Tiếng Việt | English

16/09/2021 - 13:00

Phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên

Long An trải qua những năm gian khổ trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho đất nước cùng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, các địa phương trong tỉnh từng bước nỗ lực vượt qua khó khăn trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương.

Truyền thống quê hương anh hùng

Với vị trí cửa ngõ nối tiếp giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ, ngay từ những năm thực dân Pháp đổ bộ xâm lược nước ta, sau khi đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định, chúng dồn quân về Long An thiết lập đồn, bót, xuôi về bình định phương Nam. Vùng đất Long An là nơi nổ ra nhiều phong trào đấu tranh yêu nước, huy động được sức mạnh từ lòng dân, tiêu biểu như khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Thông, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng, Trịnh Quang Nghị,...

Cùng với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của quân, dân Long An bước lên tầm cao mới, cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đưa đất nước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do. Thế nhưng, ngay sau đó, nhân dân Long An và cả nước lại phải trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp khi chúng quay trở lại chiếm nước ta một lần nữa.

Hệ thống trường lớp trên địa bàn xã Tân Bình đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu dạy và học

Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Long An phải đối mặt với kẻ thù nguy hiểm nhất thế giới với phương tiện, vũ khí hiện đại. Thế nhưng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Long An với truyền thống yêu nước cùng với sự lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết một lòng, tiến công đánh Mỹ bằng thế trận chiến tranh nhân dân, kết hợp 3 mũi đấu tranh: Chính trị - quân sự và binh vận, lập nên những chiến công hiển hách với những chiến thắng vang dội đi vào lịch sử.

Với những chiến công hiển hách, ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng cho quân và dân Long An danh hiệu vẻ vang và lá cờ ghi tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đây là nguồn động viên lớn lao để dân và quân Long An tiếp tục phát huy trên chặng đường cách mạng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần cùng cả nước hoàn thành công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nỗ lực vươn lên

Phát huy truyền thống hào hùng ấy, nhiều địa phương nỗ lực vươn lên trên con đường đổi mới và đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Điển hình như sự đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng xã Tân Bình, huyện Tân Trụ. Đây là vùng đất ghi dấu chiến công vang dội của người anh hùng Nguyễn Trung Trực với tiếng thơm “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” (thơ Huỳnh Mẫn Đạt). Dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, quân - dân Tân Bình vượt qua mọi thách thức, đánh địch bằng 3 mũi “quân sự - chính trị - binh vận” và thế trận lòng dân, góp phần cùng các địa phương đưa phong trào toàn dân đánh giặc ở Long An trở thành cao trào.

Mảnh đất này còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Long An trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Trận địa chính được bố trí tại khu vực Cầu Tràm, gần chợ Mỹ Bình. Khi địch lọt vào trận địa phục kích, lực lượng ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt 135 tên địch, bắn hỏng 1 xe Jeep, thu trên 100 khẩu súng, bọn địch còn lại hốt hoảng tháo chạy về Tân An.

Hệ thống đường giao thông trục xã Tân Bình được nhựa hóa

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Đặng Ngọc Hòa cho biết: “Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tân Bình trở thành vùng trắng bởi hứng chịu “mưa bom, bão đạn”. Hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhanh chóng khắc phục hậu quả, chung tay, đoàn kết phát triển KT-XH. Người dân tích cực lao động, sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng. Vùng quê giàu truyền thống cách mạng ngày nào giờ đã chuyển mình với những tuyến đường được láng nhựa, trải bêtông thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát”.

Đến nay, xã cơ bản đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, cuối năm 2021 sẽ đề nghị cấp trên xét công nhận. Theo đó, hệ thống đường giao thông trục xã đều được nhựa hóa, đường trục xóm, ấp được bêtông hóa. Thông qua các mô hình: Tuyến đường xanh, sạch, đẹp; Ánh sáng đường quê; Ánh sáng an ninh, trật tự bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, hệ thống chiếu sáng trên địa bàn xã được phủ kín đến các xóm, ấp, bộ mặt nông thôn càng thêm khởi sắc.

Đặc biệt, hệ thống đê bao, cống, đập trên địa bàn giúp ngăn mặn, xả phèn, trữ ngọt nên người dân an tâm sản xuất 3 vụ/năm. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng đất nên kinh tế phát triển, đời sống không ngừng được nâng cao. Đến nay, hộ nghèo chỉ còn 1,38%; hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 80%, tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91%. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được quan tâm. Hệ thống trường lớp đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Có thể khẳng định, mọi thành quả đều bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Không chỉ Tân Bình mà còn nhiều vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh từng bước nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương ngày đổi mới, đời sống người dân ngày càng nâng cao./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết