Ngoại giao Việt nam đã góp phần quan trọng vào những thành công trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Riêng tại Pháp – một trong những địa bàn quan trọng, nơi ngoại giao Việt Nam đã làm nên những thành tích lẫy lừng như đàm phán thành công Hiệp định Geneve 1954 và Hiệp định Paris 1973, đến nay, chính sách ngoại giao toàn diện tiếp tục được phát huy hiệu quả.
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao, PV thường trú Đài TNVN tại Pháp phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn.
PV: Đại sứ có thể đánh giá khái quát thành tựu của ngành Ngoại giao Việt Nam trong 70 năm vừa qua ?
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Trong 70 năm vừa qua, đồng hành cùng cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, ngoại giao Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, chỉ một năm sau khi thành lập, ngoại giao Việt Nam đã có hai đóng góp quan trọng trong việc chúng ta ký Hiệp định sơ bộ tháng 6/3/1946 và ký Tạm ước với Pháp ngày 4/9/1946, đã tạo ra thời gian hòa bình cần thiết để xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, sau đó đưa nước ta bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong suốt quá trình giành độc lập dân tộc, chống thực dân và đế quốc, ngoại giao Việt Nam có nhiều đóng góp trên mặt trận đối ngoại. Đặc biệt, chúng ta có hai cuộc đàm phán rất quan trọng vào hòa bình ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương cũng như việc ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và ký kết Hiệp định Paris năm 1973.
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, ngoại giao Việt Nam đã một mặt trận trong ba mặt trận, vừa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao để tạo ra sức mạnh tổng hợp và giúp đất nước ta, nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này.
Trong suốt thời kỳ này đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho ngoại giao Việt Nam. Như bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bài học về vận động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; bài học về phối hợp giữa ba mặt trận: chính trị, ngoại giao và quân sự; bài học vừa đánh vừa đàm.
Sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước, ngoại giao Việt Nam trở thành mặt trận tuyến đầu, đóng góp rất nhiều cho công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước ta trong thời bình.
Trong suốt 70 năm đồng hành cùng dân tộc, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp một cách tích cực và hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước. Cho đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước trên 193 nước, chúng ta có quan hệ kinh tế thương mại với trên 220 nước và vùng lãnh thổ. Vị thế của Việt Nam ngày càng được tôn trọng trên trường quốc tế. Chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với trên chục nước.
Có thể nói, chưa bao giờ vị thế của Việt Nam lại được củng cố một cách vững chắc và tôn trọng như hiện nay. Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, cùng với các mặt trận khác, ngoại giao Việt Nam đã đưa đất nước ta trở thành một đất nước độc lập, tự chủ có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Hiện nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn. Việt Nam đã tham gia vào hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong các tổ chức quốc tế này với tinh thần là thành viên có trách nhiệm, tích cực của các tổ chức quốc tế.
PV: Thưa Đại sứ, Pháp là địa bàn trọng tâm của ngoại giao Việt Nam từ lâu năm. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của chúng ta ở địa bàn này như thế nào, thưa ông?
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, tức là tính đến nay đã hơn 40 năm. Trong năm 2013 và 2014, hai nước đã tổ chức năm chéo để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Kể từ khi thành lập Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đóng góp tích cực trong nền ngoại giao nói chung của chúng ta.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, tức là hai năm trước khi chiến tranh kết thúc ở Việt Nam và là những năm đàm phán gay go nhất trong khuôn khổ của Hội nghị Paris để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Ngay từ những năm đó, ĐSQ Việt Nam tại Pháp đã có những đóng góp rất tích cực vào cuộc đàm phán này. Sau khi đất nước thống nhất, các thế hệ cán bộ ngoại giao công tác tại ĐSQ Việt Nam tại Pháp luôn phát huy truyền thống của Đại sứ quán để tiếp nối sự nghiệp phát huy vai trò cũng như là giới thiệu hình ảnh Việt Nam trên địa bàn Pháp.
Chúng ta cũng biết trụ sở ĐSQ Việt Nam tại Pháp chính thức được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khai trương năm 1977 và đến nay đã có 10 thế hệ Đại sứ công tác tại Paris. Trong nền ngoại giao Việt Nam thì ĐSQ Việt Nam tại Pháp là một trong những cơ quan đại diện có số lượng cán bộ ngoại giao đông nhất và đóng vai trò quan trong tại Châu Âu này.
Trong những năm qua, Đại sứ quán dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao đang triển khai một nền ngoại giao toàn diện trên địa bàn Pháp. Cụ thể, về mặt chính trị Đại sứ quán cũng đóng góp rất nhiều trong việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước. Hầu hết tất cả các lãnh đạo của chúng ta từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và rất nhiều Bộ trưởng đã thăm Pháp.
Về phía Pháp, Tổng thống François Mitterand là Tổng thống phương Tây đầu tiên đã đến thăm Việt Nam năm 1993. Sau đó, các Tổng thống khác như Tổng thống Jacques Chirac đã hai lần đi thăm Việt Nam. Sắp tới, Tổng thống François Hollande cũng đang dự kiến có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Có thể nói, để tăng cường đoàn ở cấp cao như vậy, ĐSQ Việt Nam tại Pháp đã đóng vai trò rất quan trọng.
Thứ hai, chúng tôi đang triển khai rất mạnh công tác ngoại giao kinh tế, bởi vì Pháp là một trong 5 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là nước có tiềm lực kinh tế rất mạnh ở châu Âu và cũng có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Việt Nam. Hiện nay, Pháp cũng là một trong những nhà đầu tư và trao đổi thương mại châu Âu lớn nhất với Việt Nam. Trong thời đại hiện nay, tăng cường hợp tác về khoa học và kinh tế là một trọng tâm của công tác ngoại giao, chúng tôi cũng đang hết sức cố gắng để đẩy mạnh mảng công tác này.
Thứ ba, Pháp cũng là một trung tâm khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới nên hiện nay, chúng ta cũng mong muốn thúc đẩy mảng hợp tác về khoa học kỹ thuật với Pháp.
Hiện nay, trên địa bàn Pháp có khoảng 7.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại đây và thực sự Pháp muốn trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao cho Việt Nam. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của các chuyên ngành kỹ thuật cao của Việt Nam đã được đào tạo tại Pháp. Mảng ngoại giao văn hóa, giáo dục cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngoại giao văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước cũng ngày càng được mở rộng, tăng cường.
Thứ tư là ở Pháp cộng đồng người Việt Nam đông đảo, với hơn 300.000 người cho nên mảng công tác cộng đồng, công tác với người Việt Nam ở địa bàn Pháp rất được chú trọng. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là cộng đồng có truyền thống lâu đời, gắn bó với đất nước, có rất nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam trước đây cũng như trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay.
Ngoài ra, thông qua địa bàn Pháp là trung tâm ở châu Âu, chúng tôi tiếp tục mở rộng quan hệ với các địa bàn khác mà ĐSQ Việt Nam tại Pháp kiêm nhiệm như là Bồ Đào Nha, Monaco và Andorra.
PV: Thưa ông, trong những thành tựu ngoại giao, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong ngoại giao nhân dân, trong đó, địa bàn Pháp là nơi chúng ta gặt hái nhiều thành công. Ngày nay, trong một thế giới có nhiều thay đổi, chúng ta tiếp tục phát huy chính sách ngoại giao nhân dân tại địa bàn Pháp như thế nào?
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Trong hoạt động đối ngoại nói chung của Đảng và Nhà nước ta, công tác ngoại giao nhân dân luôn được chú trọng. Ngoại giao nhân dân đã phát huy vai trò to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của đất nước. Chúng ta đã biết tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới
Tại Pháp, chúng ta đã làm tốt công tác này, bạn bè Pháp và bạn bè thế giới biết đến chúng ta nhiều thông qua các hoạt động của Phái đoàn đàm phán của Việt Nam tại Paris và của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Địa bàn Pháp, chúng ta có nhiều bạn bè, những người đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đại sứ quán thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta, luôn giữ quan hệ, tình cảm thủy chung với những bạn bè đã ủng hộ Việt Nam. Đồng thời, mở rộng giao lưu với nhân dân Pháp nói chung.
Ngoại giao nhân dân giờ rất phong phú, không chỉ các cán bộ ngoại giao, mà mọi người dân Việt Nam sang Pháp đều có thể làm ngoại giao nhân dân. Chúng ta có 7000 du học sinh sang Pháp học tập và ngày càng nhiều người Việt Nam sang du lịch, chính họ đều là những sứ giả để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với nhân dân Pháp.
Với những bạn bè trước đây, chúng tôi thường xuyên tổ chức thăm hỏi đối với họ, luôn luôn quan tâm, tất cả các hoạt động lớn như Tết, Quốc khánh hay các ngày lễ lớn của Việt Nam, chúng tôi luôn mời các bạn bè trước đây đến tham dự và cung cấp thông tin về Việt Nam. Chúng ta mở rộng quan hệ bạn bè, đi sâu vào quan hệ quốc tế nhưng không bao giờ quên những bạn bè đã từng sát cánh với chúng ta trước đây.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Thùy Vân/VOV - Paris (thực hiện)