Tiếng Việt | English

17/11/2023 - 09:35

Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang

Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy thể hiện bằng sự kính trọng, lòng biết ơn của lớp lớp thế hệ học trò dành cho thầy, cô giáo vì “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Cha ông ta đã đúc kết “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy, cô giáo là người truyền dạy kiến thức, giúp hình thành thái độ và cách ứng xử đúng đắn, bồi dưỡng cho tâm hồn chúng ta thêm trong sáng và phong phú.

Sinh thời, Bác Hồ rất quý trọng và vinh danh các nhà giáo. Người nói: “Người thầy giáo tốt - xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất…”. Người căn dặn: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị, phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được (Ảnh minh họa: An Nhiên)

Khi nói về vai trò của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Thực hiện lời dạy của Bác, biết bao thế hệ nhà giáo Việt Nam đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ cho sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, tạo dựng nên những truyền thống tốt đẹp.

Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy, cô giáo theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Truyền thống nhà giáo Việt Nam mãi mãi sẽ là những giá trị vô giá, hun đúc các thế hệ thầy, cô giáo luôn phấn đấu trở thành người thầy chân chính trong xã hội.

Những năm qua, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không ngừng phấn đấu thực hiện sứ mệnh cao đẹp là “gieo chữ”, “trồng người”, đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên”, như lời nhắn nhủ của Bác Hồ ghi trong thư nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (tháng 9/1945): Non sông Việt Nam có vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, điều đó phụ thuộc vào công lao học tập của các cháu.

Những lời tâm huyết ấy của Bác càng nhắc nhở đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần đề cao trách nhiệm làm gương, ý chí vượt lên mọi khó khăn và sự cám dỗ vật chất đời thường, không ngừng bồi dưỡng ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu” - cội nguồn nảy sinh sự tâm huyết, sáng tạo trong chuẩn bị từng trang giáo án cũng như khi đứng trên bục giảng.

Những cuộc vận động, phong trào của ngành GD&ĐT phát động trong thời gian qua: Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo;... được hưởng ứng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT của cả nước.

Hiện nay, nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt để tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước, do đó, sự nghiệp GD&ĐT càng trở nên quan trọng.

Trước những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, vai trò của người thầy càng nặng nề hơn bao giờ hết. Các thầy, cô giáo cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực, giữ gìn phẩm chất đạo đức nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc nói chung, sự nghiệp GD&ĐT nói riêng./.

Nguyễn Thanh Hoàng

Chia sẻ bài viết