Tiếng Việt | English

06/03/2024 - 11:27

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự ra đời, hoạt động của Nhà nước, được ví như “giặc nội xâm” gây hậu quả to lớn đối với đời sống xã hội, thậm chí là sự mất còn của chế độ và Tổ quốc. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Để PCTN,TC hiệu quả phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên (CBĐV) là giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

V.I.Lênin từng khẳng định căn bệnh tham ô, tham nhũng, hối lộ trong ĐV, những CB có chức quyền đó chính là nguy cơ lớn nhất đe dọa sự tồn vong của chế độ. V.I.Lênin cũng chỉ rõ: “Chủ nghĩa quan liêu, tức là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa đến công tác”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn khẳng định vai trò của CBĐV, đặc biệt là những người nắm giữ chức vụ, quyền hạn trong việc tự rèn luyện, làm gương để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Người chỉ rõ: “Nói về mỗi người chúng ta, nếu hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thế là thiện. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc, thế là ác”. Vì vậy, Người đòi hỏi mỗi CBĐV phải nêu gương sáng cho quần chúng noi theo: “Phải đoàn kết nhất trí, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí; hết lòng hết dạ phục vụ Nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Chính phủ và pháp luật của Nhà nước”.

Người cũng nhắc nhở việc CBĐV không gương mẫu chính là nguyên nhân sinh ra lãng phí, tham ô: “Vì CB và ĐV không nêu gương tốt, mà lại nêu gương xấu, cho nên đã sinh ra nhiều lãng phí, tham ô… Có tình trạng như thế là vì nhiều đồng chí CB và ĐV còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi và chủ nghĩa địa phương, chỉ thấy lợi ích riêng mà không thấy lợi ích chung của Nhà nước”.

Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, vận dụng sáng tạo những căn dặn của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác đấu tranh PCTN, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra tham nhũng vẫn là một “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” tàn phá đất nước từ bên trong. Từ việc xác định tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ, trong thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay, công tác đấu tranh PCTN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác PCTN,TC của Đảng đã ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến rõ rệt, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Công tác PCTN,TC đã được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, một bộ phận CBĐV thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, nói không đi đôi với làm. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhận định tình trạng “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số ĐV có chức vụ trong bộ máy nhà nước”, “nhiều CBĐV, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn nghiêm trọng”; “Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Từ thực tế trên, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định như Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của CBĐV”, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều ĐV không được làm;...

Để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của CBĐV trong công tác PCTN, Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng đã xác định: “Công tác PCTN, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...” cũng như tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Mỗi CBĐV phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đề cao lòng danh dự, thường xuyên tự soi, tự sửa; phải luôn tự giác trong việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói phải đi đôi với làm, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận CBĐV hiện nay.

Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của CBĐV, nhất là người đứng đầu, CB chủ chốt. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp quan trọng trong công tác PCTN,TC.

Trong bối cảnh công tác đấu tranh PCTN hết sức khó khăn, phức tạp, việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ CBĐV trong cuộc chiến đấu tranh PCTN,TC hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

ThS. Trần Văn Toàn - Trường Chính trị Lê Duẩn

Chia sẻ bài viết