Tiếng Việt | English

03/01/2025 - 17:50

Năm 2024: Tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 7,31%  

Chiều 03/01, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Lê Thành Long chủ trì hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL (lần thứ 5) để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2024 và đề ra kế hoạch hoạt động năm 2025.

Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương Vùng ĐBSCL. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm chủ trì tại điểm cầu của tỉnh.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chủ trì tại điểm cầu Long An

Năm 2024, tình hình phát triển KT-XH của Vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vùng đã khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước.

Cùng với đó, nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng, các tuyến đường trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của vùng đạt 7,31%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (cả nước khoảng 7%), đứng thứ 3/6 các vùng kinh tế. Tổng giá trị tăng thêm năm 2024 của cả 3 khu vực là 7,46%. Trong đó, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 3,85%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 11,18%, khu vực III (dịch vụ) tăng 7,63%.

Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành vùng ĐBSCL đạt 1.409,28 ngàn tỉ đồng, tăng 11,9% so với năm 2023 và chiếm 12,2% cả nước. Thu nhập bình quân đầu người toàn vùng đạt 80,7 triệu đồng/năm, đứng thứ 5/6 vùng trên cả nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng năm 2024 tăng khá và cao hơn bình quân cả nước (9%); trong đó, có 12/13 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước (một số địa phương tăng khá so cùng kỳ như: Kiên Giang tăng 24%, Sóc Trăng tăng 18%, Long An tăng 17%, Cà Mau tăng 17%, An Giang tăng 15%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn vùng năm 2024 ước đạt 116.707 tỉ đồng, tăng 5,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thu nội địa đạt 109.342 tỉ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 7.366 tỉ đồng.

Về xuất, nhập khẩu, lũy kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu cả vùng đạt 25,7 tỉ USD, tăng khoảng 16% so cùng kỳ; nhập khẩu cả vùng đạt 12,5 tỉ USD, tăng khoảng 17% so cùng kỳ.

Môi trường kinh doanh được cải thiện, toàn vùng có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất. Trong đó, Long An là địa phương bứt phá mạnh mẽ, đứng thứ 2 về PCI năm 2023 (sau tỉnh Quảng Ninh).

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã thảo luận về tình hình phát triển KT-XH, tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng ĐBSCL năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn vùng. Đồng thời, nêu các đề xuất, kiến nghị về phương hướng, giải pháp trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể cần giao cho các bộ, ngành và địa phương Vùng ĐBSCL để tổ chức liên kết phát triển vùng với hiệu quả cao nhất.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm phát biểu tại hội nghị

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh nguồn kinh phí để đầu tư các hạng mục ưu tiên, cấp bách phòng hạn, xâm nhập mặn như các cống phục vụ điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng kẹp giữa 2 sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây; xây dựng 4 hồ dự trữ nước ngọt tại các huyện: Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường; xây dựng hệ thống kiểm soát mặn trên sông Vàm Cỏ;…

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Vùng ĐBSCL - Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hội đồng Điều phối và các địa phương Vùng ĐBSCL đạt được thời gian qua, nhất là chủ động trong việc phát triển liên kết vùng, thực hiện các công trình trọng điểm.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế của vùng chưa bền vững; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế; biến đổi khí hậu còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân; tiến độ giải ngân đầu tư công đối với một số dự án còn chậm;...

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Hội đồng Điều phối vùng và các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đề án còn chưa hoàn thành; thúc đẩy vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ các phương hướng, giải pháp, quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu, đề ra các giải pháp liên kết vùng gắn với đảm bảo an ninh nguồn nước; liên kết vùng trong phát triển thương mại;... Đặc biệt, tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng góp phần hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số của cả nước trong thời gian tới./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết