Tiếng Việt | English

12/04/2016 - 08:56

Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm

Năm 2015, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 5 vụ với 521 người ngộ độc thực phẩm. Điều này cho thấy việc mất an toàn thực phẩm hiện nay đang khiến người tiêu dùng “đau đầu” trong việc lựa chọn thực phẩm.

Theo báo cáo từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Long An, năm 2015, ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa bàn: Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An, trong đó có 439 người đi viện, không có trường hợp tử vong. Các ngành chức năng tổ chức 203 đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP ở các tuyến tỉnh, huyện, xã với 13.790 lượt, trong đó, phát hiện 3.930 cơ sở vi phạm, xử lý 358 cơ sở, tổng số tiền phạt gần 330 triệu đồng. 


Thực phẩm được bày bán tràn lan, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm sạch

Ăn gì cho an toàn?

Đó là câu hỏi chung được đặt ra của các bà nội trợ khi lựa chọn thực đơn cho bữa cơm hằng ngày trong gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thiên Lý, nhà ở đường Châu Thị Kim, phường 3, TP.Tân An chia sẻ: “Tôi có đứa con trai mới vào lớp 1, học bán trú, chồng làm công chức nhà nước, trưa thường ở lại cơ quan nên buổi chiều cả gia đình mới có bữa cơm sum họp. Tuy nhiên, buổi trưa, con ăn ở trường, vợ chồng tôi tự ăn bên ngoài nên tôi rất lo lắng thức ăn không bảo đảm vệ sinh. Nhưng, đến bữa cơm chiều, mình tự nấu ở nhà mà vẫn cứ lo, không biết mình mua thực phẩm tươi sống ở chợ có bảo đảm an toàn hay không, lỡ mua phải thực phẩm bẩn thì lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả nhà”.


Ăn gì cho an toàn? Ảnh minh họa. Internet

Bạn Phạm Thị Kim Chi, ngụ ấp Voi Lá, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Chúng em là sinh viên nghèo nên làm gì có nhiều tiền, cứ ra chợ thấy món nào rẻ là mua. Chúng em cũng có nghe rất nhiều về việc rau muống tưới nhớt, gà nhuộm hóa chất, heo có chất tạo nạc,... nhưng không ăn thì không biết ăn món gì bây giờ”.

Từ trước đến nay, người tiêu dùng vẫn có thói quen lựa chọn thực phẩm theo cảm tính, thấy giá cả hợp với túi tiền thì mua chứ chưa thực sự quan tâm đến mức độ nguy hại khi chẳng may mua phải thực phẩm không an toàn. Người dân nông thôn, công nhân, với đồng lương thấp nên việc chi tiêu cho bữa ăn hằng ngày đã vất vả, nói chi đến việc quan tâm đến thực phẩm đó có an toàn hay không?

Trông chờ vào đạo đức người kinh doanh

Chúng tôi có cuộc khảo sát tình trạng buôn bán thực phẩm tại một số chợ. Bên ngoài nhà lồng và phía sau cổng chợ Bến Lức, những người bán với quy mô nhỏ, lẻ tràn lan. Đây là hình thức kinh doanh vừa tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua. Người bán không phải đóng thuế và người mua cũng thuận tiện, dừng xe, tấp vào lề đường là có thể mua được bất cứ thứ gì mình cần, từ rau, cải, cá, thịt đến các loại thực phẩm chế biến sẵn,... Dĩ nhiên là không thể kiểm chứng được độ an toàn của thực phẩm, thậm chí bằng mắt thường cũng biết được đó là thức ăn thiếu an toàn vì được bày bán trên những tấm manh trải bên lề đường, thậm chí cạnh cống rãnh, nhớp nhúa nước thải.


Người tiêu dùng vẫn có thói quen lựa chọn thực phẩm theo cảm tính

Từ sự tiện lợi trước mắt, ít ai nghĩ đến vấn đề nguồn gốc thực phẩm đó và nó có an toàn hay không, bởi nhiều lý do khác nhau. Chị Nguyễn Thị Tuyết, công nhân Cty TNHH Lê Long, ở trọ tại khu phố 2, thị trấn Bến Lức giải thích: “Em đi làm cả ngày ở công ty, có khi tăng ca đến 20 giờ, không có nhiều thời gian như các bà nội trợ khác nên tranh thủ ghé vào chợ ven đường mua đại các loại thức ăn cho bữa cơm tối.”

Anh Nguyễn Tấn Phát, nhân viên ngân hàng tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước bức xúc cho biết thêm: “Nếu những người buôn bán biết nghĩ đến sức khỏe của người khác, có đạo đức và lòng thương người thì họ sẽ không để lòng tham che mắt như vậy. Người tiêu dùng là người cuối cùng trong quy trình mua bán thực phẩm, nhưng họ lại là người đầu tiên gánh chịu hậu quả, thời buổi này, người ta chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt mà chẳng màng đến cái gọi là đạo đức kinh doanh gì cả”.

Hầu như rất ít người quan tâm đến vấn đề ATVSTP hoặc biết nhưng vẫn phải sử dụng. Ảnh minh họa. Internet

Thực trạng trên cho thấy, hầu như rất ít người quan tâm đến vấn đề ATVSTP hoặc biết nhưng vẫn phải sử dụng. Đến một lúc nào đó, chẳng may xảy ra ngộ độc thì đã muộn. Ở những hàng ăn uống tại một số chợ, theo quan sát, rất nhiều người bán dùng chung dao, thớt để chế biến thức ăn cho cả sống và chín. Họ chỉ cần lau sơ qua bằng chiếc khăn cáu bẩn. Có người bán “cẩn thận” lắm cũng chỉ dùng 1 bao nylon để bốc thức ăn cho khách, nhưng sau đó họ lại “vô tư” nhận và thối tiền cho khách. Người dân chấp nhận đánh đổi sức khỏe của chính mình và gia đình khi sử dụng thực phẩm bày bán tràn lan ngoài chợ như một trò chơi may rủi, nhưng biết làm sao được. Đâu ai biết được có hàng trăm, hàng ngàn vi khuẩn sẽ được phát tán. 

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh về ATVSTP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP - Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: “Năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP tỉnh tập trung vào các hoạt động truyền thông, giáo dục về VSATTP, tăng cường thanh, kiểm tra, triển khai thực hiện các mô hình điểm ở các xã, phường, thị trấn về VSATTP. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt tồn tại như: Chưa kiểm soát được nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm đầu vào; chưa kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất,... Để bảo đảm mục tiêu VSATTP trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu số vụ ngộ độc thực phẩm, mang lại niềm vui trọn vẹn, sức khỏe, hạnh phúc cho người dân, tôi đề nghị các ngành chức năng liên quan cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết