Tiếng Việt | English

15/10/2020 - 08:20

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2020)

Nâng tầm công tác dân vận trong tình hình mới

Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận (DV) luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được trao bằng khen cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Dân vận khéo giai đoạn 2016-2020

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được trao bằng khen cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Dân vận khéo giai đoạn 2016-2020

Từ ngày 06/01 đến 07/02/1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản. Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị (Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ cách mạng và định hướng cho công tác vận động quần chúng nhằm vào mục tiêu chung của dân tộc.

Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 đến 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động".

Trước yêu cầu đó, từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự Thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác DV, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác DV đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Dân vận, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác DV của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hàng năm là “Ngày DV của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác DV.

Cùng với ngành DV cả nước, đội ngũ các thế hệ cán bộ ngành DV của tỉnh đã có những cống hiến xuất sắc, góp phần vào thành tích chung của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Công tác vận động quần chúng được cả hệ thống chính trị quan tâm thực hiện, từng bước có sự đổi mới về nội dung và hình thức, hướng mạnh về cơ sở, đã khơi dậy tiềm năng trong dân, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những năm qua, Ban DV Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về công tác, nổi bật là tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy chế công tác DV của cả hệ thống chính trị trong tỉnh; chỉ đạo tổ chức hoạt động Về nguồn để xây dựng những công trình, hoạt động thiết thực phục vụ tốt đời sống của nhân dân; duy trì tổ chức tốt công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp với nhân dân hàng năm.

Bên cạnh đó, Ban DV Tỉnh ủy còn phối hợp phát động thực hiện Phong trào thi đua DV khéo trên tất cả lĩnh vực, nhất là vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, các chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; đề xuất các giải pháp nâng chất lượng tổ chức và hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội,... Tất cả đã góp phần rất lớn trong việc phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

Đặc biệt, thực hiện Năm DV chính quyền, các cấp ủy Đảng, chính quyền còn quan tâm vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đoàn kết, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xây dựng văn hóa nơi công sở. Phong trào thi đua xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện được tổ chức và phát động rộng khắp. Thông qua các mô hình: 3 không (không trễ hẹn, không bổ sung nhiều lần, không sai sót); Mỗi ngày một việc có ích cho dân; Nụ cười cơ quan; Chào, hỏi, dẫn, giúp; Hết việc không hết giờ;... các cơ quan Nhà nước phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang trong 90 năm qua, đội ngũ những người làm công tác DV của tỉnh tiếp tục đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “DV khéo thì việc gì cũng thành công”./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết