“Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động “Tết trồng cây” lần đầu tiên năm 1959, đến nay đã trở thành nét đẹp truyền thống, phong trào lan tỏa rộng khắp trong cả nước mỗi khi xuân về, tết đến.
Trước đây, khi nói về đất nước, chúng ta thường tự hào về “rừng vàng, biển bạc”, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Thế nhưng, đi qua 2 cuộc chiến tranh, nhất là khi đế quốc Mỹ sử dụng chất độc hóa học tàn phá rừng và sau này là sự khai phá của con người, diện tích rừng ngày càng giảm. Diện tích rừng, nhất là rừng đầu nguồn giảm mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và cuộc sống. Đó là tình trạng lũ lụt, lở đất, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiếu nước ngọt, thiếu hụt gỗ,... Những hậu quả, bài học về khai phá cạn kiệt tài nguyên rừng đã nhiều lần là chủ đề “làm nóng” nghị trường Quốc hội.
Long An từng có những cánh rừng tràm mênh mông ở vùng Đồng Tháp Mười, rừng cây đước, bần ở vùng hạ của tỉnh. Thế nhưng, để phục vụ dân sinh, những cánh rừng đã nhường chỗ cho cánh đồng lúa, đầm tôm. Vì vậy, dù cố gắng bảo vệ nhưng diện tích rừng cũng giảm mạnh…
Nhằm giữ gìn, bảo vệ môi trường, hàng năm, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đều có chủ trương trồng rừng phòng hộ, trồng cây phân tán. Chúng ta đã có những cung đường đẹp, hấp dẫn khách du lịch nhờ cây xanh như đường hàng cau ở huyện Tân Trụ, rừng tràm trong Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, khu rừng tràm nguyên sinh ở huyện Mộc Hóa; những con đường hoa do các đoàn thể trồng và chăm sóc ở huyện Châu Thành, Tân Trụ,... Thế nhưng, nhận thức về trồng cây gây rừng, bảo vệ và chăm sóc cây xanh vẫn còn hạn chế; công tác quy hoạch trồng rừng, trồng cây, số lượng cây còn khiêm tốn, tiến độ còn chậm. Trong khi đó, công tác bảo vệ môi trường sinh thái đòi hỏi phải thực hiện bài bản, là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành và tất cả mọi người.
Trong phạm vi cộng đồng, để trồng cây lấy gỗ phục vụ sinh hoạt và cải tạo cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, chúng ta cần quan tâm, xem trọng việc trồng cây gây rừng, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Thông qua các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chính quyền, đoàn thể cần vận động người dân trồng và chăm sóc cây xanh, hoa kiểng,... tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp từ thành thị tới nông thôn. Ngành chức năng cần cung cấp thông tin cho người dân nên trồng cây gì vừa có giá trị kinh tế, vừa tạo cảnh quan môi trường, phù hợp thời tiết, thổ nhưỡng để việc trồng cây mang lại hiệu quả. Mỗi gia đình nên tận dụng đất trống, đất hoang để trồng cây xanh hướng tới lợi ích trước mắt và lâu dài.
Đoàn Thanh niên cần đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc vận động không sử dụng túi nhựa, không xả rác bừa bãi, khơi thông cống rãnh,... cần lưu ý khuyến khích trồng, chăm sóc cây xanh tạo bóng mát, lấy gỗ, lấy quả. Lưu ý phủ xanh các khu đất công, đất trống bằng những cây trồng phù hợp để vừa bảo vệ mỹ quan, môi trường, vừa tiết kiệm tài nguyên đất.
Hàng năm, các cấp chính quyền cần hưởng ứng, phát động “Tết trồng cây” để tạo phong trào, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên. Trong điều kiện nắng nóng của thời tiết phía Nam, cần chọn thời điểm ra quân thích hợp, phân công người trồng và chăm sóc cụ thể để bảo vệ thành quả. Mỗi năm trồng một số cây, một đoạn đường, mỗi người trồng vài cây,... thì nhiều năm sau, chúng ta sẽ có những cung đường rợp bóng cây xanh tạo điểm nhấn cho cảnh quan môi trường. Cứ thế, phong trào ngày càng được nhân rộng, đất nước sẽ tràn ngập màu xanh mát./.
Tân An