Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 896 phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Sáng 25/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ban Chỉ đạo 896) đã họp tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân
Theo báo cáo, đến nay Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 và các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án theo đúng tiến độ đề ra, tổ chức có hiệu quả việc cấp số định danh cá nhân thông qua cấp căn cước công dân và đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh; tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành các nghị quyết về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Đến nay, 1.146 nhóm thủ tục, thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, trong đó sửa nội dung 685 mẫu đơn và tờ khai; cắt giảm thành phần hồ sơ của 284 thủ tục; bãi bỏ, hủy bỏ 27 thủ tục; đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 16 thủ tục và 9 giấy tờ công dân.
Bộ Công an đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân thông qua công tác cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng, Cần Thơ, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hải Dương và Ninh Bình).
Thông qua việc cấp thẻ căn cước công dân, Bộ Công an đã cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân cho công dân.
Thành viên ban chỉ đạo đề án phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Từ ngày 1/1/2016, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh thông qua công tác đăng ký khai sinh tại 19 tỉnh, thành phố, đến nay đã cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thí điểm thu thập thông tin dân cư tại thành phố Hòa Bình (Hòa Bình), Phủ Lý (Hà Nam); thí điểm triển khai phần mềm quản lý cư trú tại một số đơn vị thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế. Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất, tháo gỡ về nguồn vốn cho dự án.
Tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm
Khó khăn lớn nhất hiện nay được Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đề cập vẫn là vướng mắc về nguồn vốn nên tiến độ triển khai xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Do đó, việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vẫn chưa được thực hiện theo lộ trình đề ra, dẫn đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành gặp nhiều khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, thời gian để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ còn gần 2 năm là rất ít trong khi khối lượng công việc còn lại rất nhiều.
Thành viên ban chỉ đạo đề án phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Làm sao kết nối, chia sẻ, khai thác và tránh chồng chéo, giảm thiểu kinh phí đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đặt vấn đề và cho rằng cần có sự quán triệt chung, từng bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu riêng mà không kết nối, chia sẻ thì lãng phí, không hiệu quả; cần đầu tư một cách mạnh mẽ, bài bản, có lộ trình rõ ràng trong vòng 2 năm tới để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, những quy định tiến bộ về giấy tờ dân cư của người dân sẽ không được thực hiện nếu như không có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ông kiến nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát lại các thông tin cá nhân của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có sự thống nhất với các giấy tờ hộ tịch.
Cho rằng tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chậm so với mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, đây là hạ tầng quan trọng nhất trong vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến cải cách hành chính. Nếu tiếp tục chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ những nỗ lực của công tác cải cách thủ tục hành chính
Chia sẻ ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, nếu 2 năm tới không quyết liệt, không có kế hoạch cụ thể, vẫn tiếp tục vướng mắc, tranh cãi về vấn đề kinh phí thế nào, thực hiện ra sao, thì toàn bộ những nỗ lực liên quan đến cải cách hành chính chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.
“Chúng ta nói rất nhiều đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, xây dựng thành phố thông minh… nhưng cái quan trọng, mà nền tảng là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đang rất chậm,” ông Nguyễn Thành Hưng nói.
Ông đề nghị thời gian tới, Chính phủ, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Đề án 896 cần có chương trình cụ thể hơn nữa, chỉ đạo giải quyết một cách quyết liệt nội dung này. Trong quá trình tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng kết nối.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm, chưa giải quyết dứt điểm vấn đề vốn đầu tư.
Để đảm bảo kế hoạch của Ban Chỉ đạo năm 2018, ông Nguyễn Xuân Thành đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Các bộ, ngành đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát lại, tránh sự chồng chéo, lãng phí.
Năm 2019, cả 63 tỉnh, thành phố đều được cấp số định danh cá nhân
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 896 phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, mục tiêu của Đề án là làm tốt hơn nữa công tác điều hành quản lý Nhà nước về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cho rằng toàn bộ thành công của Đề án đến thời điểm này gắn với tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa của Chính phủ, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phụ thuộc vào thời điểm ban hành và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của Bộ Công an và các bộ, ngành.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện thủ tục bổ sung dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, cần phối hợp với Bộ Công an rà soát lại để tránh chồng chéo, lãng phí, trong khi ngân sách Nhà nước đang hạn hẹp.
Các địa phương phối hợp Bộ Công an thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-TTg và hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo 896 để triển khai đồng bộ việc cấp số định danh cá nhân cho công dân theo kế hoạch.
Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở các bộ, ngành chưa ban hành Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư cần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Các bộ, ngành đã được Chính phủ thông qua Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện. Đơn giản hóa thủ tục hành chính phải thực chất, không được hình thức.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan rút ra những kinh nghiệm trong công tác triển khai, thu thập thông tin dân cư, tiếp tục mở rộng việc cấp số định danh cá nhân tại các địa phương, bảo đảm đến năm 2019 cả 63 tỉnh, thành phố đều được cấp số định danh cá nhân./.
Theo TTXVN