Tiếng Việt | English

26/10/2020 - 08:27

Nhà Vuông Bình Nam - Căn nhà vuông cuối cùng của Long An

Theo bản tóm tắt Di tích lịch sử nhà Vuông Bình Nam (ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An): “Đây là loại hình kiến trúc đặc biệt gắn liền với tiến trình khai hoang, lập ấp của nhân dân Long An và Nam bộ… Nhà vuông là thiết chế văn hóa cổ truyền với đối tượng thờ cúng là Tiên sư và các bậc tiền nhân mở cõi”.

Trong khuôn viên nhà Vuông Bình Nam có bia ghi tên anh hùng liệt sĩ qua các thời kỳ

Ngồi trong sân nhà Vuông Bình Nam, ông Trần Văn Xanh (Trưởng ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An) kể: “Nhà Vuông này có từ hồi xưa lắm. Có trên cả trăm năm. Ngày trước là nhà lá, nhiều lần tu bổ, xây lại, giờ là nhà tường kiên cố nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế là nhà vuông”. Ông Xanh nói, ông được nghe kể lại rằng, nhà vuông do một vị tiền hiền vốn là thầy thuốc đi ngang qua vùng Bình Nam xưa, thấy người dân khó khăn, bệnh tật nên dựng tạm căn nhà để chữa bệnh giúp dân. Sau này, người dân nhớ ơn vị tiền hiền nên giữ lại căn nhà vuông làm nơi sinh hoạt cộng đồng đến mãi về sau. Không chỉ vậy, hàng năm nhằm ngày 6/3 Âm lịch, người dân còn tổ chức cúng Tiên sư và anh hùng liệt sĩ tại nhà Vuông. Sau ngày giải phóng đất nước, người dân còn tổ chức lễ cúng vào dịp 27/7 và 27/12 Âm lịch.

Theo hồ sơ di tích nhà Vuông, nhà vuông ra đời sớm hơn các thiết chế văn hóa khác ở Nam bộ, là nơi hội họp, quyết định các vấn đề liên quan đến cộng đồng, cũng là nơi cúng bái công đức các tiền hiền khi chưa cất được đình làng. Vào giai đoạn khoảng 1850, ở Nam bộ, mỗi thôn, ấp đều có nhà vuông để phục vụ nhu cầu của thôn.

Đưa khách đi quanh khuôn viên, ông Xanh giới thiệu: Trước đây, nhà Vuông chỉ là một căn nhà lá nhỏ. Cây lá rậm rạp, đường đi vất vả nên đây cũng là nơi cán bộ cách mạng ta thường lui tới, khu vực Bình Nam là địa điểm thường diễn ra giao tranh giữa cách mạng và ngụy quân lúc đó. Rồi ông chỉ tay sang phía nhà bia nói tiếp: “Bia liệt sĩ được xây dựng sau này, ghi tên cả trăm liệt sĩ đã hy sinh ở vùng đất này qua các thời kỳ. Người dân Bình Nam từ trước tới nay vẫn một lòng theo cách mạng. Có lúc toàn bộ khu này được chừng 80 hộ dân thì gần như toàn bộ đều là gia đình cách mạng”.

Trong hồ sơ di tích nhà Vuông cũng trích dẫn một đoạn trong quyển Les actions Anamits dán villages en Cochinchine của một tác giả người Pháp: “Cách Vũng Gù trên dưới 1 dặm về phía Đông Nam có đặt một điếm canh, ở đây là điểm đỏ vì có nhiều người chống đối”. Điều đó lý giải cho việc trong khuôn viên nhà Vuông Bình Nam có bia tưởng niệm liệt sĩ và bên trong nhà Vuông hiện nay ngoài bàn thờ tiền hiền còn có bàn thờ Bác và các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại địa phương.

Trong nhà Vuông có bàn thờ Bác và các Mẹ Việt Nam Anh hùng

Trong nhà Vuông có bàn thờ Bác và các Mẹ Việt Nam Anh hùng

Nhà Vuông Bình Nam là nơi thờ cúng, tri ân 74 anh hùng liệt sĩ quê ở Bình Nam, 66 liệt sĩ từ mọi miền đất nước hy sinh tại Bình Nam và các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ, nhà Vuông Bình Nam nhiều lần là nơi tập trung lực lượng, tổ chức cảnh giới của cách mạng, ấp Bình Nam từng được xem là vùng giải phóng. Đó cũng là quê hương của nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung. Trước năm 1975, cạnh nhà Vuông Bình Nam là lớp học dạy từ lớp 1 - 3 (tiền thân Trường Tiểu học Bình Nam). Sau năm 1975, nơi đây còn từng là nơi tổ chức lớp học xóa mù chữ cho người dân Bình Nam.

Với người dân Bình Nam nói riêng và Bình Tâm nói chung, nhà Vuông vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa là nơi thờ cúng linh thiêng. Khi Bình Nam chưa có nhà văn hóa ấp thì nhà Vuông tiếp tục phát huy vai trò là nơi sinh hoạt cộng đồng. Mỗi cuộc hội họp, chương trình của ấp đều được tổ chức tại nhà Vuông. Đây cũng là nơi mở lớp dạy đờn ca tài tử vào mỗi tối. Hàng năm, vào các dịp 6/3 Âm lịch, 27/12 Âm lịch và 27/7, người dân trong ấp đều tự bảo nhau đến nhà Vuông, người góp công, người góp của tổ chức lễ cúng tiền hiền, anh hùng liệt sĩ tại đây. Điều đó đã trở thành thông lệ, được truyền từ đời này sang đời khác.

Thắp nén nhang lên bàn thờ Tiền hiền và Bác, ông Xanh nói: “Chúng tôi đang đề xuất địa phương sửa chữa điểm phụ trường tiểu học hiện không còn sử dụng thành nhà văn hóa ấp để nhà Vuông chỉ là nơi thờ cúng và khu di tích thôi”. Ông Xanh giải thích vì người dân muốn giữ cho nhà Vuông sự tôn nghiêm của nơi thờ cúng nên đề xuất tách nơi sinh hoạt cộng đồng ra.

Ngày nay, nhà Vuông Bình Nam được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, căn nhà vuông cuối cùng còn sót lại trong địa bàn tỉnh Long An./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết