Tiếng Việt | English

09/11/2023 - 08:31

Phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả tích cực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 657-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Long An với 15 thành viên do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Ảnh: Vũ Quang)

Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu có sự chuyển biến tích cực

Tỉnh ủy nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp, tập trung lãnh, chỉ đạo, quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản, hướng dẫn của Trung ương. Tỉnh ủy chủ động ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo về công tác PCTN,TC phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị để thực hiện hiệu quả, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia.

Công tác PCTN,TC được gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên (CBĐV) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, người đứng đầu cấp ủy tổ chức tốt việc đối thoại theo Quyết định số 1991-QĐ/TU, ngày 07/7/2014 về quy chế đối thoại giữa Đảng với CBĐV và nhân dân; phân công bí thư cấp ủy các cấp trực tiếp phụ trách công tác PCTN và lãnh, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc đưa nội dung PCTN,TC vào sinh hoạt lệ kỳ chi bộ hàng tháng, xem đây là tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra tập trung thanh, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực phụ trách nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng, các sai phạm về kinh tế, có biện pháp chấn chỉnh trong công tác quản lý nói chung và PCTN,TC nói riêng; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của CBĐV, trách nhiệm, nghĩa vụ của công chức, viên chức. Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu có sự chuyển biến tích cực.

Công tác tuyên truyền về PCTN,TC tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức và chuyển thành hành động. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, nhất là công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước, cải cách hành chính, xây dựng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh tổ chức 4.545 cuộc tuyên truyền với 141.826 lượt người tham dự và phát hành 1.756 cuốn Sách Tìm hiểu pháp luật về PCTN. Hàng tháng, Báo Long An có 1 chuyên trang về công tác PCTN,TC. Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện một số phóng sự tuyên truyền về PCTN,TC.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đồng bộ, quyết liệt

Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch bằng nhiều hình thức phù hợp; triển khai, thực hiện hiệu quả quy chế quản lý, sử dụng tài sản công, chi tiêu nội bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thanh, kiểm tra 128 cuộc về việc thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với một số vị trí nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao được thực hiện thường xuyên (đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 529 trường hợp).

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã phối hợp Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra việc lãnh, chỉ đạo và thực hiện công tác PCTN,TC trên địa bàn tỉnh đối với 21 tập thể và 15 cá nhân là người đứng đầu trong công tác chỉ đạo về PCTN,TC.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh phát hiện, khởi tố mới 10 vụ/13 bị can; truy tố 7 vụ/7 bị can, đưa ra xét xử 10 vụ/14 bị cáo. Tổng tài sản thiệt hại trong các vụ án tham nhũng đã thu hồi trên 14 tỉ đồng và 1 quyền sử dụng đất trị giá trên 3 tỉ đồng. Ngoài ra, còn chỉ đạo sơ, tổng kết các chuyên đề về PCTN,TC, qua đó tác động rất lớn đến ý thức trong công tác phòng ngừa chung.

Đặc biệt, Long An là 1 trong 8 tỉnh, thành phố sớm thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCTN,TC tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng BCĐ và Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực. Sau khi thành lập, BCĐ tỉnh ban hành quy chế làm việc và quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

Ban Nội chính Tỉnh ủy, với vai trò là cơ quan thường trực đã thực hiện tốt nhiệm vụ, chủ động tham mưu tập trung lãnh, chỉ đạo, quyết liệt xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nhưng cũng mang tính nhân văn; tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, kéo dài, nhất là chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc do BCĐ Trung ương giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác PCTN,TC trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN,TC ở một số cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, đơn vị, địa phương thực hiện chưa thường xuyên, nhất là tuyên truyền, giáo dục văn hóa liêm chính trong CBĐV và nhân dân. Việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.

Cải cách hành chính tuy có chuyển biến tích cực song chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Việc chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng thực hiện chưa quyết liệt. Rất ít vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện qua tự đấu tranh nội bộ mà chủ yếu được phát hiện qua công tác thanh, kiểm tra và đơn, thư tố cáo.

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh trong quá trình giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn xảy ra nơi này, nơi khác, gây bất bình trong xã hội, chưa được ngăn chặn triệt để.

Chất lượng và tiến độ giải quyết tin báo tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế có vụ việc còn chậm, kéo dài, chưa đạt yêu cầu. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ xử lý tham nhũng tuy có chuyển biến nhưng còn khó khăn, chậm.

Một số ít cán bộ còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm nên có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, làm cho công việc chậm trễ trong xử lý.

Thực tế hiện nay, cá nhân tố cáo hành vi tham nhũng còn e ngại, sợ trù dập, trả thù nên lấy tính chất tập thể để tố cáo hoặc tố cáo nặc danh, người tố giác không dám công khai tố giác.

Kịp thời phát hiện, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn

Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, thời gian tới phải tiếp tục lãnh, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục lãnh đạo quán triệt và triển khai, thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về PCTN,TC; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong CBĐV, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh PCTN,TC; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, tích cực thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Rà soát kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan đến tài chính, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, định giá và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán kiến nghị, đề xuất.

Ba là, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tăng cường quản lý, giám sát CBĐV trong công tác PCTN,TC. Nghiêm túc thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc không triển khai, chậm triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Quy định và thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, uy tín thấp.

Quy định cụ thể và thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước; CBĐV, công chức, viên chức vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết thực hiện hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, gắn cải cách chế độ công vụ, PCTN,TC, thực hành tiết kiệm với xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bốn là, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát để phát hiện và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 24/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống “tham nhũng vặt” trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng, thanh tra công vụ bảo đảm thường xuyên, toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Năm là, tập trung lãnh, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng, việc xử lý tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra, đã kết luận có người phạm tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giám định, định giá.

Sáu là, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, HĐND, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của HĐND các cấp; giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời, nghiêm trị những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật, hãm hại người đấu tranh chống tham nhũng.

Bảy là, tiếp tục kiện toàn BCĐ PCTN,TC tỉnh và tổ chức bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan Thường trực của BCĐ tỉnh; tăng cường sự phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan chức năng và địa phương trong tham mưu, giúp việc, phục vụ hiệu quả hoạt động của BCĐ tỉnh trong thời gian tới./.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh - Nguyễn Thành Vững

Chia sẻ bài viết