Nhà trí thức yêu nước tài ba
Theo tác phẩm Tiên đại phu hành trạng (Thuật lại cuộc đời của cha tôi) của Nguyễn Thông thì cao tổ của ông vào Nam khai phá vùng đất thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An ngày nay vào khoảng năm 1777-1789 khi chúa Trịnh đánh chiếm vùng Thuận-Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam(*)). Gia đình Nguyễn Thông được xem là một trong những đại diện tiêu biểu trong lịch sử khai phá, phát triển của vùng đất Châu Thành.
Châu Thành vốn rất nổi danh về tinh thần hiếu học vì có nhiều người học giỏi, đỗ cử nhân, tú tài. Và những người đỗ đạt ấy sau này trở thành nòng cốt lãnh đạo phong trào kháng Pháp tại địa phương. Có thể nói, chính lịch sử vùng đất cũng như truyền thống gia đình đã hun đúc trong Nguyễn Thông tinh thần cương trực, thương dân và liêm chính. Nguyễn Thông tên thật là Nguyễn Thới Thông, ông sinh năm 1827 trong một gia đình nhà Nho nghèo. Từ nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi và được xóm giềng yêu quý. Ông thi đỗ cử nhân năm 1849, khi mới 22 tuổi. Năm 1851, ông được cử làm Huấn đạo Phú Phong, tỉnh An Giang. Năm 1856, ông về Huế làm việc ở Nội các, biên soạn sách Khâm Định Nhân Sự Kim Giám và được phong là Hàn lâm viện tu soạn.
Gia Định thất thủ, ông xin vào quân đội, trở thành trợ thủ đắc lực của Tôn Thất Hiệp và Nguyễn Duy (Nguyễn Duy là em Nguyễn Tri Phương). Khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, Nguyễn Thông về lại Châu Thành cùng Phan Văn Đạt và Trịnh Quang Nghị (cậu ruột của Nguyễn Thông) tổ chức nghĩa quân chống Pháp.
Khi 3 tỉnh miền Đông của Nam kỳ mất vào tay giặc Pháp, Nguyễn Thông về làm đốc học tỉnh Vĩnh Long. Pháp tiếp tục chiếm 3 tỉnh miền Tây thì ông theo đường biển trở ra Bình Thuận. Ông được giao cho nhiều chức vụ khác nhau ở Bộ Hình, Bộ Lễ, Tây Nguyên, Quảng Ngãi, Bình Thuận,... đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau. Dù ở vị trí nào, Nguyễn Thông cũng dành hết tâm sức lo cho dân, cho nước. Tại nhiều địa phương, người dân đều hết lòng kính trọng ông.
Ông là người yêu nước, thương dân, làm bất cứ việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của nhân dân. Nguyễn Thông còn là một người làm công tác thủy lợi có tài. Với mỗi công trình, ông đều nghiên cứu kỹ thực tế để đưa ra giải pháp thiết thực và hiệu quả trong quá trình xây dựng. Ông còn là nhà kinh tế rất chú trọng đến trồng cây và khẩn hoang, nhà sử học có trách nhiệm cao, nhà giáo dục, nhà thơ yêu nước.
Vào những năm cuối đời, dù sức khỏe suy yếu, ông vẫn cố gắng phát triển nông nghiệp, dạy dỗ thanh niên ở Bình Thuận - nơi ông làm Bố Chánh. Ông mất năm 1884, thọ 57 tuổi.
Tiếp nối truyền thống
Nguyễn Thông là nhà trí thức đáng kính trọng của thế kỷ XIX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho hậu thế. Các con, cháu của ông đã phát huy truyền thống đầy tự hào của gia đình. Nối nghiệp cha, 2 người con của ông là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh thành lập Trường Dục Thanh, Liên Thành thơ xã và Liên Thành thương quán - 3 cơ sở canh tân kinh tế văn hóa đầu thế kỷ XX. Anh em Nguyễn Trọng Lội cùng ông Trương Gia Mô là người giới thiệu thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến dạy tại Trường Dục Thanh. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, căn nhà Nguyễn Tất Thành ở tại Sài Gòn trước khi lên tàu đến Pháp cũng chính là một trụ sở của Liên Thành thương quán lúc bấy giờ.
Liên Thành thương quán “ra đời với mục đích xây dựng, phát triển công thương nghiệp theo hướng chấn hưng kinh tế dân tộc, trên tinh thần tự lực, tự cường nhằm đấu tranh chống lại sự chèn ép, cạnh tranh về kinh tế của các thế lực ngoại kiều” (trích Gia đình Nguyễn Thông với phong trào đấu tranh yêu nước ở Bình Thuận vào đầu thế kỷ XX - Phan Hải). Ông Nguyễn Trọng Lội là người chủ trương sáng lập, cũng là Tổng Giám đốc của Liên Thành thương quán và được đánh giá cao về đức tính liêm khiết, năng nổ, cần cù. Sau này, ông bệnh và mất trên đường đi xây dựng cơ sở mới cho Liên Thành thương quán.
Khu lưu niệm Nguyễn Thông tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành
Ngoài Trường THPT Nguyễn Thông, Châu Thành còn có tuyến đường mang tên Nguyễn Thông
Ngày nay, tại xã Phú Ngãi Trị, Khu lưu niệm Nguyễn Thông được xây dựng khang trang ở khu vực có nền nhà cũ, nơi Nguyễn Thông sống thời niên thiếu và phần mộ bà nội cùng song thân của ông. Công trình bao gồm cổng, hàng rào, nhà bia, nhà trưng bày,... với tổng kinh phí trên 17 tỉ đồng, được khánh thành năm 2022.
Học sinh tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Thông
Khu lưu niệm trở thành địa điểm giáo dục truyền thống tiêu biểu tại Châu Thành. Hàng năm, đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là học sinh Trường THPT Nguyễn Thông đều đến viếng, tham quan khu lưu niệm, tìm hiểu về cuộc đời nhà trí thức yêu nước Nguyễn Thông. Huỳnh Uyên Nhi (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thông) cho biết: “Từ khi được viếng Khu lưu niệm Nguyễn Thông, em cảm thấy đặc biệt tự hào khi được học tại ngôi trường mang tên ông. Em nghĩ cách tốt nhất để tiếp nối truyền thống, tri ân bậc tiền nhân là cố gắng học tập thật tốt, góp công xây dựng quê hương"./.
Quế Lâm
(*)Theo bài viết Danh xưng Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ (tác giả Trần Viết Điền), danh xưng Thuận Hóa có từ năm 1307 khi vua Trần Anh Tông đổi hai châu Ô, châu Rí thành châu Thuận, châu Hóa. Còn danh xưng Quảng Nam có từ năm 1471 sau đại thắng của Đại Việt, do vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh Trà Toàn. Từ đó trở đi, các nhà chép sử gọi “các xứ Thuận Hóa và Quảng Nam” hoặc “hai xứ Thuận Quảng” khi nói về hai miền đất này.
- Bài viết dựa vào Hồ sơ di tích Khu lưu niệm Nguyễn Thông.