Tiếng Việt | English

12/09/2022 - 13:50

Những nữ nghệ nhân ưu tú trong giới đờn ca tài tử Long An

Long An vốn được xem là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT). Toàn tỉnh có 1 nghệ nhân nhân dân (đã mất) và 7 nghệ nhân ưu tú (NNƯT), trong đó có 2 nữ nghệ nhân ca.

Nghệ nhân ưu tú Kim Thanh (bên phải) và Nghệ nhân ưu tú Hồng Cúc là hai nữ nghệ nhân ca nổi bật của đờn ca tài tử Long An

NNƯT Kim Thanh - mong được góp sức giữ gìn nghệ thuật đờn ca tài tử

Chị Kim Thanh là một trong những NNƯT trẻ tuổi nhất trong giới ĐCTT Long An. Bén duyên với ĐCTT từ khi mới 14 - 15 tuổi, đến nay, bộ môn nghệ thuật được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của NNƯT Kim Thanh.

Hàng ngày, dù bận bịu công việc, cứ mỗi chiều, sau giờ làm việc, ngôi nhà của chị lại vang tiếng ngân nga của các học trò chị đang hướng dẫn. Say mê và tâm huyết với ĐCTT nên nữ nghệ nhân mong muốn có thể truyền dạy cho thế hệ sau để nghệ thuật ĐCTT được gìn giữ, phát huy. Ngoài lớp truyền dạy tại nhà, chị còn trực tiếp giảng dạy các lớp ĐCTT cơ bản, nâng cao do Trung Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và các huyện tổ chức.

Khi truyền dạy, tùy theo từng học viên, chị có cách hướng dẫn khác nhau, phù hợp với định hướng phát triển và nội lực của từng người. Để tiết kiệm thời gian và chi phí cho người học, chị cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy: Soạn và in các bài bản ra giấy, thu âm và phát các bản đờn từ cơ bản đến nâng cao cho học viên tập ca,... NNƯT Kim Thanh chia sẻ: “Tôi mong muốn có thể đóng góp được điều gì đó nhỏ bé vào việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật ĐCTT . Với học trò của mình, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, chỉ cần các em có năng lực, đam mê và muốn theo đuổi ĐCTT".

Có nhiều kinh nghiệm trong việc thu âm, ghi hình các bài ĐCTT, chị Kim Thanh đã và đang thực hiện dự án của mình là thu âm và phát hành các bài bản tài tử từ cơ bản đến nâng cao để người đam mê có thể xem, nghe, học hỏi và lưu truyền bởi chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong suốt quá trình hỗ trợ tổ chức và tham gia nhiều chương trình ĐCTT Nam bộ do các đài phát thanh - truyền hình trung ương và địa phương thực hiện. Chị cũng từng tham gia thu đĩa hình DVD ĐCTT Nam bộ do Nhà xuất bản Âm nhạc thực hiện năm 2010, tham gia thu âm DVD 20 bài bản tổ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ do Viện Âm nhạc thực hiện năm 2014 và một số DVD ĐCTT Nam bộ do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An sản xuất và phát hành. NNƯT Kim Thanh cho biết: “Tôi thành lập kênh YouTube riêng và đăng tải một số video ca của mình. Ngoài ra, các video được quay lúc tôi giảng dạy cũng được học trò, đồng nghiệp đăng tải. Tôi đang ấp ủ dự định thu 8 bài Ngự để đăng tải lên YouTube giúp bạn bè, người yêu mến ĐCTT có nguồn tài liệu để tham khảo”.

NNƯT Hồng Cúc - sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ vào nghệ thuật Đờn ca tài tử

Tính đến nay, NNƯT Hồng Cúc có 55 năm gắn bó với ĐCTT. NNƯT Hồng Cúc đến với nghệ thuật truyền thống đơn giản vì cái duyên và sự say mê. Mãi cho đến hôm nay, niềm say mê ấy vẫn còn bỏng cháy và nghệ nhân tự nhủ lòng: “Đến khi nào còn khỏe sẽ còn hoạt động”.

Mỗi sáng, căn quán nhỏ nhà NNƯT Hồng Cúc đều vang tiếng đờn, ca. Không phải câu lạc bộ nhưng nhà của nghệ nhân được xem là nơi gặp gỡ những người say mê ĐCTT. Ở độ tuổi ngoài 70, NNƯT Hồng Cúc vẫn ngày ngày đến lớp truyền nghề. Lớp ĐCTT do nghệ nhân Hồng Cúc cùng NNƯT Tấn Khoa mở tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh vẫn được duy trì cho đến hôm nay. Không thành thạo công nghệ thông tin, nghệ nhân chép bảng từng bài ca để dạy. Học trò nào gặp khó khăn, cô sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ trong khả năng của mình. Để học trò có thêm động lực theo đuổi ĐCTT, nghệ nhân tạo điều kiện cho tham gia các hội thi để có cơ hội thể hiện tài năng.

Ngoài dạy ca, nữ nghệ nhân còn dạy đờn tranh và sáng tác lời mới cho các bài bản ĐCTT. Chỉ riêng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, NNƯT Hồng Cúc sáng tác được 5 bài bản mới, dự định sẽ thu và chia sẻ trên mạng xã hội. Đó là cách nữ nghệ nhân thể hiện sự tri ân của mình đối với nghệ thuật ĐCTT. NNƯT Hồng Cúc nói: “Tôi luôn giữ lòng tri ân Tổ nghiệp và tấm lòng của tất cả mọi người đối với ĐCTT. Nhờ vậy, tôi mới có thể được sống với đam mê, vừa dạy, vừa học ĐCTT cho đến ngày nay.”

Ở độ tuổi ngoài 70, nữ nghệ nhân vẫn miệt mài và tâm huyết, sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ vào nghệ thuật truyền thống với niềm tin những sự cải tiến phù hợp, được mọi người chấp nhận sẽ giúp ĐCTT phát triển phù hợp với thời đại.

ĐCTT là bộ môn nghệ thuật được sinh ra và nuôi dưỡng bởi người dân nên ngày nay, các nghệ nhân cũng dùng chính cái tâm và sự say mê của mình để giữ gìn và phát triển./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết