Tiếng Việt | English

01/11/2022 - 09:16

Ngành Nông nghiệp tỉnh Long An phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2022 trên 1%

Ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đạt tốc độ tăng trưởng khu vực I (nông, lâm, thủy sản) trên 1% vào cuối năm 2022 theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Thế nhưng, theo dự báo, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành trong thời gian tới.

Sản xuất gặp nhiều khó khăn

Trong 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng khu vực I tăng 0,73%, kế hoạch năm 2022 là 2,0-2,5% (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,22%). Lĩnh vực nông nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ chủ yếu là do sản lượng lúa và thanh long giảm (sản lượng lúa 9 tháng năm 2022 đạt 2.572.244 tấn, giảm 76.868 tấn so cùng kỳ năm 2021; sản lượng thanh long đạt 188.783 tấn, giảm 54.545 tấn so cùng kỳ năm 2021).

Sản lượng lúa 9 tháng năm 2022 đạt 2.572.244 tấn, giảm 76.868 tấn so cùng kỳ năm 2021

Theo lý giải của ngành Nông nghiệp tỉnh, do tình hình sản xuất không thuận lợi, nhiều nơi xảy ra mưa giông lớn, trái mùa gây ngã đổ lúa ở giai đoạn trổ, thu hoạch, làm giảm năng suất, sản lượng lúa. Đồng thời, giá cả vật tư đầu vào, giá xăng, dầu tăng cao, chi phí sản xuất tăng nên lợi nhuận của nông dân thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của chính sách Zero Covid của Trung Quốc nên giá cả nông sản đầu ra không ổn định, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân cũng như quá trình tái đầu tư cho vụ tiếp theo, nhất là trên cây thanh long.

Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 10.068ha, bằng 86,8% so cùng kỳ, giảm 1.585ha so với cuối năm 2021. Diện tích thanh long cho trái khoảng 9.819ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, tính đến tháng 9/2022, diện tích thanh long của huyện còn 7.445,63ha. Trong đó, vườn sạch bệnh và nhiễm bệnh nhẹ còn chăm sóc và duy trì là 5.883,56ha; vườn nhiễm bệnh nặng, già cỗi không có khả năng phục hồi sản xuất nhưng chưa chặt phá là 1.320,72ha. Trong đó, diện tích cho trái 5.642,21ha, diện tích trồng mới 241,35ha, sản lượng thanh long 9 tháng năm 2022 đạt khoảng 150.000 tấn, giảm 185.000 tấn so cùng kỳ năm 2021.

Hướng dẫn, khuyến khích nông dân sản xuất rải vụ thanh long và tăng cường thiết lập mã số vùng trồng đáp ứng thị trường xuất khẩu

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Phạm Văn Thật cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, việc tiêu thụ thanh long gặp rất nhiều khó khăn, giá bán thấp, nông dân không có lãi. Bên cạnh đó, nhiều nông dân không có kinh phí chăm sóc, duy trì nên đã phá bỏ thanh long, làm cho diện tích thanh long của huyện giảm mạnh so với năm 2021”.

Tại huyện Đức Huệ, từ đầu năm 2022 đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất, tình hình dịch hại không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nông dân trên địa bàn huyện vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là đối với sản xuất lúa do giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Huệ - Phạm Văn Luốc thông tin: “Giá vật tư vẫn ở mức cao trong khi giá lúa, nếp tại ruộng lại khá thấp, nông dân có lãi không cao. Đơn cử như vụ Đông Xuân 2021-2022, mặc dù là vụ chính trong năm thế nhưng lợi nhuận bình quân của nông dân chỉ ở mức từ 10-15 triệu đồng/ha. Từ đó, dẫn đến rất nhiều hộ lựa chọn không sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông để tránh bị lỗ. Song song đó, trong khi tỉnh khuyến cáo nông dân hạn chế sản xuất giống nếp IR 4625 nhưng thực tế suốt năm 2022, so với các giống lúa khác thì giống IR 4625 luôn đạt năng suất cao hơn, giá bán cũng cao hơn, có thời điểm cao hơn đến 1.500 đồng/kg. Vì vậy, ngành Nông nghiệp huyện rất khó tuyên truyền, vận động người dân giảm diện tích sản xuất giống nếp này”.

Còn tại huyện Tân Hưng, trong năm 2022, toàn huyện gieo sạ được 83.367ha lúa. Trong đó, đã thu hoạch hơn 82.517ha, năng suất bình quân 5,77 tấn/ha, sản lượng đạt 476.487tấn. Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, giá cả nông sản tại huyện không ổn định, giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Một số hộ nông dân không gieo sạ theo lịch thời vụ khuyến cáo của tỉnh, huyện, dẫn đến công tác quản lý dịch hại gặp nhiều khó khăn.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Thời gian tới, huyện tập trung thích ứng với diễn biến thời tiết bất lợi để ứng dụng thâm canh sản xuất, phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện nhằm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả và chất lượng nông sản hàng hóa”.

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp tỉnh, thời gian tới, tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa kết nối lại hoàn toàn, thời tiết vẫn diễn biến thất thường và tình hình tiêu thụ nông sản vẫn chưa ổn định.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền, để khu vực I tăng trưởng ít nhất 1% trong năm 2022 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành phối hợp chặt chẽ các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất, phấn đấu sản lượng lúa cả năm đạt 2.870.000 tấn, thanh long đạt 251.000 tấn, chanh đạt 190.000 tấn. Đồng thời, duy trì tổng đàn heo trên 110.000 con, đàn bò trên 127.000 con, đàn gia cầm các loại trên 9 triệu con. Ngoài ra, ngành cũng đặt mục tiêu tổng sản lượng nuôi thủy sản các loại đạt trên 72.000 tấn, cao hơn 7.000 tấn so với kế hoạch từ đầu năm.

Nỗ lực duy trì đàn gia cầm toàn tỉnh trên 9 triệu con

Cụ thể, ngành tăng cường công tác dự báo, phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ các địa phương, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để cảnh báo kịp thời và hướng dẫn nông dân phòng, chống sinh vật gây hại trên các loại cây trồng, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu sản xuất UBND tỉnh giao. Trong đó, tập trung chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ diện tích lúa Thu Đông còn lại chưa thu hoạch xong, bảo đảm sản xuất thắng lợi.

Đối với cây thanh long, ngành tiếp tục củng cố các hợp tác xã để làm đầu mối liên kết sản xuất với tiêu thụ; hướng dẫn, bố trí rải vụ thu hoạch thanh long về quy mô diện tích, sản lượng,... Tập trung xây dựng, thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, bảo vệ tốt năng suất, sản lượng cây trồng khác, phấn đấu sản lượng rau màu các loại đạt 237.000 tấn, tăng 29.000 tấn so cùng kỳ; chanh đạt 190.000 tấn, tăng 19.000 tấn so cùng kỳ; mít đạt 27.000 tấn, tăng 7.000 tấn so cùng kỳ; khóm đạt 25.000 tấn, tăng 6.600 tấn so cùng kỳ;... nhằm bù lại sản lượng lúa, thanh long bị sụt giảm.

Tiếp tục theo dõi tình hình nuôi thủy sản, phấn đấu năm 2022 đạt sản lượng trên 72.000 tấn

“Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngành phối hợp các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người chăn nuôi đẩy mạnh công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, góp phần hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Khuyến khích áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời, đẩy mạnh tái đàn vật nuôi của tỉnh. Đối với nuôi thủy sản, ngành tiếp tục theo dõi và hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, tăng cường theo dõi tình hình nuôi tôm thẻ ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và tình hình nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất cá tra thương phẩm. Ngoài ra, ngành đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, phấn đấu năm 2022 toàn tỉnh có thêm 44 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết.

Triển khai, thực hiện nhiều giải pháp cùng sự quyết tâm, hy vọng ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ lấp đầy những khoảng còn thiếu hụt về giá trị sản xuất nông nghiệp để có thể hoàn thành chỉ tiêu năm 2022 và nhiệm kỳ đã đề ra./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích