Tiếng Việt | English

31/05/2021 - 10:29

Nguyễn Văn Tiếp - Người được đặt tên cho nhiều tuyến đường tại Long An

Tại Tiền Giang có ngôi trường THPT mang tên Nguyễn Văn Tiếp. Ngoài ra, tên ông còn được đặt cho dòng kênh lớn nhất tỉnh Tiền Giang, dài 43km nối từ Đồng Tháp Mười ra sông Tiền. Mộ phần của ông ở xã Tân Phú, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, được chính quyền và người dân trông nom, chăm sóc. Có thể thấy, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Tiếp được nhân dân Tiền Giang ghi ân sâu sắc vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng. Và thật tự hào khi Nguyễn Văn Tiếp là một người con của đất Long An.

Đường Nguyễn Văn Tiếp tại phường 5, TP.Tân An

Đường Nguyễn Văn Tiếp tại phường 5, TP.Tân An

2 lần mang bản án chung thân tại Côn Đảo

Viết về Nguyễn Văn Tiếp, Địa chí Long An có ghi: “Nguyễn Văn Tiếp sinh năm 1900, ở làng Long Phú, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, trong một gia đình trung lưu”. Từ nhỏ, ông và em trai là Nguyễn Văn Nhâm đã được gia đình đưa lên học tập tại Sài Gòn (TP.HCM ngày nay). Ở đó, ông được tiếp cận với sách, báo tiến bộ và những phong trào đấu tranh của giới trí thức. Lòng yêu nước vốn sẵn có trong lòng chàng thanh niên Nguyễn Văn Tiếp được khơi dậy và bùng cháy mạnh mẽ. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, ông vừa đi dạy, vừa tiếp tục tham gia các phong trào yêu nước lúc bấy giờ: Đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu, để tang và truy điệu Phan Chu Trinh, hội kín Nguyễn An Ninh,…

Chính vì những hoạt động của mình, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại Cần Thơ. Nhưng do không đủ chứng cứ, sau đó ông được trả tự do. Ngay sau khi được thả, ông lại tiếp tục tham gia cách mạng. Đến năm 1930, ông được cử làm Bí thư Chi bộ xã Long Phú - một trong những chi bộ được thành lập sớm nhất tại Chợ Lớn.

Nguyễn Văn Tiếp luôn kiên trì với lý tưởng cách mạng dù gặp bao khó khăn, thử thách. Ông 2 lần bị kết án chung thân, đày ra Côn Đảo. Tuy nhiên, mỗi khi được trở về, ông lại nhanh chóng tham gia hoạt động mà không có phút giây nào ngơi nghỉ. Lần thứ nhất, ông bị bắt cùng em trai là Nguyễn Văn Nhâm khi tập hợp nông dân kéo vào quận lỵ Trung Quận (thị trấn Bến Lức) hưởng ứng cuộc biểu tình đòi giảm sưu, giảm thuế của nông dân Long Xuyên vào tháng 6-1930.

Sau 6 năm chịu tù đày, Nguyễn Văn Tiếp được ân xá, trở lại quê nhà. Sách Tên đường thành phố Tân An có đoạn chép: “Cuối năm 1936, mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp, chính quyền thuộc địa buộc phải “ân xá” một số tù chính trị, trong đó có Nguyễn Xuân Luyện, Nguyễn Văn Tiếp”. Trở về nhà không lâu, ông lại thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Đến năm 1940, sau thất bại của Nam kỳ khởi nghĩa, ông lại bị bắt và kết án chung thân lần thứ 2. Năm 1945, ông được trả tự do nhờ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Đường Nguyễn Văn Tiếp tại phường 5, TP.Tân An

Tự hào về người con Long An 

Cũng như bao lần trước, mặc dù vừa trở về từ Côn Đảo, sức khỏe suy kiệt nhưng ông vẫn bắt tay ngay vào hoạt động cách mạng và được tin tưởng giao cho những vị trí quan trọng: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Mỹ Tho kiêm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ và được bổ sung vào Xứ ủy Nam bộ. Ông đã đặt hết tâm sức vào công việc, không màng đến sức khỏe bản thân. Ông cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng đến khi trút hơi thở cuối cùng vào giữa năm 1947 khi vẫn đang tham gia công tác. Ông đã có những cống hiến đáng ghi nhận cho phong trào cách mạng nước nhà, là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Địa chí Long An có đoạn nhận xét về Nguyễn Văn Tiếp như sau: “Chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Tiếp được xem là người có công xây dựng phong trào kháng chiến ở Mỹ Tho và ở Khu 8 nói chung trong những năm đầu”.

Cũng theo Địa chí Long An, để ghi nhớ những công lao của Nguyễn Văn Tiếp đối với phong trào cách mạng miền Nam nói chung và Mỹ Tho nói riêng, tên ông được đặt cho một tiểu đoàn chủ lực có nhiều chiến công của tỉnh Chợ Lớn - Tiểu đoàn Nguyễn Văn Tiếp thuộc Trung đoàn 308, do đồng chí Trương Văn Bang làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lưu Quang Tuyến làm Chính trị viên.

Tại Long An, tên người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Tiếp còn được đặt làm tên đường tại các huyện: Bến Lức, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng và TP.Tân An như một lời nhắc nhở thế hệ sau về một người con Long An yêu nước, anh hùng./.

Quế Lâm

Bài viết dựa vào sách Địa chí Long An và sách Tên đường thành phố Tân An (Nguồn cung cấp: Bảo tàng - Thư viện tỉnh)

Chia sẻ bài viết