Tiếng Việt | English

27/08/2015 - 19:50

Ngành ngoại giao đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ hai

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Sao Vàng lên là cờ truyền thống của ngành ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 27/8, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (Hà Nội) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành ngoại giao (28/8/1945-28/8/2015) và đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ hai.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng ngành ngoại giao được trao tặng Huân chương Sao Vàng lần thứ hai - phần thưởng cao quý nhất thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những công lao, đóng góp to lớn của ngành vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Chủ tịch nước xúc động nói: "Với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người sáng lập ra nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Chúng ta cũng mãi mãi ghi nhớ công lao của các bậc ngoại giao lão thành, ghi nhận sự đóng góp quan trọng của lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân viên công tác trên mặt trận đối ngoại. Thành công của ngành ngoại giao được xây đắp trước hết từ những nỗ lực cống hiến không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh, mất mát của các đồng chí.”

Chủ tịch nước khẳng định 70 năm xây dựng và phát triển đất nước cũng là 70 năm ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, cùng với các mặt trận quốc phòng-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, phục vụ đắc lực cho các sứ mệnh cách mạng cao cả. Từ buổi đầu dựng nước đầy khó khăn, ngoại giao đã là mũi chủ công để đối phó với “thù trong” lẫn “giặc ngoài,” là vũ khí quan trọng nhằm củng cố, kéo dài thời gian hòa bình quý giá để xây dựng lực lượng, tích lũy thế và lực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền độc lập mới giành được và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập và tự do của dân tộc.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, “ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược,” phối hợp nhịp nhàng cùng với các mặt trận chính trị, quân sự vừa phát huy thế mạnh trên chiến trường, vừa góp phần làm sáng tỏ chính nghĩa sự nghiệp bảo vệ và thống nhất đất nước, từ đó tập hợp được mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. "Thắng lợi của các hội nghị Geneve và Paris mãi mãi đi vào lịch sử, là những mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc," Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước nêu rõ bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình, đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, ngoại giao càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ổn định và tái thiết đất nước, phá bao vây cấm vận, thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.

30 năm đổi mới đã chứng kiến những đóng góp hết sức nổi bật của ngành ngoại giao vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Từ tình thế bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Từ vỏn vẹn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ hợp tác tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Giữ vững chủ quyền lãnh thổ, tạo dựng môi trường hòa bình, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia vào hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút gần 260 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang chủ động, tích cực khẳng định vai trò trong các diễn đàn đa phương quan trọng cũng như các liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực và quốc tế.

Chưa bao giờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta lại có mối quan hệ quốc tế rộng khắp, bình đẳng và hữu nghị, có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có vị thế quốc tế vững vàng, thuận lợi như ngày nay. Những thành công đó có được là do sự kết hợp nhân tố dân tộc và thời đại, trong đó nhân tố trung tâm, xuyên suốt và có tính quyết định chính là đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, kết tinh ở một số bài học lớn có giá trị sâu sắc cho cả hôm nay và mai sau.

Để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại thời gian tới, Chủ tịch nước chỉ rõ ngành ngoại giao cần tiếp tục kiên định lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, thấm nhuần và quán triệt sâu sắc đường lối chính sách của Đảng, vận dụng linh hoạt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; không ngừng sáng tạo và đổi mới tư duy mạnh mẽ, nhạy bén hơn nữa để bắt kịp với các diễn biến của thời cuộc.

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển sâu sắc, nhanh chóng và hết sức phức tạp, ngoại giao cần tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình nhạy bén, chủ động, kịp thời hơn nữa, để có chiến lược và chính sách sát thực tế, hiệu quả, linh hoạt, đảm bảo được lợi ích dân tộc, tranh thủ tối đa các cơ hội, hóa giải hiệu quả các nguy cơ, góp phần tạo được thế và lực tốt nhất cho đất nước.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác đối ngoại trong giai đoạn mới, ngành ngoại giao cần dành ưu tiên cao cho việc xây dựng lực lượng và bồi đắp nhân tố con người; không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ mọi mặt, cả “đức” lẫn “tài,” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gắn Huân chương Sao Vàng lên cờ truyền thống của Bộ Ngoại giao và thực hiện nghi thức trao thưởng Huân chương Sao Vàng cho Bộ Ngoại giao, ghi nhận những thành tựu ngành ngoại giao đạt được trong suốt chặng đường vừa qua.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình khẳng định trong chặng đường dài kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngoại giao Việt Nam đã được tôi luyện và trưởng thành qua các giai đoạn đáng ghi nhớ.

Ngay sau cách mạng giành chính quyền tháng Tám năm 1945, Bác Hồ chính là người sáng lập, nhà lãnh đạo đồng thời trực tiếp đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Sự lãnh đạo và công lao của Bác đã đặt nền móng vững chắc cho ngành ngoại giao cách mạng Việt Nam. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cán bộ ngành ngoại giao cần tiếp tục giữ vững bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ, phát huy tính năng động hơn nữa, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết; phấn đấu cho hòa bình, phát triển, bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới...

Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, trước yêu cầu hội nhập quốc tế toàn diện, hầu như ngành nào, cấp nào ở các địa phương đều có hoạt động ngoại giao. Trong điều kiện đó, có thể xem ngành ngoại giao giữ vai trò là đội quân tiên phong, tạo điều kiện, hướng dẫn các ngành, các cấp, các địa phương quan hệ với đối tác nước ngoài; điều hòa phối hợp hoạt động đối ngoại của các ngành, các cấp, nhằm đảm bảo lợi ích của dân tộc; đồng thời tăng cường vai trò tham mưu đối với Đảng, Nhà nước...

Đại diện gần 700 đoàn viên, thanh niên Bộ Ngoại giao, thanh niên Nguyễn Thị Hồng Quyên bày tỏ sự tự hào về lịch sử hào hùng, bề dày thành tích và đóng góp to lớn của ngành ngoại giao vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, thế hệ trẻ ngành ngoại giao khẳng định tiếp tục tôi luyện bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; không ngừng phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt, trau dồi kiến thức, chuyên môn, ngoại ngữ, phấn đấu khẳng định hình ảnh dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, chia sẻ những giá trị chung của nhân loại, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; tranh thủ tối đa điều kiện quốc tế phục vụ đất nước phát triển nhanh và bền vững...

Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các thế hệ của ngành ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho ngành ngoại giao. Việc trao tặng Huân chương Sao Vàng lần thứ hai cho Bộ Ngoại giao là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên ngành ngoại giao trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 70 năm qua.

Lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về nhiệm vụ, phương hướng công tác của ngành ngoại giao, toàn ngành ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy truyền thống trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với lợi ích của dân tộc; luôn kiên định mục tiêu chiến lược là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” và “vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh;” kiên trì chính sách ngoại giao rộng mở, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra chính là chìa khóa để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bối cảnh mới. Toàn ngành sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác đối ngoại xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Mỗi cán bộ của ngành phải thực sự là một chiến sỹ cách mạng trên mặt trận ngoại giao, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, có quan điểm lập trường vững vàng, luôn hun đúc lý tưởng, xây đắp bản lĩnh để vững vàng với con đường mình đã lựa chọn, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định nhận thức rõ nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong giai đoạn mới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên ngành ngoại giao quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang của 70 năm trưởng thành và phát triển, tiếp tục lập nhiều thành tích xuất sắc, viết tiếp những trang sử hào hùng của nền ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết