóc tức tưởi.

- Nín đi. Anh đã về rồi. Cho... cho anh xin lỗi.

- Trời ơi, anh ướt nhem, tay lạnh tanh đây nè.

Tiếng anh trôi tuột trên môi cả hai tự bao giờ!

Tôi lò mò bật đèn, rút bộ quần áo anh treo đầu giường đẩy anh vào… buồng tôi. Tôi giúp anh đổ dầu gió kim vô ót, vô lòng bàn tay, bàn chân cho bớt lạnh rồi quấn mền quanh người đến tận cổ.

- Bộ Nghĩa sợ… tôi chết lắm hả?

- Ừa. Tại tôi sợ ma. Mà anh chết sẽ thành ma, làm sao tôi dám ở đây dạy.

- Chỉ vậy thôi sao?

Tôi cảm nhận được sự buồn bã trong giọng nói của anh. Có thật chỉ vậy thôi sao Nghĩa? Tôi cúi đầu không dám nghĩ thêm.

- Phòng ra quyết định cho Nghĩa về dạy ở điểm chính rồi. Bắt đầu từ mai học trò được nghỉ nước. Nghĩa về nhà, chừng nào nước rút mới lên dạy lại.

- Thiệt hả?

Tôi định vỗ tay reo nhưng nhìn ánh mắt biết nói của anh, tôi ỉu xìu, líu ríu bưng đèn vào buồng, không dám nhìn anh ngồi gục đầu giữa bóng đêm mênh mông.

* * *

- Nghĩa ăn cơm rồi hả đi.

Thấy tôi ngần ngừ, anh nói thêm:

- Coi như bữa tiệc chia tay vậy mà.

Tôi buông túi xách, ngồi vào bàn. Cơm gạo đỏ huyết rồng, cá nướng trui dầm nước mắm, dưa chua bông điên điển. Trước sau như một, thủy chung như nhất. Và lạ chưa, sao bỗng dưng lòng tôi buồn bã, núm níu không muốn rời. Tôi không quá ngốc để không hiểu những cảm tình anh dành cho tôi. Đóa hoa sen trên bàn viết, ly mật ong tràm pha nước gừng khi tôi bị cảm ho, khúc cá giữa ắp trứng trong mỗi bữa cơm… Tôi tự thuyết phục mình, với cô giáo đồng nghiệp nào sống cùng nhà tập thể anh ấy cũng đều chăm sóc, cảm tình như thế. Biết vậy rồi mà sao mắt mũi tôi vẫn cứ cay cay. Tôi cắm cúi và cho hết chén cơm và hình như anh cũng không nuốt nổi miếng nào. Tôi nhìn mắt anh thâm quầng, lại khúc khắc ho mà bồn chồn trong dạ. Anh buông đũa, với lấy cây đàn treo trên vách, nắn phím so dây rồi cất tiếng hát:

“Tiếng guốc em khua vang hồn tôi… Mắt môi em ôi xao xuyến bồi hồi… Trái tim dại khờ ngại ngần một lời không dám ngỏ… người bước xa lìa bàng bạc khói mây trôi…

… Em quá vô tư nên hóa vô tình…

... Dõi mắt phương trời còn lại mảnh trăng suông…”

Lần đầu tôi nghe anh đàn hát. Tôi không kịp thuộc hết lời, nhưng bài hát của nhạc sĩ nào sáng tác mà sao tôi không biết, mà sao nghe muốn rụng tim thế này. Không có chút xíu tình yêu nào dành cho anh chàng đáng ghét đó đâu Minh Nghĩa. Chỉ tại lời bài hát hay quá, giọng anh ta truyền cảm quá, tiếng đàn réo rắt quá mà mi thì mít ướt dễ xúc động nên muốn khóc đó thôi.

Tôi thò tay ra khỏi be xuồng níu bẻ một nhánh bông điên điển, không dám nhìn anh uể oải buông tay dầm. Chiếc xuồng trôi giữa dòng nước đỏ, dưới tán tràm xanh ngắt điệp trùng.

- Nghĩa về dưới rồi chừng nào lên?

- Hổng biết.

- Ra điểm chính dạy rồi còn nhớ điểm phụ hôn?

- Hổng biết.

- Tôi … thương Nghĩa … yêu Nghĩa nhiều lắm Nghĩa có biết hôn?

- Hổng biết. - Tôi cứ trả lời theo quán tính.

- Bởi vậy tôi phải nói cho Nghĩa biết.

- Để làm gì? – Tôi bối rối cúi mặt không dám nhìn vào mắt anh.

- Để làm gì tôi cũng không biết nữa. Nhưng nếu tôi không nói với Nghĩa điều ấy hôm nay thì tôi sẽ không bao giờ dám nói, không có cơ hội để nói và suốt đời tôi sẽ không tha thứ cho tôi.

Anh buông dầm xuôi theo lòng xuồng khẽ cầm tay tôi. Chiếc xuồng xoay tròn. Nhánh bông điên điển rơi xuống cuốn theo dòng nước. Những bông hoa rực vàng dập dờn trên sóng đỏ phía xa xa.

Tàu dừng lại cho tôi xuống ở bến Cầu Sập nhà thờ. Sau cơn lũ, quan cảnh trông tiêu điều xơ xác quá. Vườn cây úa vàng rũ lá, nhà cửa vẹo xiêu hằn ngấn nước trên mé vách. Đường đá đỏ lỗ hang chi chít ngập rác rưởi. Những đứa trẻ ngơ ngác như mới ốm dậy, thơ thẩn trên mặt lộ còn chưa khô. Tôi chạnh lòng thương người dân nơi này. Chiếc xuồng, tấm lưới, lướt sóng biển đồng, một đời họ sống chung với lũ.

- Cô Nghĩa nghỉ ở nhà cả tháng mà sao ốm nhom vậy?

 Cô hiệu phó hỏi thật tình song tôi lại chột dạ đỏ mặt. Anh Hai tôi ở nhà cũng càm ràm: “Má cho nó ăn toàn đồ bổ, mà nó cứ ngày một ròm là có chuyện. Nó phải lòng thằng ngốc nào trên ấy rồi. Má hồng, mắt sáng long lanh, đẹp ra vậy không yêu thì là cái gì?”. Bữa đó tôi đã hối hả chạy vô phòng đứng trước gương săm soi. Hổng lẽ thiệt như vậy? Chắc anh Hai đoán mò thôi mà, chưa chi đã run. Giỏi tâm lý con gái như ảnh sao ba mươi tuổi rồi mà vẫn còn ế độ?

- Dạ… chắc tại em hay thức khuya coi phim.

Tiếng thầy hiệu trưởng vang vang trong buổi họp hội đồng. Sơn của tôi đâu rồi sao không thấy? Nỗi buồn theo máu chảy dọc khắp cơ thể, tôi cố căng tai lắng nghe.

- Buổi họp hôm nay đầy đủ cả, chỉ vắng có thầy Sơn. Thầy tình nguyện ở lại trường bảo vệ tài sản và giúp dân địa phương di dời. Hôm nước vừa rút, thầy đốn lá về tu sửa nhà tập thể. Chẳng may kèo mục gãy nên thầy bị té gãy chân. Cô Hồng chủ tịch Công đoàn sẽ phân công người thăm nuôi. Cô Tươi hiệu phó sắp xếp người dạy thay.

- Tội nghiệp thầy Sơn quá, cứ gặp toàn chuyện gì đâu không. Mùa nước năm rồi tưởng thầy chết lúc cứu mấy đứa nhỏ đi học về bị lật xuồng. Hôm cuối năm đưa học sinh đi thi ở huyện về tối thì bị rắn cắn. Người tốt cứ gặp nạn hoài. - Cô Ân, Tổ trưởng khối Năm cất tiếng.

- Cậu ấy tốt bụng lắm. Bữa hổm ra đây xin cho học trò nghỉ nước, ngay lúc tôi chở bé Thương đi cấp cứu. Cậu ở nhà đút sữa, giữ thằng nhỏ, nấu cơm dùm tới chạng vạng ông xã tôi về cẩu mới về trỏng.

Lòng tôi thầm kêu trời. Vậy mà hôm đó tôi cứ rủa anh ác độc, vô tâm.

- Chuồng heo nhà tôi cũng thầy ấy xây dùm lúc hè năm ngoái. Dòm vô đố ai biết tay ngang làm.

Cô Hồng chủ tịch công đoàn giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng.

- Thầy Sơn hiện không có người thân thích.

Không chỉ riêng tôi giật mình ngơ ngác, mà cả tập thể bắt đầu xì xào. “Vậy ha, tội nghiệp quá vậy!”. “Sao hổng nghe thầy ấy nói gì hết á”.

Tôi níu chặt mép bàn, cố giữ vẻ bình thản nghe cô Hồng tiếp lời:

- Thầy Sơn mồ côi mẹ. Ba thầy vượt biên sau năm 75 nên không còn ai thân thích. Một ông giáo làng không vợ con mở lớp học tình thương đem thầy về nuôi. Ông giáo đã mất cách đây mấy năm. Theo tôi biết thì thầy Sơn rất kính trọng và thương yêu ông giáo. Gần đây, ba thầy Sơn ở Mỹ về có tìm gặp thầy xin bảo lãnh thầy qua bển. Tôi không rõ thầy quyết định thế nào, nhưng thầy đã hết lòng hết sức vì nhà trường, vì tập thể, vì học sinh nên việc chăm sóc không thể qua loa được. Tôi với cô Tươi hiệu phó đã bàn với nhau thế này: Ai cũng bận bịu con cái, nơi ăn chốn ở chưa ổn định nên không thể ở bệnh viện để nuôi. Cô Lan mới mổ ruột thừa, đi lại nhiều không tiện. Thầy Quý vô điểm ấp 3 thay thầy Sơn. Cô Nghĩa sẽ trực tiếp ở bệnh viện để chăm sóc cho bệnh nhân.

Cả hội đồng giáo viên vỗ tay tán thưởng ý kiến của cô Hồng. Tôi cúi mặt không dám nhìn lên, vui buồn lẫn lộn.

Được danh chánh ngôn thuận chăm sóc cho anh thì còn gì bằng. Nhưng rồi một ngày tôi sẽ phải mất anh sao?

- Trời ơi, kỳ này thầy Sơn chết chắc rồi.

- Nói cái gì kỳ cục vậy Quý? - Cô Xuân lớn tuổi nhất trường quay sang rầy.

- Em nói kỳ này thầy Sơn sẽ chết… mê, chết… mệt vì người thăm nuôi. Cô nghĩ coi, lành cái giò mà trái tim tan nát thì sống sao nổi mà không chết chắc?

Cũng anh chàng láu táu đòi vô điểm phụ với tôi hôm đầu năm học chớ ai. Cả tập thể cười ồ, nhìn tôi cái nhìn ý nhị.

Tôi không dám ngẩng đầu lên, đỏ mặt ngượng ngùng. “Đừng lìa xa em. Đừng rời bỏ xứ lũ dễ thương này nghe anh”. Nhất định Sơn sẽ nghe được những lời thầm thì từ trái tim tôi./.

Nguyễn Thị Tuyết Mai

Chia sẻ bài viết