Tiếng Việt | English

22/12/2022 - 10:32

Nâng chất lượng đào tạo nghề phi nông nghiệp

Đổi mới phương thức đào tạo; đào tạo theo nhu cầu của thị trường; giúp người học có việc làm sau khi tốt nghiệp;... là những cách làm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo.

Hiện tỉnh có 40 nghề phi nông nghiệp đào tạo cho LĐNT: Điện công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật điện nông thôn, vận hành sửa chữa thiết bị lạnh, hàn, tiện kim loại,... Thời gian đào tạo từ 1-3 tháng (tùy nghề), khi hoàn thành khóa học, học viên được cấp chứng chỉ đào tạo. Hiệu quả các lớp đào tạo nghề cho LĐNT, với các ngành, nghề phi nông nghiệp đem lại chính là trên 85% học viên có việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, nhất là cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cho các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng về các ngành, nghề kỹ thuật.

Thầy Đỗ Minh Hải (giáo viên Trường Cao đẳng Long An) cho biết: “Tôi dạy nghề sửa chữa thiết bị may cho LĐNT. Thời gian qua, nhu cầu học nghề này ở nông thôn rất nhiều, sau khi học nghề, học viên có thể tự tạo việc làm hoặc xin vào các công ty, doanh nghiệp để làm công nhân bảo trì, sửa chữa thiết bị may. Thời gian học 3 tháng, nội dung học gồm sửa chữa và hiệu chỉnh máy 1 kim, 2 kim, máy vắt sổ,...”.

Lớp dạy nghề sửa chữa thiết bị may (Ảnh: Trường Cao đẳng Long An)

Những năm qua, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh phát triển nghề may gia công thông qua Hợp tác xã (HTX) Tường Xuyên. Hiện HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 LĐNT, bình quân thu nhập 120.000 đồng/ngày/người. Tuy nhiên, HTX chưa tìm được thợ bảo trì, sửa chữa thiết bị may mà chủ yếu thuê dịch vụ với chi phí khá cao. Do đó, xã phối hợp các ngành liên quan, mở lớp nghề sửa chữa thiết bị may, có 30 học viên tham gia.

Anh Dương Hoàng Giang (xã Tân Hòa) chia sẻ: “HTX tạo điều kiện cho tôi vừa làm, vừa học nghề sửa chữa thiết bị may. Nội dung được giáo viên giảng dạy rất thực tế, chỗ nào học viên chưa hiểu, giáo viên hướng dẫn lại ngay. Dự kiến, sau khi hoàn thành khóa học, HTX tạo điều kiện cho tôi chuyển qua bảo trì thiết bị may và được hưởng lương hàng tháng”.

Đào tạo nghề cho LĐNT góp phần giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đào tạo nghề cho LĐNT; đồng thời, đưa việc đào tạo nghề cho LĐNT vào tiêu chí bắt buộc trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 chọn Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh là 1 trong 3 chương trình đột phá. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu LĐ qua đào tạo đạt 75%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.

Với mục tiêu cụ thể được đề ra, các cấp, các ngành tập trung nguồn lực và đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có việc đổi mới phương thức đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT và chú trọng đến các ngành kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: Phương châm của đào tạo nghề cho LĐNT là chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bám sát tình hình thực tế ở địa phương, học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm hoặc tự tạo việc làm đạt trên 85%, nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 32%. Thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chương trình dạy nghề cho LĐNT, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, định hướng các địa phương tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT gắn với phát triển KT-XH của địa phương và nhu cầu của thị trường LĐ.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp qua việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng; thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp để người học lựa chọn các ngành, nghề phù hợp, hiệu quả. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp đối với công tác đào tạo nghề; đồng thời, gắn kết việc đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp, thị trường LĐ nhằm đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất LĐ. Chú trọng nâng cao năng lực đào tạo nghề cho LĐNT của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường LĐ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối doanh nghiệp với người LĐ;.../.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết