Tiếng Việt | English

27/10/2024 - 09:17

Đề nghị xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù Vùng Đồng bằng sông Cửu Long  

Sáng 26/10, tham gia phát biểu tại Tổ thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội nước ta có xu hướng phát triển tích cực, đạt nhiều kết quả trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; xuất, nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam; kết cấu hạ tầng giao thông có bước đột phá mới, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa vào khai thác.

Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đại biểu Quân cho rằng, tình hình KT-XH nước ta vẫn còn một số hạn chế. Để góp phần thúc đẩy nền KT-XH phát triển một cách đồng bộ, phát huy hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Quân kiến nghị các nội dung như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu: “Xây dựng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới”.

Để đạt mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định là: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tề tuần hoàn; tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với xây dựng nông thôn mới và tăng cường liên kết đô thị - nông thôn.

Từ định hướng, mục tiêu đó, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nhiều nhiệm vụ cụ thể: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu; tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư hạ tầng kết nối vùng; phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa tại các tiểu vùng để phối hợp và khai thác có hiệu quả các nguồn lực.

Do đó, đại biểu đề nghị các Bộ, ngành tập trung triển khai các giải pháp theo nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đẩy nhanh công tác tham mưu và kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội có Nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đại biểu, hiện nay, các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang rất cần những cơ chế và chính sách đặc thù để đáp ứng các nhu cầu và thách thức riêng của vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế bền vững, cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây. Việc này không chỉ giúp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát huy tiềm năng kinh tế, mà còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của cả nước.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt nhu cầu hỗ trợ tài chính cho danh mục các dự án, công trình chủ động ứng phó với thiếu nước sinh hoạt và sạt lở bờ sông do biến đổi khí hậu mà ngành Nông nghiệp đề xuất cho giai đoạn 2026-2030 (trong đó có các công trình kè sông chống sạt lở và hồ chứa nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho người dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An) và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, 91B) kết nối vùng, thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sớm hoàn chỉnh và đẩy nhanh các thủ tục pháp lý liên quan để sớm đầu tư nâng cấp Quốc lộ 62, nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an  ninh - quốc phòng tỉnh Long An và các tỉnh trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 11 ngày 26/10 (gồm đại biểu các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Sơn La, Tây Ninh và TP.Đà Nẵng)

Thứ hai, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cũng quy định rất rõ về phát triển kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất thông qua phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; Luật Hợp tác xã năm 2023 cũng đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành trong năm 2024 tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển hợp tác xã.

Đại biểu Quân đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; đồng thời, cần sớm có định hướng về công tác quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao gắn với thế mạnh từng khu vực, từng địa phương. Bên cạnh đó, cần sớm tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, cơ chế để người nông dân tiếp cận với các chính sách mới về sản xuất nông nghiệp gắn với giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ cacbon; chính sách bình ổn giá thị trường trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp,…

Thứ ba, mục tiêu của việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia là nhằm tập trung mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển diện mạo mới cho nông thôn, nâng cao đời sống và thu nhập người dân. Tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai này còn chưa có độ bao phủ toàn diện, nhất là những vùng, địa phương có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia mà không có thuộc chương trình dân tộc thiểu số và miền núi. Những địa phương này hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư về kết cấu hạ tầng còn thấp, đời sống, thu nhập của người dân thiếu ổn định và chưa được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Do đó, đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm tham mưu triển khai các chính sách và dành nguồn lực tương ứng để đầu tư phát triển cho khu vực này, nhất là khu vực, địa phương đang tập trung triển khai chương trình phát triển khu dân cư gắn với phát triển kinh tế vùng biên, giúp người dân có điều kiện tiếp tục bám trụ, an tâm sinh sống ở khu vực này, đảm bảo và giữ vững an ninh, trật tự vùng biên giới trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân./.

ND

Chia sẻ bài viết