Ông Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 04/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về bảy luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục năm 2019; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14; Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì cuộc họp báo.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019.
Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bổ sung quy định cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ tập trung về sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát biên giới…
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 gồm 17 chương, 152 điều.
Luật sửa đổi phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế.
Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Luật cũng quy định các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế và hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá.
Luật Đầu tư công năm 2019 đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công như phân cấp điều chỉnh dự án, phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.
Luật cũng góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát lãng phí.
Luật Kiến trúc gồm năm Chương, 41 Điều đã bao quát hai nội dung chính sách cơ bản là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
Nội dung Quản lý kiến trúc bao gồm các điều về yêu cầu về kiến trúc đối với khu vực đô thị; nông thôn; quản lý thiết kế kiến trúc; quản lý đối với các công trình kiến trúc có giá trị; quy chế quản lý kiến trúc, Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; quản lý lưu trữ tài liệu. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Luật Giáo dục năm 2019 gồm chín chương, 115 điều thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ giới thiệu Luật Giáo dục. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Luật Giáo dục năm 2019 đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm…
Với 7 Chương, 36 Điều, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường giới thiệu về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 gồm 16 Chương, 207 Điều, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thực hiện các chế độ của phạm nhân theo hướng cụ thể, nhân đạo, bảo đảm tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án.
Luật cũng đã bổ sung Điều 35 quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù, Điều 45 quy định về tái hòa nhập cộng đồng./.
Theo TTXVN