Tiếng Việt | English

25/07/2022 - 11:07

Nơi ghi dấu cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất Cần Giuộc giai đoạn 1954 - 1975

Năm 1961, tại Cần Giuộc nổ ra cuộc đấu tranh chính trị chống bình định, khủng bố, chống dồn dân lập ấp chiến lược,... Đó được xem là cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất, tiêu biểu nhất của Đảng bộ và nhân dân Cần Giuộc. 20.000 người đã tập hợp tại ngã ba Mũi Tàu, thể hiện tinh thần đoàn kết, bất khuất khiến quân địch run sợ, lùi bước.

Năm 1960, nhờ thắng lợi từ phong trào Đồng Khởi, phong trào cách mạng tại Cần Giuộc phát triển mạnh mẽ, các xã đều có chi bộ và cơ quan đoàn thể. Đến năm 1961, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược Chiến tranh đặc biệt tại miền Nam, dùng quân đội Sài Gòn (dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ) chống lại phong trào cách mạng của ta. Chúng đề ra kế hoạch bình định miền Nam trong 18 tháng với hàng loạt cuộc càn quét, bình định, dồn dân lập ấp chiến lược,...

Trước tình hình đó, Đảng ta xác định đường lối đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiến công địch bằng 3 mũi giáp công: Chính trị, quân sự và binh vận. Phong trào đấu tranh chính trị diễn ra mạnh mẽ, phối hợp với phong trào thi đua giết giặc lập công.

Tại Cần Giuộc, về phía địch, tên ác ôn Lê Đình Lưu được đưa về làm quận trưởng, hắn áp dụng mọi thủ đoạn tàn bạo, kềm kẹp gắt gao. Phía ta, song song với việc thành lập lực lượng vũ trang huyện Cần Giuộc, hoạt động biểu tình cũng được tăng cường. Đảng viên được phân công phụ trách từng vùng, phối hợp cùng nhau vận động nhân dân đồng loạt kéo về Cần Giuộc đấu tranh trực diện với quận trưởng.

Ngày 30/8/1961, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, 5.000 người dân vùng hạ đồng loạt kéo về Chợ Núi đấu tranh đòi địch ngừng bắn phá, dồn dân vào ấp chiến lược, chống dỡ nhà, đốn lá, bắt gà, vịt,... Bọn chúng xả súng vào đoàn người biểu tình để đàn áp tinh thần người dân khiến 3 người hy sinh và lòng dân thêm phẫn uất, căm thù.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, ngày 01/9/1961, 20.000 người dân từ 4 hướng: Trường Bình, Thuận Thành, Phước Hậu và Mỹ Lộc tiến về tập trung tại ngã ba Mũi Tàu biểu tình, đấu tranh chính trị một cách mạnh mẽ. Lý lịch di tích Khu vực ngã ba Mũi Tàu có đoạn chép: “Cùng một lúc từ các ngả đường, quần chúng ngày một đông, khiêng bàn thờ tang, có chức sắc đọc kinh. Bà con vừa đi, vừa hô khẩu hiệu “Bồi thường nhân mạng, trừng trị tên giết người, chống bắn pháo, chống dồn dân lập ấp”. Địch hoang mang hoảng sợ trước sự tiến công của quần chúng khắp các ngả đường. Tức tốc, địch bố trí lực lượng ra án ngữ các ngả đường không cho quần chúng tiến vào dinh quận cùng lúc với cánh bên Tân Kim. Về các cánh bên Trường Bình, địch ra tay đàn áp mạnh mẽ.

Tên Chín Hà dùng cây ba trắc làm dùi cui trấn áp quần chúng. Bà con đưa đơn kiến nghị, địch gạt phăng không chấp thuận, lớn tiếng hăm he, đe dọa. Chúng dùng nước sơn vẽ lên áo, lên nón lá khẩu hiệu chống cộng. Địch vẽ đến đâu bà con liệng áo, nón đến đấy (do rút kinh nghiệm các lần trước, bà con đều chuẩn bị sẵn áo). Địch càng hung hăng, làn sóng biểu tình của quần chúng ngày càng mạnh”.

Ngã ba Mũi Tàu ngày nay đã được mở rộng trở thành ngã năm Mũi Tàu

Người dân tập trung ngày càng đông, mang theo nhang, đèn, nấu cơm tiếp tế cho lực lượng đấu tranh chính trị. Chợ ngừng buôn bán, đường sá, bến bãi chật kín người không lưu thông được. Cuối cùng, tên quận trưởng cũng phải ra tiếp người dân, chấp nhận các yêu sách. Sau cuộc biểu tình một thời gian dài, địch không tổ chức càn quét, bắn phá vào dân làng, tạo cơ hội cho lực lượng vũ trang của huyện phát triển, chuẩn bị cho các đợt tấn công sắp tới.

Cuộc biểu tình ngày 01/9/1961 tại ngã ba Mũi Tàu thời điểm đó được đánh giá là “có quy mô lớn chưa từng thấy” và đã gây tiếng vang lớn, thúc đẩy phong trào cách mạng quần chúng tại Sài Gòn. Sự thành công của cuộc biểu tình khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và sự giác ngộ cách mạng sâu sắc cùng tinh thần quật khởi của nhân dân ta.

Ngày nay, do nhu cầu phát triển, ngã ba Mũi Tàu đã được mở rộng, trở thành ngã năm Mũi Tàu. Bia di tích được dựng lên cách đó không xa nhằm ghi nhớ về chiến thắng của cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất, tiêu biểu nhất huyện trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)./.

Mộc Châu

(*) Bài viết tham khảo từ Lý lịch di tích và Nội dung văn bia di tích

Chia sẻ bài viết