Tiếng Việt | English

11/08/2022 - 09:35

Nhiều lo lắng với mức học phí mới

Thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ, HĐND tỉnh Long An ban hành Nghị quyết về quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non, giáo dục phổ thông công lập và CSGD thường xuyên năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trường học, phụ huynh còn nhiều lo lắng về mức học phí mới này.

Học phí tăng - nhà trường, phụ huynh gặp khó khăn

Nghị định 81 của Chính phủ ra đời năm 2021 và quy định áp dụng từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, thời điểm chuẩn bị ban hành, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất học phí được giữ như năm học 2020-2021. Ở Long An, học phí học kỳ I được miễn nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh (HS) trước tác động của dịch Covid-19. Năm học 2022-2023, thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về quy định mức thu học phí đối với CSGD mầm non, giáo dục phổ thông công lập và CSGD thường xuyên năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh.

Năm học 2022-2023, học phí cấp THCS từ 200.000-300.000 đồng/tháng

Theo đó, tỉnh lấy mức học phí thấp nhất trong khung (mức sàn - mức trần) quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ. Cụ thể, mầm non (gồm nhà trẻ và mẫu giáo), THCS có mức học phí 300.000 đồng/tháng đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thuộc huyện và mức 100.000 đồng/tháng đối với vùng nông thôn; THPT có mức học phí 300.000 đồng/tháng đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thuộc huyện và 200.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, mức học phí năm 2021-2022, mầm non từ 72.000-154.000 đồng/tháng đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thuộc huyện và 38.000-93.000 đồng/tháng với khu vực nông thôn; THCS và THPT là 72.000 đồng/tháng đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thuộc huyện và 38.000 đồng/tháng với khu vực nông thôn. Do vậy, mức học phí năm học 2022-2023 tăng từ gấp đôi đến gấp 5 lần so với năm học 2021-2022.

Với mức học phí mới, nhiều trường lo lắng về tiến độ và kết quả thu học phí, nhất là các trường học trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, bởi đa số gia đình các em còn nhiều khó khăn. Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) - Lê Văn Lai cho biết: “Học phí năm học 2022-2023 đối với HS THCS tăng hơn 2,6 lần và THPT tăng hơn 5 lần so với năm học 2021-2022 gây nhiều khó khăn cho gia đình HS. Trường đánh giá các khoản thu năm nay sẽ khó thu hơn các năm trước”.

Gia đình học sinh làm thuê, thu nhập thấp sẽ gặp khó khăn khi học phí tăng

Có con học lớp 12 tại Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước), chị Võ Thị Kim Cương (ấp 5, xã Long Hòa) khá bất ngờ với mức học phí mới. Chị Cương cho biết: “Đồng tình với việc tăng học phí nhưng phải có lộ trình và tăng dần so với mức học phí năm học trước. Nếu tăng đột ngột lên gấp 5 lần thì gây nhiều khó khăn cho phụ huynh, nhất là những gia đình nuôi 2-3 người con hoặc đông hơn trong độ tuổi đi học hay gia đình công nhân, thu nhập thấp,... Tôi rất mong việc thu học phí này được xem xét lại và chỉ tăng ở mức vừa phải so với học phí năm học trước”.

Không chỉ trường học, phụ huynh cấp mầm non, phổ thông lo lắng về mức học phí mới, Trường Cao đẳng Long An cũng gặp nhiều khó khăn khi áp dụng Nghị định 81 của Chỉnh phủ về thu học phí trình độ trung cấp và cao đẳng năm học 2022-2023. Theo đó, mức học phí năm học trước do HĐND quyết định nhưng từ năm học 2022-2023, trường ban hành mức học phí mới bảo đảm chi phí đào tạo 1 HS, sinh viên, ngân sách chỉ cấp bù cho trường hợp miễn, giảm học phí. Do vậy, nếu ban hành mức thu học phí mới thì học phí tăng khá cao, tăng hơn 250%, gây khó khăn trong việc tuyển sinh và thực hiện phân luồng HS của tỉnh.

Những đề xuất hỗ trợ người học

Trước những khó khăn đó, tỉnh cũng có những đề xuất góp phần chia sẻ phần nào khó khăn và hỗ trợ người học, đặc biệt trong năm học 2022-2023. Mặc dù HĐND tỉnh ban hành quyết định về quy định mức thu học phí đối với CSGD mầm non, giáo dục phổ thông công lập và CSGD thường xuyên năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh nhưng UBND tỉnh cũng có gửi văn bản đề xuất về lộ trình học phí và chính sách miễn học phí đối với HS THCS đến Bộ GD&ĐT.

Tỉnh có đề xuất miễn học phí đối với học sinh THCS từ năm học 2022-2023

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Hồng Phúc, tỉnh có đề xuất Bộ GD&ĐT trình Chính phủ về việc HĐND tỉnh giao UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023. Từ năm học 2023-2024, HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non, phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Ngoài ra, tỉnh còn đề xuất Bộ GD&ĐT trình Chính phủ về miễn học phí cho HS THCS từ năm học 2022-2023. Theo đó, dự kiến toàn tỉnh có hơn 97.900 HS THCS. Trong đó, HS được hỗ trợ đóng học phí theo quy định của địa phương là hơn 15.200 HS; HS được miễn học phí năm học 2022-2023 theo Nghị định 81 của Chính phủ là hơn 2.000 HS và HS chưa được miễn học phí là hơn 80.500 HS.

Trường Cao đẳng Long An cũng có những đề xuất ngành, cấp trên để tháo gỡ khó khăn cho nhà trường. Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng, Trường kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Tài chính xem xét tham mưu UBND tỉnh đặt hàng hay giao nhiệm vụ cho nhà trường đào tạo hệ cao đẳng để giảm một phần học phí cho người học. Trường hợp không đặt hàng hay giao nhiệm vụ, nhà trường xin xây dựng lại phương án tự chủ một phần. Bởi, nếu trường tự chủ chi thường xuyên mà không đặt hàng hay giao nhiệm vụ, trường không cân đối đủ nguồn tài chính để bảo đảm tự chủ chi thường xuyên. Ngoài ra, trường còn kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành xem xét tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho HS tham gia học nghề trình độ cao đẳng.

Trước những khó khăn trong thực hiện Nghị định 81, đặc biệt là về mức thu học phí, tỉnh cũng có những nỗ lực trong việc tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ người học và phụ huynh./.

Trường nằm trên địa bàn gần khu, cụm công nghiệp, có nhiều HS là dân nhập cư với cha mẹ làm công nhân, lao động tự do. Đó là những đối tượng có thu nhập thấp, do vậy việc tăng học phí quá cao so với năm học trước tạo ra làn sóng dư luận không đồng tình. Mức học phí cao, trường dự đoán sẽ gặp khó khăn trong vận động HS trở lại trường khi quyết định bỏ học trong năm học; đồng thời, tiến độ thu học phí sẽ chậm và khó khăn”.

Hiệu trưởng Trường THCS Gò Đen (huyện Bến Lức) - Nguyễn Thành Dững

Khi mới tiếp cận thông tin về học phí mới, tăng lên hơn 4 lần, chắc hẳn nhiều phụ huynh sẽ khó chấp nhận. Tuy nhiên, nếu xét về mức sống xã hội hiện nay, mức học phí ấy phù hợp và không quá cao. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng đặc biệt có chế độ miễn, giảm nên giảm gánh nặng về học phí. Tuy nhiên, gia đình bình thường, không khá giả và không thuộc diện miễn, giảm học phí nếu lo học phí và các khoản phí đầu năm của 2-3 người con sẽ áp lực rất lớn”.

Cô Trần Thị Mỹ Hạnh - giáo viên Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa)

Có con đang học THPT và tôi đồng tình với mức học phí mới, bởi nếu tính theo sự phát triển của xã hội thì mức học phí này không cao. Nhiều gia đình cho con học cấp 3 đi học thêm với chi phí khoảng 250.000 đồng/môn/tháng. Nếu học thêm nhiều môn thì tổng chi phí rất cao. Thực chất, chi phí lớn nhất mà phụ huynh phải gánh không phải học phí mà là các khoản khác như quần áo, tập, sách, giày, dép, tiền sinh hoạt, học thêm của con,...”.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức)

An Nhiên

Chia sẻ bài viết