Tiếng Việt | English

05/01/2023 - 09:42

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Mở đường đổi mới báo chí đồng bằng

Thập kỷ 1980-1990, Báo Long An là tờ báo tỉnh đầu tiên phát hành ra khỏi địa giới tỉnh nhà, được người đọc đón mua. Những hội thảo Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức định kỳ hàng năm mà nhà báo Lê Vân - Tổng Biên tập Báo Long An lúc bấy giờ chính là cánh chim mở đường đổi mới của báo chí đồng bằng. Năm 1989, tại Đại hội “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, ông được bầu vào Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Lê Vân

Từ một học sinh Petrus Ký Sài Gòn thoát ly tham gia kháng chiến, có thời gian làm thư ký cho đồng chí Chín Cần (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương) - người chủ xướng công cuộc đổi mới của Long An, nhà báo Lê Vân sớm có cách nhìn cởi mở về cung cách quản lý và có lòng tin khi đánh giá con người.

Lòng tin vào con người

Theo gương ông Chín Cần, nhà báo Lê Vân chủ động tạo nguồn nhân lực cho tờ báo trên cơ sở năng lực, phẩm chất mà không xét nét các yếu tố hình thức, hành chính. Thời ấy, việc tuyển dụng nhân viên rất gắt gao theo tiêu chuẩn lý lịch, người thuộc địa phương và thuộc thẩm quyền của các cơ quan tổ chức; trong khi đó, ông Lê Vân phụ trách Báo Long An dám làm chuyện "động trời" là đăng thông báo tuyển phóng viên trên Báo Tin Sáng của Sài Gòn. Càng "động trời" hơn, trong những phóng viên được tuyển có VHK, lý lịch “đen thui” nhưng là tay máy tài hoa, mới 18 tuổi đã được kết nạp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông cũng chấp nhận sử dụng họa sĩ Thân Công Nhơn là người của chế độ cũ trình bày báo. Họa sĩ này có đóng góp rất lớn về kỹ thuật cho tờ báo trong thời gian dài. Sau khi rời báo, ông Thân Công Nhơn tiếp tục xây dựng nền tảng kỹ thuật cho Công ty Xổ số Kiến thiết Long An.

Nhà báo Lê Vân - Tổng Biên tập Báo Long An, tiếp xúc và lắng nghe, ghi nhận ý kiến của bạn đọc, tháng 3/1987 (Ảnh: Giản Thanh Sơn)

Nhờ sự quan tâm đó, lực lượng phóng viên của báo khá mạnh, có đến 4 phóng viên chuyên ảnh. Trong đó, Giản Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ Phóng viên ảnh sau này đã thành nhà báo ảnh chuyên nghiệp quốc gia và là Tùy viên báo chí của Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang. Mặt khác, nhà báo Lê Vân còn quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên đa dạng từ lãnh đạo địa phương đến chuyên gia các ngành: Kỹ thuật nông nghiệp có kỹ sư Nguyễn Thành Nghiệp, Hồ Đình Hải; y tế có bác sĩ Trần Ngọc Hữu (sau này là Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM), Lê Đại Trí,...

Người viết bài này từng là nhân viên viết tin của Tuyên huấn Tỉnh đội, được ông trả lương khoán mỗi tháng cao gấp 4 lần “lương” hạ sĩ nhờ các thông tin nóng về chiến trường biên giới. Từ tờ báo Quyết Tiến phục vụ kháng chiến, chủ yếu đưa tin tức, nghị quyết, Báo Long An nhanh chóng chuyển mình với nội dung đa dạng, hình thức bắt mắt, xứng tầm là tờ báo của Đảng bộ tỉnh.

Đột phá, đổi mới

Nhà báo Lê Vân tiếp tục mở rộng thêm nguồn lực với các đồng nghiệp ở TP.HCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng, các cây bút trẻ và mở thử nghiệm phụ san Vòng Quanh Thế Giới mang tính giải trí và cung cấp kiến thức, thông tin đa dạng cho người đọc. Ấn phẩm này được phát hành ngoài tỉnh, “món ăn” mới lạ trong đời sống tinh thần thời bao cấp được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Nhưng cái mới bao giờ cũng va vấp, sơ sót trong quản lý, điều hành nên phải dừng lại một thời gian.

Nhà báo Lê Vân - Tổng Biên tập Báo Long An, tiếp khách quốc tế tại Tòa soạn Báo Long An, tháng 02/1985 (Ảnh: Giản Thanh Sơn)

Sau khóa học chính trị ở Trường Nguyễn Ái Quốc, tầm nhìn và lý luận được nâng cao, nhà báo Lê Vân ray rứt về nhận thức mới, báo chí không thể là tài liệu nội bộ mà phải là sản phẩm hàng hóa đặc biệt phổ cập rộng trong công chúng. Ông quyết định đổi mới tờ báo theo hai hướng song song. Tờ báo chính luận phải nâng cao tính phản biện, vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, vừa lắng nghe và phản ánh tiếng nói của dân. Thông tin về chủ trương cũng phải gắn với thực tiễn chứ không thể một chiều. Lúc này là cao điểm cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam mà chủ yếu là hoàn thành 100% tập thể hóa và hợp tác hóa nông nghiệp. Không khí say sưa đi lên chủ nghĩa xã hội hừng hực nhưng tiêu cực, bất cập trong hợp tác hóa cũng bắt đầu bộc lộ. Ông Lê Văn Cao - nguyên Phó Chủ tịch, Trưởng ban Cải tạo Nông nghiệp tỉnh, thận trọng liên tục viết bài cho báo chỉ đạo tập thể hóa đất đai không được bình quân, cào bằng, cắt sát các hộ nhiều đất, không được o ép, phải vận động để người dân tự nguyện, tự giác. Nhưng chạy theo chỉ tiêu 100%, hầu hết các địa phương đã làm ngược lại.

Huyện Thủ Thừa lấy xã Bình Cang xây dựng hợp tác xã (HTX) điểm để tiến tới HTX toàn huyện trong khi Ban Quản lý Tập đoàn tiêu cực ê hề, người dân oán thán. Báo thông tin và tham mưu Ban Cải tạo Nông nghiệp tỉnh lập đoàn thanh tra và phóng viên báo phối hợp viết phóng sự điều tra. Mất nhiều tháng đầu tư, loạt phóng sự 10 bài chỉ đăng được 2 bài nhưng kết quả là HTX điểm được ngừng lại. Một số huyện khác cũng có tình trạng tương tự. Nhờ vậy, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề ra chủ trương khoán hộ mà thực chất là trả đất lại cho nông dân tự sản xuất, Long An ít xảy ra tranh chấp đất đai so với các tỉnh khác.

Thông tin hai chiều, nâng cao chất lượng

Năm 1987, Trung ương ban hành Chỉ thị 16 mà anh em báo chí gọi là “cây gậy thần” cho báo chí đổi mới chống tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân, Báo Long An càng phát triển mạnh hơn.

Nhà báo Lê Vân, Tổng Biên tập Báo Long An, chủ trì tổng kết cuộc thi viết về đề tài Thương binh liệt sĩ tại Tòa soạn, tháng 7/1987. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Sự sáng tạo của nhà báo Lê Vân đã bật lên nhiều chương trình hừng hực lửa cho tờ báo theo hướng nâng cao chất lượng thông tin: Phát động cuộc thi hoành tráng viết về đề tài Thương binh - Liệt sĩ thu hút hàng trăm bài viết tốt; tổ chức hội thảo báo chí bàn về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với các lãnh đạo đầu ngành, các chuyên gia với nhiều ý tưởng như ông Tư Cao, ông Năm An (Xây dựng), ông Ba Lượng (Công ty Lương thực) và thông tin trên báo. Tờ báo như một cơ quan tham mưu cho lãnh đạo tỉnh góp phần gỡ vướng về nhiều vấn đề như việc thu mua, vận chuyển lúa của người dân phía Nam lên khai hoang ở Đồng Tháp Mười; cơ chế thu thuế và phí của các địa phương, các cơ quan kinh tế Đảng;...

Sôi nổi nhất, ông cho lập một nhóm “phóng viên đặc nhiệm” chuyên điều tra những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Phóng viên Hoàng Hùng viết phóng sự điều tra những tiêu cực ở Vĩnh Công. Một giám đốc sở mất chức, một chủ tịch xã cùng ban bệ tham nhũng phải ra tòa. Tôi viết thiên phiếm luận Tam Quốc Chế mượn xưa nói nay, một bí thư huyện ủy từ chức. Bài viết phản ánh về phiên tòa xử vụ án điểm có liên quan đến một lãnh đạo tỉnh đã được Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh thảo luận và gửi cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt thay báo cáo.

Liên hiệp Xuất, Nhập khẩu tỉnh phân chia chỉ tiêu gia công mành trúc xuất khẩu không công bằng, ưu tiên cho “sân sau”. Báo điều tra, phản ánh, UBND tỉnh chỉ đạo sửa sai,... Nêu được một số vụ theo phản ánh của dân, Đảng bộ và chính quyền chỉ đạo, tiếp thu tích cực, Báo Long An chính luận dần được người dân quan tâm tìm mua ở các quầy báo tư nhân, trong tỉnh đã có nhiều người bán báo dạo.

Cán bộ, công chức trong tỉnh đọc Báo Long An như một thói quen, như một nguồn thông tin để xử lý công việc. Lãnh đạo tỉnh quan tâm sâu sát, hỗ trợ báo rất tích cực, cụ thể. Ông Tám Thẩm - Chủ tịch UBND tỉnh, cấp kinh phí cho báo trang bị thêm máy ảnh, ông Ba Phong - Bí thư Tỉnh ủy, cho phóng viên báo tháp tùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự họp ở Hà Nội.

Dẫn đầu báo chí đồng bằng

Với báo chí giải trí, ông Lê Vân mở ra hai phụ san Long An Bóng Đá và Long An Cuối Tuần với nội dung đa dạng, phát hành cả nước. Từ năm 1988 trở đi, Báo Long An còn bình chọn và trao giải thưởng cho cầu thủ trẻ xuất sắc trong giải Vô địch Quốc gia. Cầu thủ đầu tiên được trao giải là Nguyễn Văn Dũng - Đội Thể Công, trên sân Chi Lăng (TP.Quy Nhơn). Uy tín và sức hút của tờ báo đã tạo ấn tượng mạnh với đồng nghiệp. Các báo: Ấp Bắc, Đồng Khởi, An Giang,... lần lượt cũng ra thêm số chủ nhật, cuối tuần,... theo mô thức Báo Long An.

Nhà báo Lê Vân - Tổng Biên tập Báo Long An (bìa phải), với nhạc sĩ Tô Thanh Tùng (đeo kính râm) và nhà báo Lê Kim, tại Tòa soạn Báo Long An, tháng 5/1988 (Ảnh: Giản Thanh Sơn)

Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ V (năm 1989) với chủ đề nặng ký “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước” đã bầu ra một Ban Thư ký trẻ, năng động. Nhà báo Lê Vân được bầu là Ủy viên Thư ký phụ trách Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cương vị mới này, ông tổ chức thành công cơ chế hợp tác định kỳ mỗi năm một lần hội thảo Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long để chia sẻ kinh nghiệm, nghiệp vụ và giao lưu giữa các báo. Hội thảo có mời cả báo chí TP.HCM và một vài tỉnh miền Đông. Hoạt động này hiệu quả và hấp dẫn đến mức Báo Bà Rịa Vũng Tàu nằm ngoài địa bàn nhưng cũng tham gia đăng cai tổ chức. Sau hội thảo, Báo Bà Rịa Vũng Tàu cũng tăng kỳ, đổi mới.

Có thể khẳng định rằng, trong thế hệ tổng biên tập các tờ báo trưởng thành từ kháng chiến ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Vân không phải là người cao tuổi nhất nhưng luôn được các đồng nghiệp quý trọng vì là cánh chim dẫn đầu đột phá, đổi mới. Chính với uy thế và công tâm ấy, ông đã cùng các đồng nghiệp đấu tranh phục hồi quyền lợi cho một phó giám đốc đài truyền hình tỉnh bạn, không có sai phạm nhưng bị hạ xuống làm nhân viên đời sống.

Nhà báo Lê Vân ra đi là mất mát, tiếc thương vô hạn của bạn đọc, đồng nghiệp, bạn bè không chỉ của Long An mà của cả Đồng bằng sông Cửu Long./.

Lê Đại Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết