Tiếng Việt | English

29/01/2020 - 19:45

Nghệ nhân Phùng Quang Oánh - Một đời tâm huyết với tạo hình rối nước

Múa rối nước là môn nghệ thuật dân gian quen thuộc với Đồng bằng Bắc bộ nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến tại các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, tại TP.HCM, có nghệ nhân tạo hình rối nước quyết lòng mang rối đất Bắc vào phương Nam, vượt qua bao khó khăn để "trụ" lại đến ngày hôm nay - đó là nghệ nhân Phùng Quang Oánh.

Dù trải qua bao nhiêu khó khăn, nghệ nhân Phùng Quang Oánh vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, quảng bá nghệ thuật rối nước đến mọi người

Mang rối đất Bắc vào Nam

Sinh ra và lớn lên tại Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội), trong ký ức của nghệ nhân Phùng Quang Oánh, tuổi thơ ông gắn liền với những ngày được cùng bạn bè háo hức theo các phường rối về biểu diễn tại vùng quê vào những lúc nông nhàn. “Sân khấu” lúc bấy giờ chỉ đơn giản là ao, hồ với những con rối đủ sắc màu vui nhộn như chú tễu, ông chăn vịt, bà xúc tép,… - những nhân vật vô cùng gần gũi với cuộc sống miền quê. Đơn giản vậy thôi nhưng cậu bé Oánh lại ấp ủ ước mơ có một ngày mình tự tay làm ra được thật nhiều rối gỗ độc đáo như thế. 

Trong thời gian còn theo học ngành Điêu khắc, Trường Cao đẳng Nhạc họa Hà Nội, ông cùng những người bạn có cùng niềm đam mê tìm đến tận những vùng chuyên làm con rối tại miền Bắc như Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội) hay Nam Định, Hải Dương để học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật chế tác. Thấy rối nước có nguy cơ bị mai một, hầu hết nghệ nhân tạo hình đều cao tuổi, rất ít người trẻ quan tâm nên ông quyết tâm theo đuổi. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về quê nhà mở xưởng tạo hình rối nước. Ông chia sẻ, gỗ làm rối phải là gỗ sung vì vừa nhẹ, vừa chắc lại không thấm nước, không bị nứt. Rối nước phải được sơn đến 11 lớp nên thời gian thực hiện rất lâu, khoảng 20 ngày mới xong 1 sản phẩm. Các bộ phận của con rối sau khi hoàn thành sẽ được ráp lại với nhau, điều này cũng rất cần có sự tính toán tỉ mỉ của người thợ để chúng chuyển động nhịp nhàng, linh hoạt khi xuống nước. 

Để thực hiện một con rối thông thường, những người thợ thực hiện theo mẫu có sẵn cũng có thể làm được. Tuy nhiên, các con rối cũng như diễn viên trên sân khấu, cần phải có hồn, sinh động thì mới thu hút người xem chứ không thể “trăm mặt như một”. Rất hiếm người có thể vừa chế tạo, vừa sáng tác nhân vật như ông. Chính vì các sản phẩm vô cùng tinh tế, có bản sắc riêng của ông mà nhiều trung tâm biểu diễn đặt hàng, sử dụng và đánh giá rất cao. 

Đến năm 2007, nhận thấy loại hình múa rối bắt đầu được chú ý nhiều hơn tại miền Nam, nhiều trung tâm nghệ thuật tổ chức các suất diễn nhưng con rối phải được vận chuyển từ miền Bắc, giá thành cao, ông quyết định “Nam tiến” để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. 

Trải qua nhiều khó khăn của những ngày đầu, có thể nói, đến nay, ông là người duy nhất sản xuất rối nước để cung cấp cho các trung tâm biểu diễn không chỉ riêng tại TP.HCM mà cả miền Nam. 

Các sản phẩm rối nước của nghệ nhân Phùng Quang Oánh vô cùng tinh tế, có bản sắc riêng nên được nhiều trung tâm biểu diễn đặt hàng, sử dụng và đánh giá cao

Vượt khó giữ nghề

Được biết, vào miền Nam “lập nghiệp” lần thứ 2 là quyết định vô cùng mạo hiểm của ông. Lúc bấy giờ, dù bộ môn này có phát triển, được nhiều người biết đến nhưng tại miền Nam cũng không phổ biến như các tỉnh phía Bắc - “cái nôi” của trò rối nước. Theo ông, một con rối sản xuất ra có “tuổi thọ” rất lâu, có thể phục vụ tận 200 suất diễn. Nếu như ở miền Bắc, chúng biểu diễn liên tục thì tầm 5-6 tháng sẽ thay rối mới, còn diễn “lưa thưa” như tại TP.HCM thì đến 1-2 năm mới “nghỉ hưu”. Do đó, nếu cho rằng để kiếm tiền, làm kinh tế từ nghề này thì rất khó. Có lúc nản lòng, ông định “buông” nhưng cứ trăn trở mãi, không bỏ được vì múa rối từ cái “duyên” giờ đã thành cái “nợ”. 

Để có thể tiếp tục sống được với nghề, ông phải làm thêm các sản phẩm điêu khắc khác, nhận trùng tu các công trình cổ như đền thờ, chùa,… Ngoài ra, ông còn nghĩ cách làm thêm các con rối mô hình với kích thước nhỏ để bán cho khách du lịch. Những con rối này, ông gọi vui là rối “chết” vì với ông, con rối chỉ thực sự “sống” khi nó được biểu diễn, được phục vụ đúng mục đích khi ra đời. Tuy nhiên, những con rối “chết” cũng có một sứ mệnh đặc biệt, nó vừa giúp ông và gia đình có thêm thu nhập, vừa có thể quảng bá bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, nhất là khách nước ngoài. 

Ngoài ra, để giữ và phát triển nghề, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, sáng tạo và có sự hiểu biết về các sự kiện lịch sử và văn hóa vùng, miền. Với con rối biểu diễn trong các trò có bối cảnh miền Nam, hình tượng người phụ nữ nông thôn mặc yếm hay chú tễu đóng khố của miền Bắc được ông thay thế bằng hình ảnh người nông dân mặc áo bà ba, quấn khăn rằn,… Bên cạnh các trò rối truyền thống, ông lại lồng ghép đưa các lễ hội Nam bộ như đua bò An Giang, chợ nổi hay thậm chí là lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên,… để phục vụ khán giả.

Hiện nay, ông rất mong muốn được truyền nghề cho thế hệ trẻ để rối nước không bị mai một. Trong số những người con của ông có người con trai lớn sinh năm 1991 được công nhận là nghệ nhân từ năm 2017 (ông Phùng Quang Oánh được công nhận nghệ nhân năm 2003). Đây chính là niềm tự hào của ông. Tuy nhiên, điều ông trăn trở là số người muốn theo học nghề làm rối nước lại vô cùng hiếm vì nếu không nỗ lực, không có niềm đam mê thì cũng rất khó có thể tồn tại.

Ông chia sẻ: “Đúng là để sống được với nghề thật sự rất khó. Tôi cũng trải qua “năm lần bảy lượt” vất vả mới trụ được đến ngày hôm nay, tất cả đều nhờ vào niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề. Tôi chỉ mong nghề làm rối nước tiếp tục được quan tâm, duy trì, các con rối vẫn đều đặn được biểu diễn trên sân khấu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, mang những thông điệp về truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc đến người dân cả nước nói riêng và lan tỏa đến các nước trên thế giới!”.

Trải qua bao nhiêu khó khăn nhưng người nghệ nhân tâm huyết này vẫn một lòng gắn bó với nghề. Bởi với ông, theo nghề, giữ nghề không phải để làm giàu, mà mỗi con rối do chính tay ông làm ra, được phục vụ khán giả chính là niềm vui, động lực nuôi dưỡng đam mê. Dù gian nan đến mấy, vất vả thế nào thì ông vẫn nỗ lực duy trì cái “nghề” và cũng là cái “nghiệp”, góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc cho mai sau./.

Thu Ngân

Chia sẻ bài viết